18/01/2022 2:15 PM
Theo Oxfam, cứ mỗi 26 giờ đồng hồ, thế giới lại có thêm 1 tỉ phú mới; trong khi đó, cứ 4 giây lại có ít nhất 1 người chết mà nguyên nhân một phần là do bất bình đẳng. Các tỷ phú đã trải qua đại dịch một cách tuyệt vời. Hàng nghìn tỷ đô la từ ngân sách công đã được bơm vào thị trường tài chính để cứu nền kinh tế, nhưng phần lớn số tiền đó lại rơi vào túi của các tỷ phú khi thị trường chứng khoán bùng nổ.

Theo Oxfam, cứ mỗi 26 giờ đồng hồ, thế giới lại có thêm 1 tỉ phú mới; trong khi đó, cứ 4 giây lại có ít nhất 1 người chết mà nguyên nhân một phần là do bất bình đẳng. Ảnh minh họa

Trong hai năm đầu của đại dịch COVID-19, tài sản của 10 người đàn ông giàu nhất thế giới đã tăng gấp đôi từ 700 tỷ USD lên 1.500 tỷ USD – với tốc độ gia tăng 15.000 USD mỗi giây hay 1,3 tỷ USD một ngày; trong khi thu nhập của 99% nhân loại giảm xuống và thế giới có thêm hơn 160 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói.

“Nếu ngày mai, 10 người đàn ông này mất đi 99,999% tài sản của họ, thì họ vẫn sẽ giàu hơn 99% người dân trên toàn thế giới”, Giám đốc Điều hành của Oxfam Quốc tế, Bà Gabriela Bucher cho biết. “Khối tài sản của họ nhiều gấp sáu lần 3,1 tỷ người nghèo nhất thế giới”.

Trong Báo cáo Tóm tắt mới nhất “Bất bình đẳng giết chết chúng ta” được công bố ngày 17/1/2021 trước thềm Chương trình nghị sự Davos của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Oxfam chỉ ra rằng bất bình đẳng đang là một phần nguyên nhân gây ra cái chết của ít nhất 21.000 người mỗi ngày, nghĩa là mỗi bốn giây lại có một người chết. Phát hiện này dựa trên dữ liệu chưa đầy đủ về số người chết trên toàn cầu do không được tiếp cận với dịch vụ y tế, do bạo lực giới, nạn đói, và khủng hoảng khí hậu.

“Việc sửa chữa những sai lầm tồi tệ do các loại hình bất bình đẳng gây ra chưa bao giờ trở nên cấp thiết đến vậy. Chúng ta cần lấy lại phần tài sản và quyền lực gia tăng phi lý của giới siêu giàu bằng cách đánh thuế lũy tiến và sử dụng số tiền đó để đầu tư vào nền kinh tế thực sự và cứu sống sinh mạng”, bà kêu gọi.

So với 14 năm qua, tài sản của các tỷ phú đã tăng lên nhiều lần kể từ đại dịch COVID-19. Năm nghìn tỷ USD, đây là mức tăng tài sản của các tỷ phú lớn nhất kể từ khi bắt đầu thống kê.

Theo Oxfam, đánh thuế một lần 99% tài sản tăng lên trong đại dịch của 10 người đàn ông giàu nhất có thể đủ để chi trả cho: sản xuất đủ vắc xin cho toàn thế giới; cung cấp dịch vụ y tế và an sinh xã hội phổ quát, tài trợ cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm bạo lực giới ở hơn 80 quốc gia; sau khi trừ đi tất cả các khoản trên, tài sản của những người đàn ông giàu có này vẫn lớn hơn giá trị tài sản họ có trước đại dịch 8 tỷ USD.

“Các tỷ phú đã trải qua đại dịch một cách tuyệt vời. Hàng nghìn tỷ đô la từ ngân sách công đã được bơm vào thị trường tài chính để cứu nền kinh tế, nhưng phần lớn số tiền đó lại rơi vào túi của các tỷ phú khi thị trường chứng khoán bùng nổ. Mặc dù vắc xin được trông đợi để chấm dứt đại dịch này, nhưng chính phủ các nước giàu lại cho phép các tỷ phú và tập đoàn dược độc quyền cắt nguồn cung vắc xin cho hàng tỷ người. Kết quả là, nguy cơ gia tăng mọi loại hình bất bình đẳng ngày càng lớn, dễ đoán với hậu quả khôn lường”, bà Bucher nói.

Bất bình đẳng cực đoan là một hình thức “bạo lực kinh tế” – trong đó, các chính sách và lựa chọn chính trị đã bị bóp méo để phục vụ lợi ích của những người giàu nhất và quyền lực nhất, gây hại trực tiếp tới đa phần người dân thường trên toàn thế giới.

“Cách thế giới đối mặt với đại dịch đã làm bùng phát bạo lực kinh tế đặc biệt nghiêm trọng trên các ranh giới phân biệt chủng tộc, nhóm bị gạt ra ngoài lề xã hội và các nhóm bị phân biệt đối xử dựa trên giới tính. Đại dịch COVID-19 đã khiến gia tăng bạo lực giới, gia tăng khối lượng công việc chăm sóc không lương trên vai phụ nữ và trẻ em gái", bà Bucher nói.

Theo bà Bucher, “Đại dịch COVID-19 đã làm lộ diện cả động cơ của lòng tham và cơ hội thực hiện nó qua các biện pháp chính trị và kinh tế; theo đó, bất bình đẳng cực đoan đã trở thành một công cụ của bạo lực kinh tế. Sau nhiều năm nghiên cứu và vận động về vấn đề này, Oxfam đã đi đến kết luận dù gây sốc nhưng không thể phủ nhận này”.

Trong hai năm qua, bất chấp chi phí khổng lồ để chiến đấu với đại dịch, chính phủ các nước giàu đã không tăng thuế đối với lợi nhuận từ tài sản của những người giàu nhất và tiếp tục tư nhân hoá các hàng hóa công như khoa học về vắc xin. Họ thậm chí đã hỗ trợ các tập đoàn độc quyền tới mức, chỉ tính trong đại dịch, các nguy cơ từ tập trung thị trường trong một năm qua còn lớn hơn của 15 năm từ 2000 đến 2015 cộng lại.

Bất bình đẳng đang là tâm điểm của khủng hoảng khí hậu, khi lượng phát thải CO2 của 1% những người giàu nhất lớn gấp đôi 50% người nghèo nhất trên thế giới, dẫn đến biến đổi khí hậu trong suốt năm 2020 và 2021, gây ra cháy rừng, lũ lụt, lốc xoáy, mất mùa và nạn đói.

Bà Bucher chỉ ra rằng: “Bất bình đẳng với tốc độ và quy mô hiện nay xảy ra là do lựa chọn chứ không phải ngẫu nhiên. Các cấu trúc kinh tế này không chỉ ảnh hưởng tới sự an toàn của chúng ta khi đối mặt với đại dịch mà còn đang tích cực tạo điều kiện cho những người giàu và quyền lực khai thác cuộc khủng hoảng này để tạo lợi nhuận riêng cho mình”.

Báo cáo nhấn mạnh vai trò quan trọng của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới – Mỹ và Trung Quốc – trong việc xem xét các chính sách làm giảm bất bình đẳng, thông qua thuế suất cao hơn đối với những người giàu và giải quyết vấn đề về các công ty độc quyền. “Những biện pháp này mang lại cho chúng ta kỳ vọng có thể đo lường được về một sự đồng thuận kinh tế mới,” bà Bucher nói.

Oxfam khuyến nghị các chính phủ nên khẩn trương:

Lấy lại lợi nhuận mà các tỷ phú kiếm được bằng cách đánh thuế khối tài sản khổng lồ mà họ mới có được kể từ thời điểm đại dịch bắt đầu thông qua thuế tài sản và thuế lãi về vốn dài hạn.

Đầu tư hàng nghìn tỷ đô la thu được từ các loại thuế này vào dịch vụ y tế và an sinh xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, và xây dựng các chương trình ngăn chặn bạo lực giới.

Tháo gỡ những điều luật phân biệt giới tính và phân biệt chủng tộc để xoá bỏ tận gốc bạo lực và phân biệt đối xử. Tất cả lĩnh vực xã hội cần khẩn trương xây dựng những chính sách để đảm bảo phụ nữ, các nhóm bị phân biệt đối xử và các nhóm dễ bị tổn thương khác được tham gia trong quá trình ra quyết định.

Chấm dứt các luật làm suy yếu quyền thành lập hiệp hội và đình công của người lao động, đồng thời thiết lập các tiêu chuẩn pháp lý để bảo vệ họ.

Chính phủ các nước giàu cần bãi bỏ ngay lập tức những quy định về sở hữu trí tuệ đối với công nghệ vắc-xin COVID-19 để cho phép nhiều quốc gia sản xuất vắc xin an toàn và hiệu quả nhằm chấm dứt đại dịch.

“Chúng ta không thiếu tiền. Thực tế đó đã được minh chứng khi các chính phủ tung ra 16 nghìn tỷ USD để ứng phó với đại dịch. Điều chúng ta thiếu là sự can đảm để giải quyết bất bình đẳng, việc tích tụ tài sản và sự ảnh hưởng của những người giàu có và quyền lực, và chúng ta thiếu trí tưởng tượng cần có để thoát khỏi cái áo bó hẹp và thất bại của chủ nghĩa tân tự do cực đoan. Các chính phủ cần lắng nghe những phong trào xã hội – như phong trào đấu tranh công lý khí hậu của người trẻ, đấu tranh cho bình đẳng của người da đen Black Lives Matter, phong trào bình quyền #NiUnaMenos và nhiều phong trào khác – họ là những người đấu tranh vì công bằng và bình đẳng”.

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.