Báo cáo mới phát hành của Tổ chức Oxfam cho biết, một nửa số quốc gia nghèo nhất đã cắt giảm chi tiêu cho y tế trong đại dịch, và 95% quốc gia đã không tăng thuế, hoặc thậm chí đã giảm thuế, đối với nhóm người giàu và các tập đoàn.

Ảnh minh hoạ.

Tổ chức Oxfam vừa công bố Báo cáo Chỉ số Cam kết Giảm Bất bình đẳng (CRI) 2022. Đây là phân tích chi tiết đầu tiên về các chính sách và hành động của chính phủ tại 161 quốc gia trong việc giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong hai năm đầu đại dịch COVID-19 diễn ra.

Chỉ số CRI đánh giá chính sách, hành động của các quốc gia ở ba lĩnh vực đã được chứng minh là có tác động lớn tới việc giảm bất bình đẳng: 1) dịch vụ công (y tế, giáo dục và an sinh xã hội); 2) thuế; và 3) quyền người lao động.

Theo Oxfam, các quốc gia, bất kể giàu nghèo, đều đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng kinh tế trong đại dịch COVID-19 kể từ năm 2020, theo nghiên cứu mới của Oxfam và Tổ chức Tài chính Phát triển Quốc tế (DFI).

Phần lớn các chính phủ đã cắt giảm chi tiêu cho y tế, giáo dục và an sinh xã hội. Trong khi đó, họ lại không tăng thuế đối với siêu thu nhập và tài sản tăng vọt trong đại dịch.

Chỉ số Cam kết Giảm Bất bình đẳng (CRI Index) 2022 là báo cáo phân tích chi tiết đầu tiên về các chính sách và hành động của chính phủ tại 161 quốc gia trong việc giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong hai năm đầu đại dịch diễn ra.

Chỉ số cho thấy, dù đối mặt với tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu lớn nhất thế kỷ, một nửa các quốc gia thu nhập thấp và trung bình thấp đã cắt giảm chi tiêu cho y tế. Gần một nửa số quốc gia trong báo cáo cắt giảm chi tiêu cho an sinh xã hội, và 70% các quốc gia cắt giảm chi tiêu cho giáo dục.

Trong khi tình trạng nghèo đói đã tăng đến mức kỷ lục và người lao động đang phải vật lộn với chi phí cao nhất trong nhiều thập kỷ qua, hai phần ba số quốc gia đã thất bại trong việc tăng mức lương tối thiểu tương ứng với tổng sản phẩm quốc nội trong thời kỳ đại dịch. Mặc dù áp lực đè nặng lên tài chính công, 143 trong số 161 quốc gia đã không tăng thuế đối với nhóm người giàu nhất, và 11 quốc gia thậm chí còn giảm mức thuế cho người giàu.

Pháp đã tụt mười bậc trong xếp hạng chỉ số toàn cầu sau khi cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và loại bỏ hoàn toàn thuế tài sản vào năm 2019. Jordan đã cắt giảm một phần năm chi tiêu cho y tế bất chấp đại dịch. Nigeria đã không cập nhật mức lương tối thiểu kể từ trước đại dịch, và Mỹ đã không tăng mức lương tối thiểu của liên bang kể từ năm 2009.

Bà Gabriela Bucher, Giám đốc điều hành tổ chức Oxfam Quốc tế chia sẻ: “Báo cáo Chỉ số Cam kết Giảm Bất bình đẳng (CRI) toàn cầu cho thấy hầu hết chính phủ các nước đã thất bại trong việc thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm bớt tình trạng bất bình đẳng gia tăng do đại dịch COVID-19. Chính phủ các nước đã cắt giảm chi tiêu cho dịch vụ công khi người dân cần nhất, trong khi đó các tỷ phú và các tập đoàn thu về lợi nhuận mức kỷ lục mà không gặp trở ngại nào. Tuy nhiên, một số chính phủ ở khu vực Caribe và Châu Á đã dũng cảm đi ngược lại xu thế này và thực hiện các hành động mạnh mẽ để kiểm soát bất bình đẳng”.

Có thể kể đến những hành động quyết liệt để đẩy lùi bất bình đẳng mà các quốc gia thu nhập thấp và trung bình đã thực hiện như sau:

• Costa Rica tăng mức thuế thu nhập cá nhân thêm 10 điểm phần trăm, New Zealand tăng 8 điểm phần trăm.

• Lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng đã tăng chi tiêu xã hội từ 37% lên 47% ngân sách.

• Barbados ban hành một bộ luật toàn diện nhất để nâng cao quyền lao động của phụ nữ, và Maldives lần đầu tiên áp dụng mức lương tối thiểu trên toàn quốc.

Bộ trưởng Tài chính các nước nhóm họp tại Washington trong khuôn khổ Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), trong khi bối cảnh kinh tế toàn cầu khiến các quốc gia đang phát triển ngày càng khó khăn hơn để đáp ứng nhu cầu của chính người dân nước mình. Mặc dù đã bơm hàng nghìn tỷ đô-la cho nền kinh tế trong nước, nhưng các nước giàu đã thất bại trong việc tăng viện trợ trong thời kỳ đại dịch. Tình trạng bất bình đẳng kinh tế và đói nghèo tại các nước nghèo còn trầm trọng hơn do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhất quyết yêu cầu các nước này áp dụng những biện pháp thắt lưng buộc bụng mới để giảm nợ và thâm hụt ngân sách.

Ông Matthew Martin, Giám đốc Tổ chức Tài chính Phát triển Quốc tế (DFI), chia sẻ: “Cuộc tranh luận đang chứng kiến bước ngoặt từ cách chúng ta đối phó với suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 sang làm thế nào để giảm nợ thông qua việc cắt giảm gắt gao chi tiêu cho các dịch vụ công và không tăng lương. Với sự giúp đỡ của IMF, thế giới đang mộng du khi thực hiện các biện pháp khiến bất bình đẳng gia tăng. Chúng ta cần thức tỉnh, đúc kết bài học kinh nghiệm; ngăn chặn tình trạng bất bình đẳng gia tăng mạnh mẽ là một hành động hoàn toàn thiết thực và dễ hiểu. Bất bình đẳng là một lựa chọn chính sách, các chính phủ phải ngừng ưu tiên nhóm người giàu nhất và không để người dân thường bị bỏ lại phía sau”.

Theo phân tích của Oxfam và Tổ chức Tài chính Phát triển Quốc tế (DFI), dựa trên dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ba phần tư quốc gia trên thế giới đang có kế hoạch tiếp tục cắt giảm chi tiêu trong năm năm tới, với tổng giá trị lên đến 7,8 nghìn tỷ USD.

Năm 2021, các nước thu nhập thấp đã chi tới 27,5% ngân sách để trả nợ - gấp đôi chi tiêu cho giáo dục, gấp bốn lần chi tiêu cho y tế và gần 12 lần chi tiêu cho an sinh xã hội.

Ông Martin cho biết: “Với mỗi đô-la các nước đang phát triển chi cho y tế, họ phải trả bốn đô-la cho các quốc gia chủ nợ giàu có. Việc giảm nợ một cách toàn diện và tăng thuế đánh vào người giàu là điều cần thiết giúp các nước này giảm đáng kể tình trạng bất bình đẳng.”

Trong cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID, hầu hết các quốc gia đều thất bại trong việc tăng mức thuế đối với nhóm người giàu nhất và siêu lợi nhuận bất thường bất chấp các tiền lệ trong lịch sử. Sau đại dịch cúm năm 1918, cuộc Đại suy thoái năm 1930 và Thế chiến Thứ hai, nhiều quốc gia giàu có đã tăng thuế đối với nhóm giàu nhất và áp thuế lên siêu lợi nhuận bất thường của các tập đoàn. Họ dùng các khoản thu này để xây dựng hệ thống giáo dục, y tế và an sinh xã hội. Việc đánh thuế nhóm người giàu nhất và siêu lợi nhuận bất thường có thể mang lại hàng nghìn tỷ đô la nguồn thu từ thuế.

Bà Bucher nhấn mạnh: “Các nhà lãnh đạo chính phủ trong cuộc họp tại Washington phải lựa chọn giữa việc hoặc xây dựng nền kinh tế bình đẳng nơi mọi người đều được hưởng lợi công bằng, hoặc tiếp tục gia tăng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, từ đó dẫn đến hệ lụy không đáng có”.

  • Oxfam: Cứ 26 giờ đồng hồ, thế giới lại có thêm một tỉ phú mới

    Oxfam: Cứ 26 giờ đồng hồ, thế giới lại có thêm một tỉ phú mới

    Theo Oxfam, cứ mỗi 26 giờ đồng hồ, thế giới lại có thêm 1 tỉ phú mới; trong khi đó, cứ 4 giây lại có ít nhất 1 người chết mà nguyên nhân một phần là do bất bình đẳng. Các tỷ phú đã trải qua đại dịch một cách tuyệt vời. Hàng nghìn tỷ đô la từ ngân sách công đã được bơm vào thị trường tài chính để cứu nền kinh tế, nhưng phần lớn số tiền đó lại rơi vào túi của các tỷ phú khi thị trường chứng khoán bùng nổ.

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.