Theo ông Lê Xuân Nghĩa, thị trường bất động sản chỉ phục hồi vững chắc hơn vào năm 2014 hoặc có thể chậm hơn đối với một vài phân khúc thị trường cao cấp. Ảnh: Hồng Phúc
Ông cũng đưa ra những dự báo về các chỉ số kinh tế vĩ mô và cho rằng đó là những dự báo khả thi của nền kinh tế. Cụ thể, chuyên gia này dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2013 trên dưới 5,5%, lạm phát khoảng 7-8%, tỷ giá hối đoái tăng khoảng 2-3% và lãi suất ngân hàng ngắn hạn (tiền gửi) giảm 1%.
Nói về khả năng xử lý nợ xấu, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng đó là một trong những chương trình có thể tạo ra sự thay đổi với nền kinh tế. Tái cơ cấu tài chính, chủ yếu là xử lý nợ xấu và phục hồi khả năng sinh lời, là giai đoạn quyết định nhất của toàn bộ chương trình tái cơ cấu nền kinh tế.
“Cho đến nay, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tái cơ cấu được một phần nợ xấu, bằng cách giãn nợ, khoanh nợ bằng sử dụng dự phòng rủi ro khoảng 4%. Phần còn lại khá lớn sẽ phải xử lý bằng nhiều cách, trong đó thành lập công ty mua bán nợ (AMC) có ý nghĩa quyết định. Công ty AMC hoạt động theo nguyên tắc mua nợ xấu từ ngân hàng, bán nợ xấu ra nền kinh tế (trong nước và quốc tế) không vì mục tiêu lợi nhuận nhưng bảo toàn vốn. Vốn hoạt động chủ yếu của công ty mua - bán nợ là trái phiếu đặc biệt do công ty phát hành có sự bảo lãnh của NHNN. Công ty quản lý và giám sát trực tiếp bởi NHNN”, ông Nghĩa nói.
Ông cho biết, xử lý nợ xấu sẽ chủ yếu dựa vào nguồn lực của các ngân hàng thương mại. Những ngân hàng nhỏ, nợ xấu lớn, phải trích lập dự phòng rủi ro cho tài sản tài chính (trái phiếu) thay thế nợ xấu đã được hạch toán ngoại bảng có thể gây khó khăn cho các ngân hàng loại này, thậm chí sẽ bị buộc phải sáp nhập hoặc mua lại. Điều này có thể ảnh hưởng nhất định đến hệ thống và thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, một khía cạnh khác, ông Lê Xuân Nghĩa cũng lưu ý rằng, giải quyết nợ xấu trong điều kiện thị trường nợ kém phát triển và nguồn tài chính bổ sung yếu, có thể làm thị trường bất động sản đình trệ hơn, nhất là khi các khoản nợ chuyển sang AMC không bán được hoặc bán với giá thấp, gây tổn thất lớn cho ngân hàng và doanh nghiệp, đồng thời gây bất ổn thị trường.
Ông cũng cho rằng, chỉ xử lý nợ xấu đơn thuần trong ngắn hạn không thể làm tăng tín dụng, đặc biệt là tín dụng cho những doanh nghiệp có nợ xấu hoặc có lịch sử tín dụng với tín nhiệm thấp. Vì vậy, chính phủ cần có cơ chế bảo lãnh để doanh nghiệp loại này có thể tiếp cận vốn từ ngân hàng trong trường hợp hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư có hiệu quả
Trong mối liên quan từ nợ xấu đến các thị trường cơ bản, chuyên gia này nhận định rằng thị trường bất động sản có thể tăng thanh khoản bắt đầu từ quý 3 và có thể có dấu hiệu phục hồi rõ ràng hơn vào quý 4, song vì những khoản nợ lớn về bất động sản vẫn chưa xử lý được, do thị trường nợ kém phát triển, nền thị trường này có thể chỉ phục hồi vững chắc hơn vào năm 2014, hoặc có thể chậm hơn đối với một vài phân khúc thị trường cao cấp.
”Thị trường chứng khoán có thể sẽ phải đối diện với một giai đoạn cầm cự, tăng trưởng khiêm tốn và điều chỉnh nhẹ từ nay đến giữa năm và có dấu hiệu phục hồi ổn định hơn vào nửa cuối năm. Tuy nhiên mức tăng trưởng có thể chưa đủ lớn để VN-Index vượt mốc 600 điểm vào quý 4-2013. Thị trường chứng khoán sẽ hồi phục rõ ràng hơn vào năm 2014, nếu không có các cú sốc vĩ mô”, ông Nghĩa nói. “Những cột mốc thay đổi theo hướng tích cực như việc ra đời công ty mua - bán nợ, điều chỉnh giảm lãi suất, cơ chế tài chính hỗ trợ người mua nhà, các dấu hiệu cải thiện kinh tế từ bên ngoài… có thể giúp một số lĩnh vực như khoáng sản, điện tử dân dụng, công nghiệp chế biến có thể phục hồi sớm hơn. Khu vực tài chính sẽ phục hồi chậm trong quá trình tái cơ cấu”.
Không khác nhiều với quan điểm của ông Nghĩa, cũng tại hội thảo, tiến sĩ Trần Du Lịch thì cho rằng, nền kinh tế sắp tới sẽ diễn ra tái cơ cấu thị trường “nghiệt ngã” nhưng tích cực.
“Chắc chắn trong các năm 2013-2014 sẽ diễn ra quá trình tái cơ cấu thị trường nghiệt ngã. Đây cũng là thời kỳ mở ra những cơ hội cho các doanh nghiệp nắm bắt để tái cơ cấu và phát triển bển vững. Thị trường sẽ trở nên lành mạnh hơn, trong đó có thị trường lao động, đó là cơ hội để thu hút đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, ông Lịch nói.
Ông nói thêm: “Dù yếu ớt và vẫn ở trong tình trạng tăng trưởng dưới tiềm năng (so với công suất đã đầu tư), nhưng năm 2013 nền kinh tế Việt Nam đã chạm đáy của khó khăn và sẽ là năm hồi phục nếu Chính phủ quyết tâm để giải quyết các vấn đề trung-dài hạn của nền kinh tế và đó vẫn là vấn đề quan trọng nhất đặt ra đối với Chính phủ”.