18/05/2023 2:01 PM
TS. Lê Xuân Nghĩa đề xuất tăng quyền tự chủ của ngân hàng thương mại (NHTM), cụ thể là việc thu giữ tài sản đảm bảo đề nghị không cần có sự đồng thuận của chủ tài sản nhưng ngân hàng phải thông báo cho chủ tài sản biết.

Ảnh minh hoạ

Luật cần tính đến lợi ích của chủ nợ và khách vay

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mong muốn rằng, luật sẽ tính đến lợi ích chủ nợ, người vay nợ, tránh tình trạng bảo vệ chủ nợ nhưng ảnh hưởng đến người đi vay nợ, điều này cần lý giải đầy đủ. Cần tính toán tránh việc lạm dụng các quy định xử lý nợ xấu, tránh nguyên nhân chủ quan và khách quan, nên tính toán tạo ra lợi ích công bằng.

Về thông tin, theo ông Hiếu, các kiến nghị nên lý giải về vấn đề thu giữ tài sản, nên phân tích sự cần thiết của quy định đặc biệt, đặc thù. Cần có phương hướng hoàn thiện, mong vấn đề xử lý nợ xấu hướng đến hình thành thị trường, cũng như có quy định tạo ra thị trường trong dự thảo luật.

Về cách làm, IFC nêu quan điểm cần có đạo luật riêng, nhưng trong bối cảnh này thì điều này không khả thi về mặt thời gian. Do đó có thể bổ sung thành một chương nhưng cần tính toán đến quy định toàn diện, có thể thực thi được.

“Đặc biệt, cần lưu ý quan hệ tương thích với các quy định khác của pháp luật, quan hệ luật này với luật phá sản rất quan trọng, là quan trọng bậc nhất. Trong trường hợp thu hồi nợ chưa trong tình trạng phá sản thì nên có thứ tự ưu tiên”, ông Hiếu nhấn mạnh.

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, luật nên có quy định rõ ràng, giao ngân hàng thương mại tự chủ trong thu giữ, phát mại tài sản bảo đảm. Khi phát mại tài sản bảo đảm cũng không cần có đồng thuận của chủ tài sản nhưng phải thông báo cho họ biết.

“Tuỳ từng trường hợp, phải có thoả thuận giữa NHTM và chủ tài sản. Cũng cần có thêm quy định thu hồi và xử lý tài sản bảo đảm trong bao lâu, không phải NHTM thu hồi rồi ngâm đấy đợi giá lên mới xử lý”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Chuyên gia này cho biết thêm, hiện nay nhiều tài sản đảm bảo của SCB đang nằm trong tay cơ quan công an, không thể mang ra bán được để giải quyết thanh khoản, trong khi Chính phủ phải bơm tiền vào để xử lý. Theo ông, SCB có thể không phải trường hợp cuối cùng nên phải có quy định về tài sản bảo đảm liên quan tới các vụ án xử lý như thế nào.

Vị này cho rằng, cần làm nổi bật tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các NHTM như cho phép họ xoá nợ. Thậm chí, hiện nay xoá nợ phải xin ý kiến NHNN và Chính phủ trong khi đây là việc bình thường của các ngân hàng nếu họ có đủ khả năng. Xoá nợ là cần thiết để làm sạch bảng cân đối tài sản.

“Tôi đồng ý với đề xuất của IFC về thị trường nợ, cần có quy định về phát triển thị trường nợ, NHTM là người chơi có tính chất khởi động nhưng phải có tính cầu thị. Các nước, bán nợ xấu chỉ được vài ba chục % giá trị sổ sách. Trong khi các NHTM ở Việt Nam thì đòi cả gốc và lãi trong hạn nên thị trường không phát triển được”, ông Nghĩa cho hay.

Vị này đề nghị quy định tăng quyền tự chủ của ngân hàng thương mại, tăng khả năng dùng biện pháp để tiếp cận thị trường mua bán nợ. Hiệp hội Ngân hàng có thể thành lập công ty mua bán nợ.

Cần ban hành Nghị quyết

TS. Võ Trí Thành cho rằng, cần cân nhắc lại cách tiếp cận xây dựng quy định xử lý nợ cấu, bởi vướng quá nhiều luật và các bên liên quan.

Do vậy, theo ông Thành, có 2 cách xử lý, một là cân nhắc xây dựng bộ luật riêng, hai là khi tình hình nợ xấu đang căng thẳng thì trong khi chờ xây dựng bộ luật ấy cần có Nghị quyết mới để xử lý vấn đề trước mắt.

“Tôi thiên về phương án 2, tức là ban hành nghị quyết. Có một nghiên cứu cho biết chất lượng hoạt động của hệ thống tài chính, xử lý nợ xấu của Việt Nam có 3 vấn đề lớn nhất gồm: Cải tổ hệ thống tài chính; người cho vay ở Việt Nam quá thiếu quyền tài sản trong giao dịch, sau giao dịch và khi xử lý nợ xấu, khái niệm quyền tài sản bao quát hơn quyền sở hữu, tức là phải đi từ quan niệm căn cơ”, ông Thành phân tích.

Ngoài ra, theo ông Thành, cần làm rõ tính cụ thể của quyền thu giữ tài sản, có thể là cổ phiếu, trường học, có nên phân loại các tài sản đảm bảo này để gắn với quyền thu giữ của tổ chức tín dụng không? Như vậy, bản chất ở đây là nợ xấu vẫn là tài sản, tài sản phải được đưa vào nếu không sẽ lãng phí.

Bên cạnh đó, quy trình giao dịch không quá tốn kém, phải làm rõ được quyền tài sản. “Tôi mong muốn để xây dựng bộ luật riêng, trước hết Quốc hội cần hoàn thiện và có Nghị quyết xử lý vấn đề nợ xấu từ nay cho đến năm 2025”, ông Thành cho hay.

Chủ đề: Nợ xấu ngân hàng
Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.