Dồn lực cho siêu dự án Hòa Phát Dung Quất 2
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2023 diễn ra hồi đầu năm, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cho biết tập đoàn sẽ dồn toàn bộ nguồn lực hiện tại vào dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2.
Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất
Cụ thể, dự án này tại đã hoàn thành nền móng để xây dựng các lò thổi oxy (BOF), tiến độ giải phóng mặt bằng đạt 90%. Việc xây dựng đang được triển khai theo đúng tiến độ với chi phí vốn đầu tư đạt 30% kế hoạch.
Theo dự kiến, dự án Dung Quất 2 sẽ hoàn thành vào quý 1/2025 với công suất 1,5 triệu tấn/năm cho giai đoạn 1. Tổng công suất thiết kế của dự án này là 5,6 triệu tấn/năm, bao gồm 4,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng HRC và 1 triệu tấn thép đặc biệt.
Nhà sản xuất thép này sẽ mất khoảng 3 năm để công suất của Dung Quất 2 được vận hành đạt mức tối đa, qua đó nâng công suất thép thô của nhà sản xuất này lên hơn 14 triệu tấn/năm.
Hiện tại, khoản tiền mà ông Trần Đình Long đổ vào dự án Hòa Phát Dung Quất 2 tại tỉnh Quảng Ngãi không hề nhỏ. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2023, nhà sản xuất này đã rót thêm khoảng 3.300 tỷ đồng, qua đó nâng tổng mức đầu tư tại dự án Dung Quất 2 lên hơn 12.700 tỷ đồng.
Theo ông Long, khi dự án Dung Quất 2 hoàn thành, quy mô doanh thu của Hòa Phát sẽ tăng thêm 80.000-100.000 tỷ đồng mỗi năm so với hiện nay.
Tại thời điểm ngày 30/9/2023, Hòa Phát đã ghi nhận giá trị 12.731 tỷ đồng xây dựng cơ bản dở dang vào dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất
Doanh nghiệp được mệnh danh là “vua thép” đang có tổng cộng 7 lò cao luyện thép, gồm 4 lò ở Dung Quất và 3 lò ở Hải Dương với công suất sản xuất thép thô đạt 8,5 triệu tấn/năm, dẫn đầu thị phần thép xây dựng và ống thép. Ngoài ra, Hòa Phát còn 1 lò điện tại Hưng Yên để sản xuất thép từ phế liệu, công suất 400.000 tấn thép/năm.
Gần đây, Hòa Phát phải đóng cửa 4 trong tổng cộng 7 lò cao luyện thép ở cả Hải Dương (đóng 2 trong 3 lò) và Dung Quất (đóng 2 trong 4 lò) do thị trường thép trong giai đoạn suy giảm cũng như để đảm bảo các hoạt động sản xuất và kinh doanh được tiếp tục duy trì.
Theo thông tin từ Chứng khoán Dầu khí (PSI), Hòa Phát sẽ ngưng hoạt động 1 lò cao tại Khu liên hợp gang thép Hải Dương trong tháng 10/2023. Được biết, lò cao mà nhà sản xuất thép này chuẩn bị dừng hoạt động có công suất 1,2 triệu tấn/năm, tương đương 14% tổng công suất toàn hệ thống.
Để chuẩn bị cho việc ngừng hoạt động lò cao, Hòa Phát đã tăng tốc sản xuất thép thô trong quý 3/2023 để tích trữ thành phẩm cho quý cuối năm. Cụ thể, sản lượng sản xuất thép của doanh nghiệp này trong quý 3 đạt 1,95 triệu tấn, tăng 12,3% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, bán hàng thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC), phôi thép đạt 1,7 triệu tấn, tăng nhẹ 0,3% so với cùng kỳ, nhưng tăng tới 12% so với quý 2. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước hơn 766.000 tấn thép HRC, tăng 25,4% so với cùng kỳ.
Riêng trong tháng 9, bán hàng thép các loại đạt 596.000 tấn, tăng 7% so với tháng trước. Đáng chú ý, bán hàng thép xây dựng Hòa Phát trong tháng 9 vừa qua đạt 352.000 tấn, tăng 15% so với tháng trước và là mức tiêu thụ cao nhất kể từ đầu năm 2023.
Lãi nghìn tỷ trong quý 3/2023
Về kết quả kinh doanh, trong quý 3/2023, doanh thu hợp nhất Hòa Phát đạt 28.766 tỷ đồng, giảm 16% so với quý 3/2022. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế đạt 2.000 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ còn lỗ hơn 1.700 tỷ đồng. Riêng nhóm thép chiếm tỷ trọng lớn nhất khi đóng góp 95% doanh thu và 90% lợi nhuận của tập đoàn.
Tại báo cáo tổng quan tình hình kinh doanh quý 3, lãnh đạo Hòa Phát cho biết vẫn giữ vị trí dẫn đầu thị trường thép nội địa với thị phần 33% về thép xây dựng và 27% đối với ống thép.
Tuy nhiên, từ nay trở đi, doanh nghiệp sẽ chuyển mạnh sang sản xuất thép chất lượng cao, đầu tư chiều sâu để sản xuất thép chế tạo, thép cho sản xuất ốc vít, dự ứng lực... Tăng cường đầu tư và xuất khẩu các mặt hàng thép này ra thế giới.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Hòa Phát ghi nhận 84.570 tỷ đồng doanh thu, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận ở mức 3.830 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ.
Năm 2023, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 150.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 8.000 tỷ đồng. So với kế hoạch đặt ra, tập đoàn này mới chỉ hoàn thành 56% về doanh thu và gần 48% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Các lĩnh vực khác của doanh nghiệp này gồm nông nghiệp, bất động sản, điện máy gia dụng vẫn được khẳng định tích cực, mảng thép vẫn khó khăn khi nhu cầu giảm.
Với điện máy gia dụng, tập đoàn này cho ra đời các sản phẩm mới như tủ đông cỡ lớn, máy giặt, cây nước hút bình, các dòng máy lọc nước. Về mảng nông nghiệp, Hòa Phát tối ưu quy mô, hiệu quả đầu tư các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trang trại chăn nuôi heo, bò, gà trên cả nước.
Trong lĩnh vực bất động sản, Hòa Phát cho biết sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng các khu công nghiệp hiện có tại tỉnh Hưng Yên và Hà Nam. Đồng thời tạo thêm quỹ đất sạch và hạ tầng kỹ thuật nhằm phục vụ nhu cầu đầu tư sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
-
Hòa Phát đầu tư 26.000 tỉ đồng, nâng công suất nhà máy thép Dung Quất lên 6 triệu tấn/năm
CTCP Tập đoàn Hòa Phát dự kiến đầu tư thêm 26.000 tỉ đồng cho giai đoạn mở rộng dự án Dung Quất với mục tiêu sản xuất 6 triệu tấn thép/năm.
-
Hãng thép 50 năm tuổi tại miền Nam huy động thêm vốn từ cổ đông để xây nhà máy tại Đồng Nai
Doanh nghiệp này sẽ dùng toàn bộ nguồn tiền mới để đầu tư dự án sản xuất thép cán xây dựng, bổ sung công đoạn luyện phôi thép công suất 150.000 tấn sản phẩm/năm tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 - Nhơn Phú, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai....
-
Một “ông lớn” ngành thép bất ngờ được dự báo lợi nhuận tăng tới 1.600% trong năm 2024
Năm 2024, doanh nghiệp này được dự báo lợi nhuận tăng cao tới 1.600% nhờ mức nền thấp năm ngoái, đạt mức 510 tỷ đồng.
-
Các nhà sản xuất thép lớn trong nước có thể giành thêm thị phần nhờ vụ điều tra bán phá giá thép Trung Quốc
Năm 2025, MBS cho rằng thị phần của các doanh nghiệp thép lớn trong nước có thể cải thiện nhờ sự đóng góp của thuế. chống bán phá giá.