Thái Lan sẽ trở thành quốc gia mới nhất tại châu Á cho phép người nước ngoài sở hữu đất ở, bên cạnh Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Singapore.

Châu Á tiếp tục thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài nhờ tốc độ tăng trưởng cao, tài nguyên thiên nhiên dồi dào và dân số ngày càng tăng. Những công dân du mục kỹ thuật số đã đổ xô đến Thái Lan để bắt đầu một cuộc sống với thời gian làm việc linh hoạt. Còn các nhà đầu tư đang hướng tới Campuchia và Việt Nam để tận dụng xu hướng đô thị hóa và nhân khẩu học mạnh mẽ. Châu lục này là thỏi nam châm với các doanh nhân từ khắp nơi trên thế giới muốn tìm kiếm lợi nhuận cao và chi phí thấp.

Tuy nhiên, việc đầu tư vào châu Á cũng có những rào cản nhất định, bao gồm cả các hạn chế về quyền sở hữu đất đai đối với người nước ngoài. Hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực cho phép người nước ngoài mua căn hộ, nhưng rất ít trong số đó cho phép họ sở hữu đất ở. Theo trang Invest Asian, danh sách này hiện mới chỉ bao gồm Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Singapore và sắp tới là Thái Lan.

Malaysia

Malaysia là một trong những quốc gia thân thiện với nhà đầu tư nhất ở châu Á. Nhìn chung, đất nước này rất hoan nghênh dòng vốn nước ngoài nên các hạn chế về quyền sở hữu đất đai là rất ít. Trên thực tế, loại bất động sản duy nhất mà người nước ngoài không thể mua là các di sản hoặc công trình mang ý nghĩa lịch sử. Mặc dù thị trường bất động sản tại đây không sinh lợi nhiều như một số nước láng giềng, nhưng được định giá tốt và vẫn đang phát triển.

Malaysia cũng rất cởi mởi với người nước ngoài muốn xin quyền cư trú. Chương trình Ngôi nhà thứ hai cho phép người nước ngoài nhận được thị thực trong vòng 10 năm với khoản đặt cọc khoảng 70.000 USD.

Hàn Quốc

Các thành phố hiện đại, con người thân thiện và nền văn hóa của Hàn Quốc thu hút người nước ngoài từ khắp nơi trên thế giới. Giống như Malaysia, Hàn Quốc cũng không có nhiều hạn chế đối với quyền sở hữu đất đai của người nước ngoài. Sự cởi mở này mang lại mức độ quốc tế hóa lớn cho nền kinh tế của Hàn Quốc.

Tuy nhiên, việc trở thành một công dân hay thường trú nhân Hàn Quốc là khá khó khăn. Giống như hầu hết các nước láng giềng trong khu vực, Hàn Quốc rất kén chọn khi cấp thị thực dài hạn. Ngoại lệ duy nhất là Đảo Jeju, một khu vực hành chính đặc biệt sẵn sàng cấp giấy phép cư trú cho nhà đầu tư bất động sản trị giá khoảng từ 420.000 USD trên hòn đảo này. Sau 5 năm, người nước ngoài có thể trở thành thường trú nhân tại Hàn Quốc.

Đài Loan

Đài Loan cũng có rất ít hạn chế về quyền sở hữu tài sản của người nước ngoài, giúp họ dễ dàng mua bán và sở hữu nhà ở, đất đai. Tuy nhiên, tương tự Hàn Quốc, việc được cấp quyền cư trú lại rất khó khăn. Sở hữu bất động sản không đồng nghĩa với việc người nước ngoài được phép cư trú.

Bên cạnh đó, do bất động sản tại Đài Loan được định giá quá cao, việc đầu tư vào lĩnh vực này có nhiều rào cản gia nhập cũng như hiệu suất sinh lời có thể không như kỳ vọng của nhà đầu tư.

Nhật Bản

Tương tự như Hàn Quốc, không có nhiều giới hạn đối với các loại tài sản mà người nước ngoài có thể mua ở Nhật Bản. Họ có thể quyền sở hữu toàn bộ đất đai và công trình kiến ​​trúc mang tên mình tại đây.

Tuy nhiên, do các yếu tố như thiên tai, các công trình kiến ​​trúc có xu hướng mất giá trị sau một vài thập kỷ. Dân số già nhanh của Nhật Bản khiến thị trường bất động sản của nước này suy giảm.

Bên cạnh đó, chính sách nhập cư của Nhật Bản rất khắt khe. Sở hữu bất động sản không mang lại quyền sinh sống tại Nhật Bản cho người nước ngoài. Họ sẽ cần một công việc, kinh doanh riêng hoặc một loại thị thực khác để cư trú tại quốc gia này.

Singapore

Singapore là quốc gia cuối cùng trong danh sách, nổi tiếng về sự cởi mở đối với dòng tiền từ nước ngoài. Singapore là một trong những quốc gia mà người nước ngoài có thể mua căn hộ dễ dàng nhất ở châu Á.

Tại Singapore, người nước ngoài có thể sở hữu hợp pháp căn hộ và nhà ở. Về mặt lý thuyết, họ có cả quyền sở hữu đất đai. Nhưng trên thực tế, việc mua đất đai hoặc nhà mặt đất đối với người nước ngoài tại đảo quốc sư tử rất khó khăn do giá cả đắt đỏ và phải được sự cho phép của chính quyền.

Theo đó, mảnh đất phải có giá trị lớn (lên đến 20 triệu USD, theo Invest Asian) và người mua phải chứng minh được rằng giao dịch này mang lại lợi ích cho nền kinh tế Singapore, một quy định khá mơ hồ và ngày càng nghiêm ngặt hơn theo từng năm. Đồng thời, họ cũng phải là thường trú nhân tại Singapore ít nhất 5 năm.

Ngoài những hạn chế đó, thị trường nhà ở của Singapore cũng thuộc hàng đắt đỏ nhất thế giới và việc trở thành thường trú nhân ở đây rất khó khăn. Do vậy, đảo quốc này được đánh giá là một nơi đầu tư tuyệt vời ở châu Á, nhưng lại không phải là nơi phù hợp nhất cho các giao dịch bất động sản.

Thái Lan

Gần đây nhất, Nội các Thái Lan vừa thông qua đề xuất của Bộ Nội vụ cho phép người nước ngoài được mua nhà hoặc sở hữu đất với diện tích lên đến 1 Rai (khoảng 0,16 ha) để làm nhà ở. Điều kiện là họ phải đầu tư ít nhất 40 triệu Baht (1 triệu USD) trong thời gian tối thiểu 3 năm tại Thái Lan.

Chính sách này nhằm thu hút các chuyên gia hàng đầu, những cá nhân có giá trị ròng cao và những người đã nghỉ hưu. Các khu đất dự kiến thuộc sở hữu nước ngoài nằm ở Bangkok, Pattaya, các thành phố trực thuộc trung ương và các khu dân cư theo Đạo luật Quy hoạch thị trấn và quốc gia của Thái Lan.

Lam Vy (Tổng hợp)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.