Cụ thể, mới đây, Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị VKSND Tối cao truy tố bà Dương Thị Bạch Diệp về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong vụ hoán đổi tài sản công tại Trung tâm ca nhạc nhẹ thuộc Sở Văn hóa TP.HCM với Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương.
Được biết, bà Dương Thị Bạch Diệp là người đại diện pháp luật của 4 công ty gồm: Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương, Công ty TNHH Nam Nam Phương, Công ty TNHH bất động sản Châu Sơn, Công ty TNHH Bất động sản Nam Đông Dương. Bên cạnh đó, vị nữ đại gia này còn sở hữu 6 lô đất vàng tại TP.HCM. Trong đó, có 4 dự án ở trung tâm Quận 1, còn lại 2 dự án ở trung tâm Quận 3.
Tuy nhiên, hầu hết các dự án của Công ty Diệp Bạch Dương sau thời gian dài không triển khai đã được chuyển nhượng cho người khác. Sau đây CafeLand xin điểm lại một số khu “đất vàng” liên quan đến bà Diệp.
Khu đất 3.100m2 ở 179Bis Hai Bà Trưng
Đây là một trong những bất động sản có giá trị lớn của bà Bạch Diệp tại phường 6, Quận 3 với các thửa 179bis, 181, 183 và 185 Hai Bà Trưng. Địa chỉ 179bis Hai Bà Trưng cũng là nơi đăng ký trụ sở chính của Công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương.
Thửa đất 183 Hai Bà Trưng từng là trụ sở của Trung tâm ca nhạc nhẹ. Năm 2007, do cơ sở xuống cấp, Trung tâm ca nhạc nhẹ cùng Công ty Diệp Bạch Dương hợp tác đầu tư và nâng cấp trụ sở. Bà Diệp đề xuất hoán đổi nhà số 57 Cao Thắng (Quận 3) để hợp nhất mặt bằng 185 Hai Bà Trưng vào thửa đất 179bis, 181 và 183 dự kiến thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu Khách sạn kết hợp trung tâm hội nghị, tiệc cưới cao cấp Diệp Bạch Dương với tổng mức đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dự án không được triển khai, đến tháng 10/2014, Công ty Diệp Bạch Dương đã nhượng lại dự án cho Công ty TNHH Phan Thành xây dựng trung tâm mua sắm Saigon Square 3.
Khu đất hơn 1.000m2 ở 57 Cao Thắng
Lô đất này có địa chỉ tại 57 Cao Thắng, phường 3, Quận 3 được bà Diệp mua lại năm 2018 để hoán đổi lấy khu đất 179Bis Hai Bà Trưng từ Trung tâm Ca nhạc nhẹ.
Trước đó, lô đất này đã được bà Diệp dùng thế chấp vay vốn tại ngân hàng Agribank chi nhánh TP.HCM. Sau khi hoán đổi, bà không đưa tài sản số 183 Hai Bà Trưng vào ngân hàng để thay thế cho nhà đất 57 Cao Thắng như đã cam kết mà tiếp tục dùng nhà đất 182 thế chấp vay tiền tại Ngân hàng TMCP Phương Nam, đến nay không có khả năng trả nợ.
Dự án Senla Boutique 789m2 tại 111 Hai Bà Trưng
Dự án này được xây dựng trên khu đất có diện tích 789m2, mặt tiền đường Hai Bà Trưng giao Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, Quận 1. Dự án được khởi công từ tháng 2/2013 với quy mô 15 tầng, 2 tầng hầm.
Đến tháng 3/2016, giữa lúc đang thi công, dự án này bỗng nhiên được Công ty Diệp Bạch Dương rao bán với giá khoảng 900 tỷ đồng. Tháng 3/2017, dự án được sang tên cho Công ty TNHH bất động sản và Thương mại Hồng Phúc Quang.
Tòa nhà Friendship Tower 4.000 m2 tại Lê Duẩn
Friendship Tower - tòa nhà Hữu nghị Việt Nam - Slovakia của Công ty CZ Slovakia tọa lạc tại số 31 Lê Duẩn, Quận 1 cũng từng thuộc về bà Bạch Diệp. Dự án này có quy mô 21 tầng, bao gồm 4 tầng hầm, bao gồm 18 tầng văn phòng cao cấp dành cho các tổ chức, công ty tập đoàn và văn phòng đại diện trong nước và quốc tế.
Trước đó, 7 mặt bằng tại khu đất này của Công ty Diệp Bạch Dương nằm trong phần mở rộng của dự án Tòa nhà Hữu nghị Việt Nam – Slovakia. Công ty Diệp Bạch Dương khiếu nại và đề nghị được cấp phép xây dựng để công ty bà thực hiện dự án trên phần đất của mình. Tuy nhiên, tài sản này của nữ đại gia bị thu hồi với mức giá đền bù 220 triệu đồng/m2.
Khu đất 1.100m2 tại 26 Lê Văn Hưu
Lô đất này có địa chỉ số 24A, 26, 28, 30, 32 Lê Văn Hưu, phường Bến Nghé, Quận 1 từng được bà Diệp dùng làm trụ sở công ty, nơi ở và kinh doanh nhà hàng. Sau đó, mặt bằng được chia làm nhiều căn cho thuê lại để kinh doanh quán bar, nhà hàng ăn uống,...
-
Đại gia Dương Thị Bạch Diệp: Từ siêu xe Rolls-Royce đến bị can lừa đảo chiếm đoạt tài sản
CafeLand – Bà Dương Thị Bạch Diệp là nữ đại gia nổi tiếng trong lĩnh vực bất động sản tại TP.HCM trong quá khứ. Tên tuổi của bà được biết đến rộng rãi hơn khi sở hữu chiếc xe siêu sang Rolls-Royce Phantom biển số tứ quý 7 trị giá 1,4 triệu USD vào năm 2008.