15/01/2019 10:01 AM
CafeLand - Trong bối cảnh ngành du lịch đang khởi sắc với lượng lớn khách trong và ngoài nước tăng mạnh trong những năm vừa qua, Novaland Group dường như không muốn đứng ngoài cuộc, đang định hướng đầu tư vào phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng. Tập đoàn này cho biết sẽ dành dành 74% trong tổng số 2.650ha đất cho phân khúc này. Đây là một tỷ lệ rất lớn, lấn lướt mảng đầu tư sở trường lâu nay là mảng bất động sản nhà ở.

Chiến lược hay trào lưu?

Những năm gần đây, thị trường du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh, với tốc độ tăng trưởng khách quốc tế bình quân giai đoạn 2015 – 2017 là 27,5%, cao hơn nhiều so với con số 5,1% trong 3 năm trước đó.

Trong năm 2018, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 15,5 triệu lượt, tăng khoảng 20% so với năm 2017. Ngoài ra, tỷ lệ đóng góp của ngành du lịch vào GDP năm 2017 của cả nước là 7,9%, hứa hẹn đạt khoảng 14% vào năm 2030.

Theo lý giải của các chuyên gia về du lịch và bất động sản, ngành du lịch trong nước đang ở giai đoạn sơ khai với nhiều tiềm năng đang chờ khai thác. Trong khi đó, số lượng các dự án nghỉ dưỡng quy mô, đẳng cấp tích hợp dịch vụ vui chơi giải trí, các khu lưu trú chất lượng cao, chuyên nghiệp cao (5 sao) chưa đủ đáp ứng và phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách, nhất là vào các dịp lễ Tết.

Đơn cử như Đà Nẵng, với hơn 4 triệu khách nội địa đến du lịch nhưng thành phố này chỉ có 4.000 phòng đủ tiêu chuẩn 4 – 5 sao trên tổng số 30.000 phòng. Hay như trung tâm TP. Nha Trang cũng đang rơi vào tình trạng thiếu cả condotel lẫn khách sạn.

Trước bối cảnh đó, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng thời gian qua đã chứng kiến sự nhập cuộc của nhiều “ông lớn” vào thị trường này như Vingroup, Sungroup, CEO Group, FLC, BIM Group…

Không nằm ngoài xu hướng này, cách đây không lâu, Novaland cũng đã hé lộ kế hoạch tấn công sang lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng qua việc tuyển dụng 700 nhân sự cung cấp cho các dự án ở các thị trường du lịch lớn như Cam Ranh, Phan Thiết và Phú Quốc.

Mới đây nhất, tại buổi chia sẻ định hướng kinh doanh ngày 11/1, ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Novaland cho biết trong năm 2019, công ty đặt kế hoạch doanh thu 18.000 tỉ đồng, tăng 20% so với kế hoạch năm trước. Để thực hiện kế hoạch này, Novaland dự kiến bàn giao 5.900 sản phẩm và bán 6.500 sản phẩm, tăng lần lượt 42% và 44%.

Theo đại diện Novaland, chiến lược 2018 – 2023 của tập đoàn là mở rộng phạm vi ra khỏi TP.HCM vì quỹ đất nội thành đang dần khan hiếm.

Đáng chú ý, để thu hút khách hàng và bắt kịp guồng quay thị trường, Novaland định hướng chiến lược kết hợp bất động sản với du lịch nghỉ dưỡng trong kế hoạch kinh doanh thời gian tới. Tuy nhiên tập đoàn này cũng khẳng định chắc chắn vẫn theo đuổi sở trường là phân khúc bất động sản nhà ở.

Chiến lược 2018 – 2023 của Novaland là mở rộng phạm vi ra khỏi TP.HCM vì quỹ đất nội thành đang dần khan hiếm.

Cụ thể, với tổng quỹ đất 2.650 ha, tập đoàn sẽ dành 26% cho bất động sản nhà ở, 74% còn lại sẽ phân bổ cho du lịch nghỉ dưỡng.

Theo đó, Novaland phát triển du lịch nghỉ dưỡng ở những tỉnh như Cam Ranh, Phan Thiết, Cần Thơ, Vũng Tàu, Đà Lạt và tiến ra tới Đà Nẵng. Tập đoàn này cho biết sẽ phối hợp với các nhà tư vấn, các đơn vị vận hành chuyên nghiệp để tạo ra những điểm đến của khách du lịch nội địa và quốc tế, nhằm biến những nơi này thành trung tâm du lịch - nghỉ dưỡng – giải trí của khu vực, góp phần ghi dấu ấn của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.

Trước mắt, Novaland phát triển các dự án nghỉ dưỡng ở khu vực đồng bằng song Cửu Long và miền Đông Nam Bộ, nơi tập đoàn này am hiểu văn hóa địa phương.

Novaland cho biết sẽ có 3 sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng gồm sản phẩm hướng đồi, sản phẩm hướng biển và sản phẩm tổ hợp đô thị nghỉ dưỡng giải trí. Để phát triển các dự án đô thị nghỉ dưỡng giải trí, tập đoàn này sẽ xây dựng dự án quy mô từ 100 - 1.000 ha. Trong đó, dự án đầu tiên 100 ha có thể phát triển ở Vũng Tàu còn 1.000 ha ở Phan Thiết. Thời gian phát triển dự án từ 5 - 7 năm.

Thách thức đang chờ phía trước

Đành rằng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng còn nhiều dư địa để phát triển, nhưng để đứng vững trong phân khúc này không phải là điều đơn giản. Không ít chuyên gia và đơn vị tư vấn đã đưa ra cảnh báo trước những kế hoạch đầy tham vọng của các doanh nghiệp thời gian vừa qua.

Theo Savills Việt Nam, phần lớn nguồn cung mới đều tập trung phát triển tại các điểm đến ven biển và số lượng căn hộ khách sạn hiện đang cao hơn số lượng phòng khách sạn trong khu nghỉ dưỡng. Điều này sẽ dễ dàng mang đến rủi ro cao trong việc cạnh tranh giá phòng, đặc biệt trong trường hợp nguồn cầu giảm.

Theo đánh giá từ Hội môi giới bất động sản Việt Nam, bất động sản nghỉ dưỡng, đặc biệt là dòng sản phẩn condotel đã chững lại ở cả nguồn cung và giao dịch. Trong quý 3-2018, hầu hết các vùng phát triển mạnh về bất động sản nghỉ dưỡng đều không có nguồn cung mới chào bán. Lượng giao dịch cả nước về sản phẩm condotel chỉ đạt khoảng 1.000 sản phẩm.

Trong khi đó, thống kê của DKRA cho thấy, trong quý 2-2018, tỷ lệ tiêu thụ condotel đạt khoảng 47%. Nguồn cung dồi dào nhưng tình hình tiêu thụ của thị trường lại khá thấp. Tình hình bán hàng các dự án ít khả quan. Thị trường căn hộ nghỉ dưỡng từ Đà Nẵng đến Phú Quốc có lượng tồn kho tăng vọt. Toàn thị trường tung ra 2.100 căn nhưng chỉ tiêu thụ 850 căn.

Giới chuyên gia đánh giá, sở dĩ ngày càng nhiều các doanh nghiệp bất động sản “bán chuyên” nhảy vào thị trường nghỉ dưỡng là do sức hút của tỷ suất lợi nhuận trong phân khúc này cao. Đặc biệt là khi ngành du lịch đang ghi nhận sức tăng trưởng mạnh khi lượng khách du lịch của Việt Nam không ngừng gia tăng.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp này không lường hết được những rủi ro mà họ có thể gặp phải, bởi hiện nay cơ sở pháp lý của các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng, trong đó có condotel chưa rõ ràng. Do đó, cả khách hàng và nhà đầu tư đang rất cẩn trọng. Điều này cũng là một trong những yếu tố khiến cho thị trường condotel thời gian qua có phần chững lại.

Đặc biệt, sau giai đoạn phát triển nóng, giá bán các sản phẩm condotel trên thị trường hiện được đẩy lên quá cao, có những căn lên đến 70 – 80 triệu/m2 không phù hợp với các nhà đầu tư và không còn hấp dẫn các nhà đầu cơ mua đi bán lại kiếm lời. Các nhà đầu tư đang dần rút khỏi thị trường khiến phân khúc này mất đi sự sôi động.

CBRE Việt Nam cho rằng, việc nhiều chủ đầu tư tham gia vào thị trường nghỉ dưỡng cũng đồng nghĩa với việc các dự án và chính doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn để dành thị phần trong thời gian tới.

Vấn đề đặt ra là một doanh nghiệp chuyên phát triển bất động sản nhà ở như Novaland, nay “lấn sân” sang bất động sản nghỉ dưỡng, liệu có đủ sức đuổi kịp các “ông lớn” đi trước như Vingroup, CEO hay FLC, nhất là trong thời điểm, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ghi nhận sự chững lại trong năm vừa qua?

Đó là chưa kể, trên thực tế đã có nhiều chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết lợi nhuận với khách hàng khiến niềm tin của khách hàng vào thị trường bị rơi rụng, giao dịch do đó cũng sụt giảm theo.

Novaland gia nhập thị trường nghỉ dưỡng sau khi các đơn vị tên tuổi đã tiến một bước dài, dù là nắm bắt xu hướng hay do quỹ đất trung tâm làm nhà ở đã quá cạn kiệt, thì việc tập đoàn này có vượt qua được những thách thức trên hay không vẫn là một dấu hỏi lớn.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.