03/02/2024 3:52 PM
An Giang sẽ có thêm một thành phố; Đề xuất nghiên cứu quy hoạch tuyến đường vành đai kết nối Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và khu vực Tây Nguyên; Đồng Nai chấp thuận mở rộng “con đường đau khổ” qua TP. Biên Hòa lên 4 làn xe; Trung tâm hành chính mới hơn 1.400 tỉ của Long An... là những thông tin nóng trong tuần qua.

Hình minh họa

An Giang sẽ có thêm một thành phố

Theo quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu đến năm 2030, An Giang là tỉnh phát triển khá trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có kinh tế phát triển năng động, hài hòa và bền vững; là trung tâm nghiên cứu phát triển giống và sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dược liệu ứng dụng công nghệ cao; trung tâm du lịch sinh thái của vùng;…

Quy hoạch đến năm 2030, toàn tỉnh An Giang có 27 đô thị, gồm 1 đô thị loại 1; 1 đô thị loại 2; 2 đô thị loại 3; 12 đô thị loại 4 và 11 đô thị loại 5. Trong đó, phấn đấu đến năm 2030 thị xã Tân Châu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.

Tiền Giang sẽ có thêm 2 thành phố

Quyết định nêu mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Tiền Giang cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có các vùng động lực, trung tâm kinh tế về công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và đô thị. Là tỉnh giữ vai trò kết nối quan trọng giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ.

Về tổ chức không gian, quy hoạch xác định ba vùng kinh tế - xã hội của tỉnh; cùng với đó là phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo bốn hành lang kinh tế quan trọng của tỉnh theo các trục giao thông quốc gia qua địa bàn tỉnh, bảo đảm kết nối hiệu quả các hệ thống hạ tầng của tỉnh với vùng và quốc gia. Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có 25 đô thị, gồm 1 đô thị loại I (thành phố Mỹ Tho), 2 đô thị loại III (thành phố Gò Công và thành phố Cai Lậy), 8 đô thị loại IV (Mỹ Phước, Cái Bè, An Hữu, Chợ Gạo, Tân Hiệp, Vĩnh Bình, Tân Hòa, Vàm Láng).

Đề xuất nghiên cứu quy hoạch tuyến đường vành đai kết nối Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và khu vực Tây Nguyên

Sáng 31/1, tại hội thảo khoa học góp ý dự thảo quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó chủ tịch UBND Bình Dương Nguyễn Văn Dành đã đề xuất ý tưởng nghiên cứu lập quy hoạch tuyến đường Vành đai 5 TP.HCM. Cụ thể, theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, hành lang Đông Nam Bộ là trục kinh tế chính của vùng, nối từ Tây Nguyên qua Bình Dương, Đồng Nai, đến cảng Cái Mép - Thị Vải (BR-VT).

TP.HCM đã phát triển (các dịch vụ đô thị, dân cư, khu công nghiệp...) gần lấp đầy đến đường Vành đai 2. Do đó, khoảng giữa Vành đai 3 và Vành đai 4 là khu vực phù hợp nhất để phát triển công nghiệp, các cơ sở hạ tầng quốc gia và của vùng.

Riêng tại Bình Dương, hạ tầng được đầu tư phát triển nhanh, đô thị công nghiệp đã lấp đầy đến đường Vành đai 3, không gian đang phát triển nhanh đến Vành đai 4 và hiện theo nghiên cứu, đề xuất của đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh Bình Dương thì vùng TP.HCM cần thêm một đường Vành đai 5 để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Đồng Nai chấp thuận mở rộng “con đường đau khổ” qua TP. Biên Hòa lên 4 làn xe

UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành văn bản về việc thực hiện sửa chữa và đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường tỉnh 767B (tuyến đường Nhà máy nước Thiện Tân).

Đây là tuyến đường nằm trong dự án BOT đường tỉnh 768 do Công ty CP Sonadezi Châu Đức làm chủ đầu tư. Đường 767B bắt đầu tư ngã ba Phát Triển nối quốc lộ 1 với tỉnh lộ 768 (xã Thiện Tân, H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai). Đường có chiều dài hơn 6 km. Trong đó phần thuộc TP.Biên Hòa được gọi là đường Hoàng Văn Bổn, dài khoảng 3 km, phần thuộc H.Vĩnh Cửu gọi là đường Thiện Tân.

Con đường này hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường chi chít “ổ voi, ổ gà” khiến việc giao thông qua lại của người dân gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.

Do đó, UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương tập trung xử lý dứt điểm công tác duy tu sửa chữa tuyến đường tỉnh 767B, đoạn qua TP.Biên Hòa (đường Hoàng Văn Bổn) đảm bảo an toàn giao thông trước Tết Nguyên đán theo quy định, không để vụ việc kéo dài.

Trung tâm hành chính mới hơn 1.400 tỉ của Long An sẽ được xây dựng ở đâu?

Dự án Khối nhà chính Khu trung tâm Chính trị - Hành chính tỉnh Long An được xây dựng trên khu đất 28.152m2, tổng vốn đầu tư hơn 1.421 tỉ đồng. Dự án sẽ khởi công trong quý 2/2024 và hoàn thành năm 2028.

Tổng diện tích sàn sử dụng khoảng 22.664,38m2 chưa bao gồm tầng hầm. Diện tích sàn tầng hầm khoảng 5.135m2. Kết cấu bê tông cốt thép. Ngoài ra dự án còn bao gồm mua sắm trang thiết bị.

Tổng vốn đầu tư của dự án là hơn 1.421 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh Long An và nguồn huy động hợp pháp khác. Dự án sẽ được khởi công ngay trong quý 2/2024 và hoàn thành vào năm 2028. Nơi đây sẽ là trụ sở làm việc của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh.

Hiện nay, trụ sở của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh một phần được xây dựng trước năm 1975, một phần được xây dựng mới. Tuy nhiên, một số hạng mục đã đã xuống cấp không đảm bảm tính đồng bộ, hiện đại.

Hơn 5.000 tỉ đồng đầu tư hạ tầng giao thông trên địa bàn TP. Cần Thơ

Trong giai đoạn 2021 – 2025, TP. Cần Thơ được bố trí nguồn vốn khoảng 5.071 tỉ đồng để đầu tư phát triển các dự án cơ sở hạ tầng. Trong đó, có cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang, dự án kết nối khu vực trung tâm, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi… Trong đó, cử tri kiến nghị sớm bố trí nguồn vốn để triển khai thực hiện Dự án đường tránh Long Xuyên tuyến Quốc lộ 91 đoạn qua địa bàn quận Thốt Nốt (chiều dài khoảng 5,3 km) để giảm ùn tắc, góp phần đảm bảo an toàn giao thông.

Bộ GTVT cho biết, dự án tuyến nối quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên được Bộ GTVT nghiên cứu đề xuất ban đầu với tổng chiều dài khoảng 23,56 km. Dự án có điểm đầu dự án thuộc địa phận quận Thốt Nốt – TP. Cần Thơ (đoạn tuyến tránh thị trấn Thốt Nốt), điểm cuối dự án Km 65+00 (trước giáo xứ Cần Xây) thuộc địa phận TP. Long Xuyên- tỉnh An Giang.

Quy mô của Dự án là đường cấp III đồng bằng với nền đường rộng 12m và mặt đường rộng 11m, vận tốc thiết kế là 80km/giờ. Tổng mức đầu tư đề xuất 151,79 triệu USD, đề nghị sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

  • Nóng trong tuần: TP.HCM kêu gọi đầu tư loạt dự án

    Nóng trong tuần: TP.HCM kêu gọi đầu tư loạt dự án

    TP.HCM kêu gọi đầu tư loạt dự án quy mô 160.000 tỷ, có dự án xây cầu Cần Giờ vốn 10.569 tỷ; Bình Định xử lý ra sao đối với 16.366 trường hợp lấn, chiếm đất đai; Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ đấu giá nhiều khu đất, có 3 khu “đất vàng” ngay trung tâm thành phố; Lộ trình nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ quan trọng trên địa bàn tỉnh Long An... là những thông tin đáng chú ý trong tuần qua.

Hoàng An (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.