16/11/2024 3:39 PM
Lo vẫn sốt giá khi mở rộng xây nhà ở thương mại trên đất nông nghiệp; Sở Xây dựng TP.HCM được ủy quyền tiếp nhận, giải quyết chuyển nhượng dự án bất động sản; Ngân hàng Nhà nước ra quy định mới về lãi suất tiền gửi; Dự án cầu, đường đi qua loạt đô thị quy mô lớn “đứng bánh”, nguy cơ lãng phí, Đồng Nai có chỉ đạo khẩn... là những thông tin nóng trong tuần qua.

Hình minh họa

Lo vẫn sốt giá khi mở rộng xây nhà ở thương mại trên đất nông nghiệp

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại qua thỏa thuận nhận hoặc đang có quyền sử dụng đất được trình Quốc hội sáng 13/11. Sau đó, nội dung này được đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ.

Chính phủ đề xuất thí điểm cho nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại với đất nông nghiệp; phi nông nghiệp không phải đất ở; đất ở và đất khác trong cùng thửa với trường hợp thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất.

Theo VnExpess, góp ý tại thảo luận tổ ở Quốc hội ngày 13/11, bà Nguyễn Phương Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu thực tế giá đất đang sốt, tăng phi mã, nhất là sau các phiên đấu giá ở huyện ven đô thị và chưa có giải pháp kiểm soát.

Trường hợp thí điểm cho phép mở rộng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp (thương mại, dịch vụ...) làm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận, bà Thủy lo ngại sẽ khiến cơn sốt giá đất lây lan, tạo rào cản cho doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng, tiếp cận nguồn lực đất đai.

Sở Xây dựng TP.HCM được ủy quyền tiếp nhận, giải quyết chuyển nhượng dự án bất động sản

Theo đó, UBND TPHCM ủy quyền Sở Xây dựng thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau: Về chuyển nhượng dự án Bất động sản (toàn bộ hoặc một phần) theo pháp luật về kinh doanh Bất động sản, Sở Xây dựng nhận hồ sơ đề nghị cho phép chuyển nhượng dự án Bất động sản (toàn bộ hoặc một phần) của chủ đầu tư dự án.

Sở Xây dựng lấy ý kiến của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Cục Thuế thành phố, Sở Giao thông vận tải, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Thanh tra thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện, Thành phố Thủ Đức nơi có dự án và các cơ quan có liên quan khác (nếu cần thiết).

Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng tổ chức thẩm định hồ sơ đề nghị cho phép chuyển nhượng dự án Bất động sản (toàn bộ hoặc một phần). Trường hợp dự án, phần dự án Bất động sản không đủ điều kiện chuyển nhượng thì Sở Xây dựng có văn bản thông báo rõ lý do cho chủ đầu tư dự án.

Khánh Hòa làm việc với Tập đoàn Vingroup về ý tưởng xây dựng Kế hoạch hành động chiến lược phát triển du lịch

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có buổi làm việc với Tập đoàn Vingroup và đơn vị tư vấn về ý tưởng xây dựng kế hoạch triển khai chiến lược phát triển du lịch tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến năm 2045.

Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng nhấn mạnh, tỉnh Khánh Hòa có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, có nhiều yếu tố tạo nên nền du lịch rất riêng biệt, mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương,…

Để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đề ra của ngành du lịch Khánh Hòa, ông Nghiêm Xuân Thành đề nghị đơn vị tư vấn và các cơ quan, đơn vị của tỉnh cần tập trung nghiên cứu, xây dựng kế hoạch triển khai chiến lược phát triển du lịch tỉnh phù hợp, trong đó cần quan tâm phát triển du lịch “xanh”, du lịch sinh thái, du lịch di sản văn hóa gắn với bảo vệ môi trường…; có chiến lược, phương án thu hút từng thị trường khách phù hợp, nhất là thị trường khách du lịch Trung Đông,…

Ông Nguyễn Tấn Tuân – Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cảm ơn Tập đoàn Vingroup và đơn vị tư vấn đã quan tâm hỗ trợ tỉnh Khánh Hòa trong việc triển khai các chương trình phát triển du lịch của địa phương.

Ngân hàng Nhà nước ra quy định mới về lãi suất tiền gửi

Ngày 13/11, Ngân hàng Nhà nước cho biết nhằm bảo đảm tính thống nhất về căn cứ pháp lý với các thông tư quy định về lãi suất tiền gửi, cơ quan này vừa ban hành các Quyết định 2410/QĐ-NHNN và 2411/QĐ-NHNN quy định về lãi suất tiền gửi. Trong đó chỉnh sửa căn cứ pháp lý ban hành và không thay đổi các mức lãi suất tiền gửi.

Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 4,75%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô ở mức 5,25%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Đề xuất kéo dài đường sắt tốc độ cao hơn 67 tỷ USD đến Cần Thơ

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tuyến đường sắt tốc độ cao bắt đầu tại thành phố Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại TP.HCM (ga Thủ Thiêm), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố; chiều dài tuyến khoảng 1.541km, vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Đường sắt chạy trên ray, sử dụng công nghệ đoàn tàu động lực phân tán cho tàu khách, động lực tập trung cho tàu hàng; thông tin tín hiệu tương đương hệ thống đang sử dụng tại các quốc gia phát triển đang khai thác đường sắt tốc độ cao.

Hướng tuyến dự án được nghiên cứu, lựa chọn “ngắn nhất có thể”, bảo đảm phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và các quy hoạch của địa phương; hạn chế đi qua các khu vực nhạy cảm về môi trường, các khu di tích, danh lam thắng cảnh, đất quốc phòng; giảm khối lượng giải phóng mặt bằng, tránh các khu vực đông dân cư; bảo đảm liên kết các hành lang Đông - Tây và các tuyến đường sắt liên vận quốc tế.

Dự án bố trí 23 ga hành khách, dự kiến mỗi vị trí ga quy hoạch không gian phát triển từ 200-500 ha; 05 ga hàng, quy mô mỗi ga hàng hóa khoảng 24,5 ha. Trong quá trình khai thác, khi địa phương hình thành và phát triển các đô thị có quy mô dân số và có nhu cầu vận tải đủ lớn, khoảng cách giữa các ga bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, Chính phủ sẽ giao cho địa phương chủ trì kêu gọi nhà đầu tư thực hiện.

Dự án cầu, đường đi qua loạt đô thị quy mô lớn “đứng bánh”, nguy cơ lãng phí, Đồng Nai có chỉ đạo khẩn

Liên quan đến 2 dự án trọng điểm trên địa bàn Biên Hòa gồm Hương lộ 2 nối dài (đoạn 1, giai đoạn 1) và cầu Vàm Cái Sứt, HĐND tỉnh đã có văn bản gửi UBND tỉnh về việc khẩn trương tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện Dự án Xây dựng Hương lộ 2 nối dài và phương án thực hiện đầu tư kết nối giao thông toàn tuyến đường này, theo báo Đồng Nai.

Cụ thể, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh khẩn trương ban hành các quyết định xử lý các nội dung vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án để đảm bảo tiến độ thực hiện, phát huy hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Chỉ đạo UBND thành phố Biên Hòa tiếp tục tăng cường vận động, thuyết phục, tuyên truyền và thông tin rõ các vấn đề liên quan chính sách bồi thường, tái định cư, nhất là thông tin rõ, cụ thể về các vị trí tái định cư để người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng thực hiện dự án.

Đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh cần tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với người dân có đất thu hồi thuộc phạm vi dự án để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Được biết, dự án Đầu tư xây dựng Hương lộ 2 nối dài có chiều dài gần 2km, điểm đầu tuyến giao với quốc lộ 51, điểm cuối tuyến giao với đường nhựa hiện hữu (đường An Hòa - Long Hưng).

  • Nóng trong tuần: TP.HCM lập tổ gỡ vướng việc cấp sổ hồng cho người dân

    Nóng trong tuần: TP.HCM lập tổ gỡ vướng việc cấp sổ hồng cho người dân

    Vốn ngoại chảy mạnh vào bất động sản, lộ diện các phân khúc được các “ông lớn” săn đón; Tin vui cho hơn 59.000 căn hộ chưa được cấp sổ hồng ở TP.HCM; Quốc lộ 13 tại TP.HCM sẽ được mở rộng, dự kiến khởi công vào quý I/2026; TP.HCM: Không kiểm tra hiện trạng nhà ở khi giải quyết thủ tục đất đai... là những thông tin nóng trong tuần qua.

Hoàng An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.