Theo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tuyến đường sắt tốc độ cao bắt đầu tại thành phố Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại TP.HCM (ga Thủ Thiêm), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố; chiều dài tuyến khoảng 1.541 km, vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Đường sắt chạy trên ray, sử dụng công nghệ đoàn tàu động lực phân tán cho tàu khách, động lực tập trung cho tàu hàng; thông tin tín hiệu tương đương hệ thống đang sử dụng tại các quốc gia phát triển đang khai thác đường sắt tốc độ cao.
Hướng tuyến dự án được nghiên cứu, lựa chọn “ngắn nhất có thể”, bảo đảm phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và các quy hoạch của địa phương; hạn chế đi qua các khu vực nhạy cảm về môi trường, các khu di tích, danh lam thắng cảnh, đất quốc phòng; giảm khối lượng giải phóng mặt bằng, tránh các khu vực đông dân cư; bảo đảm liên kết các hành lang Đông - Tây và các tuyến đường sắt liên vận quốc tế.
Dự án bố trí 23 ga hành khách, dự kiến mỗi vị trí ga quy hoạch không gian phát triển từ 200-500 ha; 05 ga hàng, quy mô mỗi ga hàng hóa khoảng 24,5 ha. Trong quá trình khai thác, khi địa phương hình thành và phát triển các đô thị có quy mô dân số và có nhu cầu vận tải đủ lớn, khoảng cách giữa các ga bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, Chính phủ sẽ giao cho địa phương chủ trì kêu gọi nhà đầu tư thực hiện.
Thảo luận tại tổ TP.HCM, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh ủng hộ chủ trương thực hiện dự án và đề xuất kéo dài đường sắt tốc độ cao đến Cần Thơ - thủ phủ của miền Tây vì khu vực này hiện chưa có nhiều tuyến đường bộ cao tốc cũng như đường sắt.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh
Theo đại biểu Trần Anh Tuấn, đây là dự án lưỡng dụng, cần sớm được triển khai để đáp ứng yêu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa thuận lợi trong thời gian tới. Tuy nhiên, đại biểu lưu ý trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự án, cần tính toán tính khả thi khi sử dụng vốn đầu tư công từ nhiều nguồn khác nhau, đồng thời cần tính toán kỹ lưỡng về hiệu quả kinh tế, tài chính và phân kỳ vốn đầu tư phù hợp cho từng giai đoạn.
Cũng thống nhất với chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, dự án trình ra Quốc hội tại Kỳ họp lần này đã đáp ứng được cơ sở thực tiễn và cơ sở chính trị, đã được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thảo luận và thống nhất. Đại biểu cho rằng, dự án này có tiềm năng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn, góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương, thu hút du lịch, cạnh tranh với các phương tiện giao thông khác.
“Dự án đường sắt này đi qua 20 tỉnh thành sẽ phát huy được tiềm năng, lợi thế ở các địa bàn đó. Các địa phương ở vùng sâu, vùng xa mà có những tuyến nhà ga khi tuyến đường sắt này đi qua sẽ rất thuận lợi cho việc đi lại, hỗ trợ và nâng cao được năng lực cạnh tranh, thu hút được du lịch trong nước và quốc tế”, ông Ngân phân tích.
Góp ý thêm cho quá trình hoàn thiện các nội dung của dự án, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Cơ quan trình chủ trương đầu tư dự án cần làm rõ hơn về sự khác biệt giữa khái niệm “đường sắt tốc độ cao” và “đường sắt cao tốc” trong quá trình giải trình tại Quốc hội.
Đồng thời, cần lưu ý đảm bảo tính đồng bộ giữa quy hoạch đường sắt tốc độ cao với quy hoạch giao thông của Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và kết nối với các tuyến đường sắt khác.
Cùng với đó, cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực và công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp đường sắt; học tập kinh nghiệm quốc tế, đồng thời rút ra bài học từ các dự án trước đây để tránh kéo dài tiến độ và lãng phí.
Ngoài ra đối với các vấn đề phát sinh cần điều chỉnh không quá lớn trong quá trình triển khai, đại biểu đề xuất Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho quá trình thi công.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải,Nguyễn Văn Thắng cho biết tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tốc độ thiết kế lên đến 350km/h và chỉ vận tải hành khách, chưa vận tải hàng hóa, sẽ sử dụng lưỡng dụng khi cần thiết như phục vụ mục đích an ninh quốc phòng.
Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ Bắc vào Nam trong tương lai (đến năm 2050) là rất lớn, ước tính khoảng 18 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, với việc nâng cấp và dành riêng đường sắt hiện hữu cho mục đích vận chuyển hàng hóa, cùng với sự hỗ trợ của hệ thống vận tải đường bộ và đường biển ven bờ, chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu này. Đặc biệt, đường biển ven bờ được đánh giá là phương thức vận chuyển hàng hóa hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất, đặc biệt phù hợp với các tuyến đường dài.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, các nghiên cứu quốc tế cũng cho thấy việc kết hợp vận chuyển hành khách và hàng hóa trên cùng một tuyến đường sắt sẽ làm giảm hiệu quả và hiệu suất vận chuyển hành khách. Tàu cao tốc được thiết kế để vận chuyển hành khách với tốc độ cao, trong khi tàu hàng lại có tốc độ di chuyển chậm hơn nhiều (từ 80-100km/h). Vì vậy, việc phân chia rõ ràng các loại hình vận tải sẽ giúp tối ưu hóa hiệu quả sử dụng hệ thống đường sắt.
-
Lo vẫn sốt giá khi mở rộng xây nhà ở thương mại trên đất nông nghiệp
Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn việc Chính phủ đề xuất thí điểm mở rộng đất làm dự án nhà ở thương mại trên cả nước có thể dẫn đến đầu cơ và tạo cơn sóng sốt đất trong khi giá đất đang tăng phi mã không giải thích được....
-
Quốc hội chốt thu ngân sách nhà nước năm 2025 gần 2 triệu tỷ đồng
Sáng 13/11, với gần 90% đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước 2025.
-
Chính phủ đề xuất thí điểm mở rộng đất cho dự án nhà ở thương mại
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm làm dự án nhà ở thương mại qua thỏa thuận nhận hoặc đang có quyền sử dụng đất được Chính phủ trình Quốc hội sáng 13/11.