Dự án hơn 13.600 tỷ đồng tại Bình Dương chính thức về tay đại gia bất động sản Singapore; Hơn 2.000 tỉ mở rộng đường cửa ngõ cảng Cát Lái lên 30m; Bí thư Tỉnh ủy Long An làm việc cùng Tập đoàn bất động sản Nhật Bản về dự án khu đô thị 220ha tại Bến Lức; Hà Nội tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024... là những thông tin nóng trong tuần qua.

Hình minh họa

Dự án hơn 13.600 tỷ đồng tại Bình Dương chính thức về tay đại gia bất động sản Singapore

Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex IDC, mã chứng khoán BCM) đã được UBND tỉnh Bình Dương cho phép chuyển nhượng toàn bộ dự án Khu đô thị mới (tại các lô B8, B9, B10, B12, B13, B14, B15 quy mô 18,9ha) thuộc khu liên hợp công nghiệp dịch vụ - đô thị Bình Dương (Khu đô thị nhà ở phức hợp Tân Thành Bình Dương, phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).

Theo đó, UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho phép chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp được chuyển nhượng dự án khu đô thị nhà ở phức hợp Tân Thành Bình Dương. Bên nhận chuyển nhượng toàn bộ dự án là Công ty TNHH Sycamore (thuộc CapitaLand). Mục tiêu dự án là xây dựng khu nhà ở phục vụ người dân có nhu cầu về nhà ở.

Quy mô và kết quả thực hiện toàn bộ dự án chuyển nhượng là 18,9ha, gồm tổng cộng 462 căn nhà ở biệt thự thấp tầng và khoảng 3.300 căn hộ. Tổng diện tích xây dựng khoảng 592.876m2, tổng mức đầu tư hơn 13.600 tỷ đồng. Quy mô dân số của dự án khoảng 12.500 người.

Lâm Đồng trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Phạm vi quy hoạch tỉnh Lâm Đồng bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Lâm Đồng là 9.781,2 km2 gồm 12 huyện, thành phố. Theo tờ trình nói trên, mục tiêu đến năm 2030, Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước; xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á, là trung tâm giáo dục, đổi mới sáng tạo.

Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả dựa trên công nghệ cao, chuyển đổi số và giá trị gia tăng cao.

Tỉnh sẽ đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn; phát triển không gian đô thị hiệu quả, bền vững, hình thành các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, phát triển đô thị mới gắn với động lực, tiềm năng, thế mạnh từng vùng với tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững; bảo đảm tính tầng bậc, liên tục, thống nhất, đầy đủ, tích hợp của hệ thống quy hoạch;…

Thủ tướng: Lúc khó khăn, doanh nghiệp bất động sản vẫn muốn giữ giá bán như cũ, đòi hỏi "một chiều" thì đã có trách nhiệm chung chưa?

Sáng 7/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thủ tướng nêu rõ, ngân hàng, doanh nghiệp nằm trong một hệ sinh thái kinh tế. Sự phát triển của ngân hàng và doanh nghiệp có liên quan đến nhau và liên quan đến sự phát triển của nền kinh tế. Nền kinh tế có phát triển thì ngân hàng và doanh nghiệp mới phát triển và ngược lại, ngân hàng và doanh nghiệp có phát triển thì đất nước mới phát triển. Mỗi người, mỗi chủ thể phải cùng có trách nhiệm, "góp gió thành bão" để đất nước vượt qua khó khăn thì bản thân mỗi người, mỗi chủ thể mới vượt qua khó khăn được, mới có sự phát triển chung.

Theo Thủ tướng,Ngân hàng cũng có lúc thuận lợi, có lợi nhuận, vậy thì lúc khó khăn phải chia sẻ với người dân, với doanh nghiệp. Thủ tướng đặt vấn đề: Chính sách phải hết sức linh hoạt, chúng ta không hạ chuẩn các điều kiện cho vay, nhưng chúng ta có linh hoạt được không? Có doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng dự án họ khả thi thì có cho vay được không? Phân tích thêm, Thủ tướng cho rằng các doanh nghiệp bất động sản đang kêu khó tiếp cận vốn. Nhưng trong những năm qua, bất động sản tăng giá nói chung, nếu khó khăn mà vẫn muốn giữ giá bán như cũ, vẫn đòi hỏi "một chiều" thì liệu đã có trách nhiệm chung chưa?

Hơn 2.000 tỉ mở rộng đường cửa ngõ cảng Cát Lái lên 30m

UBND TP.HCM vừa có tờ trình HĐND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến nút giao Mỹ Thủy. Đây là tuyến đường cửa ngõ dẫn vào cảng Cát Lái. Theo đó, dự án sẽ có chiều dài khoảng 2km, nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Thị Định hiện hữu lên 30m. Hiện nay, nhiều hộ dân dọc hai bên tuyến đường đã và đang bàn giao mặt bằng cho dự án.

Sau khi được HĐND thành phố phê duyệt, dự án sẽ hoàn tất việc hỗ trợ bồi thường, tái định cư. Năm 2025 sẽ tổ chức đấu thầu và khởi công dự án. Năm 2026 hoàn thành đưa vào sử dụng. Cảng Cát Lái có lưu lượng hàng hóa luân chuyển lớn nhất cả nước nhưng hệ thống đường xá quanh cảng này đang bị quá tải. Nhiều tuyến đường kết nối trực tiếp vào cảng như Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định, Võ Chí Công…thường xuyên kẹt xe.

Bí thư Tỉnh ủy Long An làm việc cùng Tập đoàn bất động sản Nhật Bản về dự án khu đô thị 220ha tại Bến Lức

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Được cho rằng với uy tín và năng lực của hai tập đoàn - Nomura và Ecopark, ông tin tưởng dự án Khu đô thị sinh thái, thương mại du lịch tại huyện Bến Lức sẽ trở thành khu đô thị thông minh, kiểu mẫu, góp phần hiện đại hóa các khu đô thị của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh Long An cũng mong muốn 2 bên tiếp tục trao đổi, ký kết hợp tác và sớm triển khai dự án và hoàn thành theo tiến độ đề ra. Tỉnh cam kết luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư Nhật Bản đến đầu tư tại tỉnh.

Tập đoàn Nomura Real Estate được biết đến là đối tác trong dự án hợp tác đầu tư "Khu đô thị sinh thái, thương mại du lịch" tại xã Thạnh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An với tổng diện tích trên 220ha giữa Liên danh Công ty TNHH một thành viên Đầu tư & Phát triển DB và Công ty Cổ phần Tập đoàn Ecopark với tổng vốn đầu tư gần 17.000 tỉ đồng. Dự án này được UBND tỉnh Long An phê duyệt quy hoạch phân khu 1/2000 vào tháng 5/2022, đến tháng 7 cùng năm được đưa vào danh mục dự án cần thu hồi đất.

Cuối tháng 2/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An có thông báo mời các nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án, sau đó liên danh Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển DB – Công ty CP Tập đoàn Ecopark là nhà đầu tư duy nhất đăng ký.

Hà Nội biểu quyết thông qua hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024

HĐND TP. Hà Nội đã biểu quyết thông qua hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024 đối với các trường hợp áp dụng hệ số theo quy định của pháp luật. Cụ thể, đối với hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024 làm căn cứ thu tiền sử dụng đất khi giao đất không thông qua đấu giá; thu tiền sử dụng đất khi tổ chức được công nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu tiền sử dụng đất khi bán lại nhà ở xã hội; xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất ở trên địa bàn TP. Hà Nội áp dụng tại 5 khu vực được điều chỉnh tăng so với năm 2023, trung bình tại các quận tăng khoảng gần 17% và tại các huyện khoảng 22%.

Trong chiều 6.12, các đại biểu cũng đã biểu quyết thông qua danh mục gồm 2.839 công trình, dự án thu hồi đất năm 2024 với diện tích 12.722,55ha (trong đó, số dự án thu hồi đất năm 2023 chuyển tiếp sang danh mục thu hồi đất năm 2024 là 2.306 dự án, với diện tích 9.486,3ha). Danh mục 3 dự án chuyển mục đích đất trồng lúa năm 2024 với diện tích là 3,844ha.

Dòng vốn đầu tư ‘’khủng’’ đổ bộ vào Khánh Hòa

Từ đầu năm đến nay, Khánh Hòa thu hút 17 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký hơn 100.865 tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện điều chỉnh tăng vốn cho 18 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 40.167 tỷ đồng. Đối với các dự án đầu tư mới, tỉnh Khánh Hòa thu hút một số dự án lớn như: Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh 85.293,9 tỷ đồng; khu nhà ở xã hội phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh 3.756,6 tỷ đồng; khu nhà ở Vinpearl Phú Quý 7.452,6 tỷ đồng;...

Song song với đó, Khánh Hòa cũng điều chỉnh tăng vốn cho 18 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 40.167 tỷ đồng. Trong đó, dự án khu du lịch Bãi Cát Thấm tăng 21.300 tỷ đồng; dự án Champarama Resort & Spa tăng 8.200 tỷ đồng; dự án khu du lịch sinh thái Thanh Vân tăng 880 tỷ đồng; dự án JW Mariott Cam Ranh Bay Resort and Spa tăng 831 tỷ đồng; dự án công viên văn hóa Vinwonders Nha Trang tăng 1.549,7 tỷ đồng;...

  • Nóng trong tuần: Luật Kinh doanh Bất động sản mới vừa thông qua siết phân lô bán nền

    Nóng trong tuần: Luật Kinh doanh Bất động sản mới vừa thông qua siết phân lô bán nền

    Giá bán, hiện trạng một số dự án đất nền ở Long An đang ra sao; Bình Dương sắp có thêm khu công nghiệp 700ha tại Bàu Bàng; Tuyên bố làm 500.000 căn nhà ở xã hội, “ông lớn” bất động sản top đầu Việt Nam sắp mở bán dự án đầu tiên trong tháng 12; Thay đổi về phân lô, bán nền trong Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi vừa thông qua... là những thông tin nóng trong tuần qua.

Hoàng An (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.