08/12/2023 7:05 AM
Ông Trần Văn Hiệp – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ký Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, phạm vi quy hoạch tỉnh Lâm Đồng bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Lâm Đồng là 9.781,2 km2 gồm 12 huyện, thành phố.

Theo tờ trình nói trên, mục tiêu đến năm 2030, Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước; xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á, là trung tâm giáo dục, đổi mới sáng tạo.

Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả dựa trên công nghệ cao, chuyển đổi số và giá trị gia tăng cao.

Tỉnh sẽ đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn; phát triển không gian đô thị hiệu quả, bền vững, hình thành các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, phát triển đô thị mới gắn với động lực, tiềm năng, thế mạnh từng vùng với tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững; bảo đảm tính tầng bậc, liên tục, thống nhất, đầy đủ, tích hợp của hệ thống quy hoạch;…

Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Lâm Đồng đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, xanh, thông minh, có bản sắc và đáng sống.

Tờ trình nói trên cũng cho biết các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển tại tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới.

Trong phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội, Lâm Đồng có 3 tiểu vùng động lực.

Cụ thể, tiểu vùng I gắn với cao nguyên Lang Biang, bao gồm Đà Lạt (sáp nhập Lạc Dương) - Đức Trọng - Đơn Dương - Lâm Hà (thị trấn Nam Ban và các xã Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà). Đây là vùng trọng điểm, có vai trò là khu vực động lực phát triển của tỉnh, là trung tâm du lịch cao cấp quốc gia có ý nghĩa quốc tế. Trong đó, thành phố Đà Lạt là hạt nhân của vùng, huyện Đức Trọng san sẻ chức năng trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh với thành phố Đà Lạt.

Tiểu vùng II gắn với cao nguyên Di Linh, bao gồm Di Linh - Đam Rông - Lâm Hà (thị trấn Đinh Văn, xã Đạ Đờn, Phú Sơn, Phi Tô, Tân Văn, Tân Hà, Liên Hà, Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Tân Thanh). Trong đó, thị trấn Di Linh là hạt nhân của vùng. Đây là vùng sản xuất cây công nghiệp, chăn nuôi, công nghiệp chế biến và dịch vụ du lịch; là vùng đệm sinh thái trung chuyển giữa tiểu vùng I và tiểu vùng II, trong đó đô thị Di Linh là trung tâm của vùng.

Tiểu vùng III gắn với cao nguyên Bảo Lộc, bao gồm Bảo Lộc - Bảo Lâm - Đạ Huoai mới (Đạ Huoai - Đạ Tẻh - Cát Tiên hiện hữu). Trong đó, thành phố Bảo Lộc là hạt nhân của tiểu vùng.

Đây là tiểu vùng kinh tế, động lực phía Tây Nam tỉnh, là đầu mối kết nối phát triển kinh tế - xã hội với các huyện trong tỉnh, khu vực Đông Nam Bộ, Duyên hải miền Trung, Tây nguyên và cả nước, là vùng trọng tâm của tỉnh về phát triển du lịch sinh thái cảnh quan rừng, du lịch hỗn hợp, du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao, du lịch văn hóa, vui chơi giải trí có cá cược; phát triển ngành công nghiệp chế biến bauxit – alumin, nhôm và các sản phẩm từ nhôm, công nghiệp năng lượng, vùng sản xuất cây ăn trái, cây công nghiệp chất lượng cao.

Cũng trong phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội, Lâm Đồng có 5 hành lang kinh tế.

Cụ thể, hành lang kinh tế Đông - Tây: Cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) - Liên Khương (Lâm Đồng) (CT.25), Cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) - Liên Khương (Lâm Đồng) (CT.27); QL.20 - QL.27C, kết nối Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Lâm Đồng- Khánh Hòa

Hành lang kinh tế Đông – Tây: Đường tỉnh 725.

Hành lang kinh tế Bắc - Nam: QL.28, kết nối Đắk Nông - Di Linh (Lâm Đồng) - Bình Thuận.

Hành lang kinh tế Bắc - Nam: QL.27, kết nối Đắk Lắk - Lâm Đồng - Ninh Thuận và QL 28B kết nối Lâm Đồng - Bình Thuận.

Hành lang kinh tế Bắc - Nam: QL.55, kết nối Đắk Nông - Bảo Lộc (Lâm Đồng) - Bình Thuận và QL55B, Bình Phước - Lâm Đồng - Bình Thuận.

Đô thị Đức Trọng sẽ là trung tâm hành chính – chính trị mới của tỉnh Lâm Đồng

Đô thị Đức Trọng sẽ là trung tâm hành chính – chính trị mới của tỉnh Lâm Đồng

Theo tờ trình nói trên, đến năm 2030 phát triển hệ thống đô thị của tỉnh gồm 17 đô thị. Trong đó có 01 đô thị loại I (thành phố Đà Lạt); 01 đô thị loại II (thành phố Bảo Lộc); 03 đô thị loại III (thị xã Đức Trọng, thị xã Di Linh, thị xã Đạ Tẻh); 05 đô thị loại IV (thị trấn Đinh Văn, thị trấn Thạnh Mỹ, thị trấn Lộc Thắng, thị trấn Mađaguôi, thị trấn Cát Tiên) và 07 đô thị loại V (thị trấn Nam Ban, thị trấn Hòa Ninh, thị trấn D’Ran, thị trấn Đạ M’ri, thị trấn Phước Cát, thị trấn Bằng Lăng, thị trấn Đạ Rsal). Trường hợp thực hiện nhanh chương trình phát triển đô thị, tỉnh sẽ phát triển thêm 05 đô thị loại V (Phi Liêng - huyện Đam Rông, Tân Hà - huyện Lâm Hà, Tân Lâm - huyện Di Linh, Gia Hiệp - huyện Di Linh và Lộc Bảo - huyện Bảo Lâm).

Định hướng đến năm 2045, Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương gồm 3 quận, 3 thị xã, 3 huyện. Ngoài ra, khu vực ngoại thành là một số thị trấn huyện lỵ và thị trấn thuộc huyện giữ vai trò là trung tâm huyện hoặc trung tâm các xã hoặc các cụm xã.

Lâm Đồng sẽ huy động nguồn lực phát triển các đô thị gắn với động lực của từng vùng, gắn phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới, từng bước xây dựng các đô thị xanh, thông minh.

Tỉnh cũng mở rộng không gian đô thị thành phố Đà Lạt thành một vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế; có đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử, di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế.

Thành phố Bảo Lộc sẽ là đô thị hạt nhân phía Nam, trung tâm kết nối giao thương với vùng Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Tây Nguyên và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.

Đô thị Đức Trọng là trung tâm hành chính – chính trị mới của tỉnh, là cửa ngõ giao thương quốc tế của vùng và quốc gia; trung tâm nghiên cứu và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế; trung tâm công nghiệp dược, mỹ phẩm cấp vùng.

Đô thị Di Linh là đô thị trung tâm thương mại dịch vụ cấp vùng, trung chuyển hàng hóa trong tỉnh và vùng Tây Nguyên, vùng duyên hải Nam Trung Bộ.

Đô thị Đạ Tẻh là trung tâm động lực kinh tế - xã hội 3 huyện phía Nam của tỉnh. Đô thị chuyên ngành và các đô thị mới cấp huyện: Nam Ban, Hòa Ninh, Đ’Ran, Đạ M’ri, Phước Cát, Đạ Rsal, Phi Liêng, Tân Hà, Tân Lâm, Gia Hiệp, Lộc Bảo.

Lưu Bang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.