CafeLand - Bất động sản Long An đang chờ “thay áo mới”; Doanh nghiệp bất động sản kêu khó vì thủ tục hành chính; Cẩn thận khi mua bán nhà đất qua hợp đồng ủy quyền; Chủ đầu tư “xé rào”, người mua lãnh đủ; Vốn ngoại vào bất động sản giảm mạnh... là những thông tin nóng trong tuần qua.

Hình minh họa

Chủ đầu tư “xé rào”, người mua lãnh đủ

Hàng loạt dự án đất nền tại Long An dù chưa hoàn thiện đầy đủ pháp lý nhưng đã mở bán và thu tiền của khách hàng. Khi cơ quan chức năng phát hiện, xử lý thì dự án bất động, người mua lâm vào cảnh “tiền mất tật mang”.

Giữa trưa nắng gắt, ông Lâm ngồi trước cửa nhà, đưa ánh mắt buồn hiu nhìn ra khung cảnh nhếch nhác, nham nhở bao quanh nhà mình. Cả dự án rộng gần 10ha nhưng chỉ có ba căn nhà trơ trọi. Đường xá chỉ mới đổ đá lởm chởm, nhiều hạng mục thi công dang dở bị bỏ giữa chừng, cây cỏ mọc um tùm.

Mua nhà, đất: Coi chừng sập bẫy ‘công chứng vi bằng’

Gần đây, một số quận, huyện ở TP.HCM đã có thông tin cảnh báo người dân không thực hiện các giao dịch về nhà, đất bằng giấy tay và sau đó yêu cầu thừa phát lại (TPL) lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền. Theo quy định, vi bằng là văn bản do TPL lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Các TPL đang hành nghề tại các văn phòng TPL trên địa bàn TP.HCM được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn TP.HCM.

Về nội dung, vi bằng do TPL lập chỉ ghi nhận những sự kiện, hành vi mà TPL trực tiếp chứng kiến; vi bằng không chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch và không có giá trị thay thế văn bản công chứng, chứng thực; TPL không được lập vi bằng đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng, thuộc thẩm quyền chứng thực của UBND các cấp.

Cẩn thận khi mua bán nhà đất qua hợp đồng ủy quyền

Hiện nay, tình trạng mua bán nhà đất qua hợp đồng ủy quyền khá phổ biến bởi thủ tục mua bán nhanh gọn. Thực ra, đây là một loại giao dịch giả tạo để che đậy một giao dịch khác nhằm mục đích “né” thuế. Với hợp đồng ủy quyền, người có đất ủy quyền cho một người khác được phép bán đất. Người mua chính là người được ủy quyền nhưng không muốn làm thủ tục sang tên mà chờ tìm người mua tiếp theo.

Bản chất của việc ủy quyền là thông qua người khác để thực hiện công việc thuận lợi hơn, nhanh chóng hơn, ít chi phí hơn hoặc thậm chí là vì hoàn cảnh đặc biệt như chủ sở hữu là nhiều người, ở xa, đi làm ăn ở xa,… và với điều kiện uy tín, nhận thức, điều kiện của người nhận thực hiện công việc ủy quyền. Nếu lạm dụng quá sẽ có nhiều rủi ro không những cho người ủy quyền (bị bán với giá rẻ, bị siết nợ khi vay tiền mà ký văn bản ủy quyền về nhà,…) mà người mua là người chịu rủi ro khi tiền mất mà tài sản có thể không được nhận, không được sử dụng.

8 bộ ngành không chịu bàn giao “đất vàng” trụ sở cũ

Theo Bộ Xây dựng, đến nay, đã có 9 Bộ, ngành hoàn thành việc đầu tư xây dựng và chuyển về làm việc tại trụ sở mới nhưng hiện chỉ có một bộ bàn giao lại trụ sở cũ cho cơ quan có thẩm quyền quản lý.

Tuy nhiên, trong các bộ, ngành đã đầu tư xây dựng trụ sở mới, đến nay chỉ có Bộ Nội vụ bàn giao lại trụ sở cũ cho cơ quan có thẩm quyền quản lý. Bộ Tài chính đã có quyết định thu hồi 4 cơ sở của Bộ này để bố trí cho các cơ quan khác quản lý, sử dụng làm trụ sở làm việc. Còn lại, một số cơ quan vẫn tiếp tục sử dụng trụ sở cũ, chưa thực hiện việc bàn giao cho TP Hà Nội khai thác, sử dụng, như Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ…như phản ánh của Đại biểu.

Doanh nghiệp bất động sản kêu khó vì thủ tục hành chính

Mặc dù đã có nhiều cải cách theo hướng tinh gọn hơn, song nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện nay vẫn lao đao. Nhiều dự án chậm triển khai vì vướng rừng thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng.

Theo báo cáo mới đây của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), trong quý 2-2019, nguồn cung căn hộ và nhà ở gắn liền với đất chứng kiến sự sụt giảm rõ rệt. Tại Hà Nội, nguồn cung giảm tới 25% và TP.HCM giảm 50% so với cùng kỳ năm 2018. Theo VARS, nguồn cung mới hạn chế một phần là do việc chậm triển khai các thủ tục hành chính cho dự án.

Vốn ngoại vào bất động sản giảm mạnh

Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới vào lĩnh vực bất động sản đạt 842,7 triệu USD, chiếm 10,2% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Nếu so với cùng kỳ năm trước số vốn FDI đăng ký mới vào mảng kinh doanh bất động sản đạt hơn 5 tỉ USD thì dòng vốn ngoại chảy vào bất động sản 7 tháng năm nay giảm mạnh. Tính chung từ đầu năm đến hết tháng 7, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 20,21 tỷ USD. Trong đó, có 2.064 dự án đăng ký mới với tổng vốn gần 8,3 tỷ USD và 791 lượt dự án đăng ký tăng thêm vốn với 3,42 tỷ USD. Còn lại lượng góp vốn, mua cổ phần tại 4.387 dự án đạt trị giá hơn 8,52 tỷ USD.

Bất động sản Long An đang chờ “thay áo mới”

Với 70km tiếp giáp TP.HCM, Long An được ví như “miếng đệm” kết nối giữa thành phố lớn nhất cả nước với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là nơi hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, nhiều năm qua tiềm năng đó vẫn đang bị “bó mình” trong chiếc áo chật hẹp mang tên hạ tầng.

Long An có thế mạnh về cảng biển và khu công nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 28 khu công nghiệp và 32 cụm công nghiệp với diện tích khoảng 13.500ha. Trong đó, 16 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 68% và 14 cụm công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy khoảng gần 90%.

Hoàng An (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.