CafeLand - Mặc dù đã có nhiều cải cách theo hướng tinh gọn hơn, song nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện nay vẫn lao đao. Nhiều dự án chậm triển khai vì vướng rừng thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng.

Theo báo cáo mới đây của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), trong quý 2-2019, nguồn cung căn hộ và nhà ở gắn liền với đất chứng kiến sự sụt giảm rõ rệt. Tại Hà Nội, nguồn cung giảm tới 25% và TP.HCM giảm 50% so với cùng kỳ năm 2018. Theo VARS, nguồn cung mới hạn chế một phần là do việc chậm triển khai các thủ tục hành chính cho dự án.

Ông Trịnh Quang Tiến, Chủ tịch Hội Bất động sản TP. Cần Thơ, cho biết theo chủ trương, TP. Cần Thơ đang tích cực kêu gọi đầu tư phát triển đô thị. Năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, TP. Cần Thơ cũng đưa ra khoảng 30 dự án kêu gọi đầu tư. Các nhà đầu tư đã tham gia khoảng 90%.

“Chúng tôi hy vọng cải cách hành chính rõ rệt hơn để làm sao thủ tục ngày càng nhanh gọn cho doanh nghiệp, người dân, dù thời gian qua thực hiện tốt nhưng chưa mạnh", ông Tiến đề nghị.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho biết không ít nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam hiện nay có cảm giác cái gì cũng phải đi xin, tất tần tật phải xin. “Theo tôi, phải làm sao loại bỏ được tình trạng này”, ông Thành nói.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc GPInvest, cho rằngcác doanh nghiệp như GPInvest đang gặp phải khó khăn về những thay đổi trong chính sách, đặc biệt là về luật pháp, hành lang pháp lý. Điều mà các doanh nghiệp muốn kiến nghị lên Chính phủ, Quốc hội là sửa đổi luật pháp, làm thế nào để không ảnh hưởng tới thay đổi các chính sách khác.

Chúng tôi đã từng vấp phải dự án mà do khái niệm Luật Đất đai 2014 thay đổi. Các cơ quan hành pháp đều thay đổi về quy trình, khái niệm. Có thủ tục hành chính xong rồi mà giờ thay đổi coi như làm lại từ con số 0. Chưa bao giờ thủ tục cấp chứng nhận đầu tư lại bị kéo dài tới banăm như dự án của doanh nghiệp ông.

Ảnh minh hoạ.

“Như vậy thì lấy đâu ra hàng hóa”, ông Hiệp nói và cho rằng những thủ tục hành chính hiện nay đang rối như một mớ bòng bong, làm doanh nghiệp mệt mỏi.

Trước những băn khoăn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, cho biết liên quan đến chính sách, pháp luật, hiện các bộ, ngành đang tiến hành sửa đổi, nhưng để sửa luật lại không đơn giản. Cơ quan quản lý nhà nước hiện đang tiếp tục rà soát để hoàn thiện thể chế.

Về Luật Đất đai, Quốc hội yêu cầu sửa đổi và trong tháng 5/2020 sẽ trình sửa Luật Đất đai. Luật Đất đai là luật gốc. Hiện nay, trong các luật thì Luật Đất đai phân định rõ nhất vị trí vai trò của nhà đầu tư nước ngoài. Vì thế trong quá trình sửa đổi sẽ tiếp thu những nghiên cứu, đề xuất thêm về Luật Đất đai. Quyền của tổ chức cá nhân nước ngoài sẽ có điều chỉnh để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư trong nước.

Về Luật Xây dựng, ông Ninh cho biết sẽ trình Chính phủ lấy ý kiến, đến kỳ họp tháng 10 Quốc hội sẽ cho ý kiến, và tháng 5/2020 sẽ biểu quyết. Hiện nay, liên quan đến Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Xây dựng... các địa phương áp dụng pháp luật chưa thống nhất, còn chồng chéo. Chính phủ và Bộ Xây dựng sẽ rà soát lại.

“Có những dự án không biết là quyết định chủ trương đầu tư trước hay xác định nhà đầu tư trước. Luật Đấu thầu cũng không nói rõ, nên có dự án lớn địa phương không dám đưa ra chủ trương đầu tư mà còn phải xin chủ trương đầu tư, phải hỏi các bộ, ngành”, ông Ninh cho hay.

Theo ông Ninh, hiện có ba luật, Luật Xây dựng, Đầu tư và Đất đai đang nghiên cứu sửa đổi.

Để gỡ vướng thủ tục pháp lý cho căn hộ condotel và officetel, theo ông Ninh, đến nay vẫn chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể về loại hình căn hộ này. Ngay như tên gọi, quyền và nghĩa vụ các bên trong phát triển căn hộ dạng này cũng chưa rõ.

“Bộ Xây dựng cũng đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch để có thể hoàn thiện khung pháp lý cho loại hình này trong thời gian tới”, ông Ninh cho biết.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.