CafeLand - Môi giới bất động sản gặp ác mộng với “Cô Vy”; Để căn hộ 25m2 không thành ổ chuột trên cao; Nên giữ hay bỏ quy định bảo lãnh nhà trên giấy; Hà Nội bắt đầu áp dụng quy định mới về hệ số điều chỉnh giá đất; Dịch bệnh làm thay đổi thói quen mua bán bất động sản... là những thông tin nóng trong tuần qua.

Hình minh họa

Môi giới bất động sản gặp ác mộng với “Cô Vy”

Dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, đang gây ra những khó khăn cho thị trường bất động sản. Việc thiếu hụt dự án mới đang khiến nhiều doanh nghiệp môi giới bất động sản lao đao.

Anh Tùng cho biết, kể từ sau Tết Nguyên đán 2020, doanh nghiệp 10 người của anh bỗng “ngồi chơi xơi nước” cho đến nay. Thị trường thiếu hụt nguồn cung, dự án mới nhỏ giọt trong khi số lượng sàn giao dịch, nhân viên môi giới cả chục nghìn người luôn sẵn sàng cạnh tranh khốc liệt để giành giỏ hàng. Với những công ty nhỏ như của anh Tùng thì việc chen chân vào thị phần này không hề đơn giản.

Để căn hộ 25m2 không thành “ổ chuột trên cao”

Không thể phủ nhận nhu cầu rất lớn về nhà ở diện tích nhỏ tại các đô thị hiện nay. Nhưng cũng có nhiều lo ngại về việc cho phép phát triển loại hình căn hộ này sẽ gây áp lực hạ tầng, nguy cơ hình thành khu “ổ chuột trên cao”. Vậy đâu là giải pháp?

Hiện nay, nói đến căn hộ 25m2 nhiều người mặc định đó là những căn hộ dành cho người thu nhập thấp tuy nhiên thực tế không hẳn vậy. Căn hộ nhỏ của bất kỳ phân khúc nhà ở cao cấp, trung cấp hoặc bình dân đều có “giá bán nhỏ nhất” so với căn hộ khác trong dự án đó. Điều này tạo điều kiện cho các khách hàng có khả năng tài chính hạn chế nhất trong phân khúc thị trường này, có thể tạo lập nhà ở theo kỳ vọng.

Dịch bệnh làm thay đổi thói quen mua bán bất động sản

Việc cố gắng cân bằng giữa trách nhiệm công việc với các biện pháp thông thường để bảo vệ người mua và người bán đã đặt các đại lý bất động sản vào khó khăn để thích ứng với hoàn cảnh.

Khi mùa xuân – mùa mua bán nhộn nhịp bắt đầu diễn ra cũng là thời điểm dịch Corona bùng phát mạnh mẽ, với số ca nhiễm bệnh và tử vong tăng lên trên khắp nước Mỹ. Điều này khiến giới bất động sản phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt rằng dịch bệnh đang đặt họ vào vị trí mong manh khi từ bỏ các hành vi phổ biến như nắm giữ cửa để mở vào nhà, hoặc thậm chí là bắt tay để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.

Doanh nghiệp bất động sản niêm yết tồn kho hơn 223 nghìn tỷ

Theo HoREA, hiện nay TP.HCM có khoảng 415.000 doanh nghiệp, trong đó có gần 15.000 doanh nghiệp bất động sản. Trong số gần 9.000 doanh nghiệp lớn của thành phố, thì có đến hơn 30% là doanh nghiệp bất động sản. Tuy chỉ chiếm 2% tổng số doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp bất động sản chiếm hơn 70% tổng số vốn đăng ký và đóng góp hơn 80% đối với khu vực kinh tế tư nhân của thành phố.

Mặc dù có vị thế quan trọng trong các thành phần kinh tế của thành phố, nhưng lĩnh vực bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn ngày càng khắc nghiệt hơn.

Đã có ý kiến đề xuất bỏ quy định bão lãnh ngân hàng đối với dự án nhà ở hình thành trong tương lai nhằm giúp giảm gánh nặng tài chính cho các chủ đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc bỏ quy định này sẽ đẩy rủi ro về phía người mua nhà.

Theo VNREA, mức bảo lãnh đối với nghĩa vụ bàn giao nhà ở hình thành trong tương lai lên tới 100% giá bán nhà/căn hộ và thư bảo lãnh phát sinh hiệu lực cùng lúc dẫn đến tổng giá trị bảo lãnh của một dự án là rất lớn. Đặc biệt, với những doanh nghiệp cùng lúc đầu tư nhiều dự án quy mô lớn thì đây sẽ là một gánh nặng..

Hà Nội bắt đầu áp dụng quy định mới về hệ số điều chỉnh giá đất

Từ ngày 12/3, Hà Nội áp dụng quy định mới về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2020 theo quy định của pháp luật. Theo đó, 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa có hệ số điều chỉnh giá đất cao nhất.

Hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 31/12/2020 theo quy định của pháp luật làm căn cứ tính: Thu tiền thuê đất; xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất thuê; thu tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất ở vượt hạn mức trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Xây cầu gần 5.000 tỉ đồng nối Bà Rịa – Vũng Tàu với Đồng Nai

Dự án cầu Phước An có tổng chiều dài khoảng 3,76km bắc qua sông Thị Vải nối khu vực cảng Cái Mép, thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai).

Được biết, dự án xây dựng cầu Phước An thuộc giai đoạn 2 của dự án đầu tư xây dựng liên cảng Cái Mép – Thị Vải đã được phê duyệt từ năm 2009. Giai đoạn 1 là xây dựng tuyến đường liên cảng dài 19,65km đã hoàn thiện.

Hoàng An (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.