Chung cư mi-ni ở Khu đô thị mới Vạn Phúc. |
Gần hai năm sau khi lập gia đình, đầu năm 2008, chị Nguyễn Thị Vân tích cóp đủ tiền mua một căn hộ tại chung cư mi-ni số 12B, ngách 132/42A đường Cầu Giấy, phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) diện tích hơn 32m2 với giá 650 triệu đồng. Ðây là căn hộ mơ ước của vợ chồng chị sau gần mười năm lập nghiệp tại Hà Nội, đã phải trải qua hàng chục lần chuyển chỗ ở trọ. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn dọn đến ở, nhiều khó khăn, bất tiện bắt đầu nảy sinh như nhà cửa chật chội, nóng nực, thiếu không gian sinh hoạt chung, chỗ để xe nhếch nhác... Ðặc biệt, mặc dù đã bỏ ra cả một số tiền lớn, nhưng cho đến nay gia đình chị vẫn chưa được cấp sổ đỏ dẫn đến không thể đăng ký hộ khẩu thường trú, xin cho con học ở trường công lập đúng tuyến, thế chấp vay vốn ngân hàng... Chị và nhiều gia đình sinh sống tại chung cư đã đề nghị bên bán hoàn thiện hồ sơ xin cấp sổ đỏ, nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả. Vì thế đã có một số gia đình tại đây bán hoặc cho thuê lại nhà để chuyển đến nơi khác sinh sống.
Còn anh Phạm Văn Trường, một nhà đầu tư bất động sản chia sẻ, nghe theo lời quảng cáo của chủ đầu tư, đầu năm 2011 anh mua căn hộ rộng 32m2 tại chung cư mi-ni ngõ 235 phố Yên Hòa, phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) với giá hơn 900 triệu đồng. Chung cư khép kín này nằm ở vị trí tương đối đẹp, giao thông thuận lợi, gần trường học, nhà để xe được bố trí tại tầng 1... Ngay sau đó, thị trường bất động sản trầm lắng, giao dịch nhà đất sụt giảm, khiến căn hộ của anh rất khó bán. Mặc dù anh chấp nhận lỗ vốn, nhưng sau hơn một năm rao bán vẫn chưa thành công. Vì thế hiện nay anh đang cho sinh viên thuê để bù đắp lãi suất ngân hàng hằng tháng...
Ðại diện Phòng Quản lý đô thị UBND quận Cầu Giấy cho biết, hiện nay trên địa bàn quận có bảy chủ đầu tư được cấp phép xây dựng chung cư mi-ni từ năm 2007, 2008 với hơn 150 căn hộ. Diện tích trung bình các căn hộ từ 30 m2 đến 40 m2. Ngoài ra, có không ít chủ đầu tư chỉ xin phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, nhưng tranh thủ thời điểm sốt giá đã tự ý thay đổi thiết kế để biến thành chung cư mi-ni bán cho người dân, đáp ứng nhu cầu chỗ ở của người dân, nhất là đối với các gia đình trẻ từ các địa phương khác về lập nghiệp tại Thủ đô. Tuy nhiên phần lớn chung cư mi-ni được xây dựng trên khu đất nằm sâu trong các khu dân cư, dẫn đến quá tải hạ tầng. Về mặt pháp lý, còn nhiều vướng mắc liên quan đến hộ khẩu, nhân khẩu thường trú, cấp sổ đỏ... cho các hộ dân. Việc quản lý, vận hành chung cư mi-ni còn bất cập do chưa có quy định, hướng dẫn. Nhiều chung cư không bảo đảm điều kiện phòng cháy, chữa cháy.
Chung cư mi-ni phát triển nở rộ từ khoảng năm 2007, nhất là tại các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Long Biên... Một số chủ đầu tư đã "hốt bạc" trong thời gian đầu, dẫn đến nhiều người cùng lao vào đầu tư. Nhưng sau đó, do cơ sở pháp lý chưa rõ ràng và đặc biệt từ khi thị trường bất động sản trầm lắng, chung cư mi-ni không hấp dẫn người mua, rơi vào tình trạng ế ẩm. Cho đến nay có rất nhiều chung cư mi-ni đã buộc phải chuyển sang hình thức cho thuê. Nhiều nhà đầu tư đưa ra nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi hấp dẫn. Ðại diện Công ty cổ phần địa chính và phát triển đô thị Hà Nội, chủ đầu tư nhiều dự án chung cư mi-ni cho biết, từ ngày 24 đến 28-11, công ty tiến hành giảm giá cho khách hàng đăng ký mua nhà tại dự án chung cư mi-ni Trâu Quỳ (tổ dân phố Cửu Việt, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm) và chung cư mi-ni tại thôn Nhật Tảo (xã Ðông Ngạc, huyện Từ Liêm). Mức giảm giá từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Cụ thể, tại chung cư mi-ni Nhật Tảo, căn hộ 101 có diện tích 83 m2, giá 1,45 tỷ đồng, nay giảm xuống còn 1,19 tỷ đồng; căn hộ 402 giảm từ 735 triệu xuống 630 triệu đồng. Công ty TNHH Bất động sản và dịch vụ địa chính Hà Nội thì đưa ra chương trình tặng quà trị giá 30 triệu đồng cho khách hàng mua chung cư mi-ni tại Ðông Ngạc (huyện Từ Liêm)... Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài chương trình khuyến mãi, giảm giá trên, khách hàng vẫn có thể thương lượng để giảm giá hơn nữa, nhưng rất ít người quan tâm.
Phát triển các loại hình nhà ở giá rẻ, phù hợp với thu nhập của người dân là việc làm cần thiết. Tuy nhiên việc chung cư mi-ni phát triển ồ ạt trong thời gian qua, trong khi thiếu các quy định cụ thể về quản lý, chất lượng... là một nguyên nhân dẫn đến quá tải dân số trong khu vực nội thành. Vì thế, thành phố cần chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, tăng cường quản lý trật tự xây dựng; kiểm tra chặt chẽ các yêu cầu, điều kiện về khảo sát, thiết kế, chất lượng... các công trình xây dựng chung cư mi-ni. Ðồng thời, sớm hoàn thiện quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho các gia đình, cá nhân mua căn hộ chung cư mi-ni trên địa bàn thành phố.
-
Nhà xây sai thiết kế trong dự án được cấp GCN
UBND TPHCM vừa chấp thuận kiến nghị của Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) là cấp giấy chứng nhận (GCN) nhà đất đối với các căn nhà xây dựng không đúng thiết kế mẫu được duyệt. Theo đó, tại các dự án nhà ở trên địa bàn TP, do hoàn cảnh khó khăn, người dân xây dựng nhà có quy mô nhỏ hơn thiết kế mẫu và quy hoạch được duyệt 1 tầng, nhưng đảm bảo mỹ quan đô thị vẫn được cấp GCN.
-
2.000 căn hộ tái định cư ở Hà Nội chưa bàn giao
Trong khi quỹ nhà tái định cư đang thiếu, Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội vẫn chưa thể bàn giao 2.056 căn hộ tái định cư trống cho người dân do việc giải phóng mặt bằng của chủ đầu tư chậm.
-
Hiến kế giải quyết bế tắc việc xóa chung cư cũ
CafeLand - Chủ trương giải tỏa chung cư cũ để xây dựng mới góp phần chỉnh trang đô thị nhận được sự đồng tình rất lớn của toàn xã hội. Tuy nhiên, cơ chế triển khai hiện nay vẫn tồn tại nhiều điểm gây bức xúc cho người dân. Do đó, việc giải tỏa các khu chung cư cũ thường kéo dài và đi kèm với khiếu nại. Trước thực trạng đó bài viết xin đề xuất một số giải pháp để giải quyết thực trạng này. <br/br>