21/07/2015 2:41 PM
CafeLand – Khoản phí bảo trì chung cư 2% (giá trị căn hộ của từng cư dân) là tâm điểm của rất nhiều vụ tranh chấp xảy ra giữa cư dân và chủ đầu tư trong thời gian qua.

Nhiều vụ tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư liên tiếp xảy ra liên quan tới khoản phí bảo trì chung cư.

Liên tiếp xung đột

Mới đây, cư dân sinh sống tại chung cư The Era Town (phường Phú Mỹ, quận 7, TPHCM) đã có những phản đối với chủ đầu tư là Công ty CP Đức Khải về khoản phí bảo trì chung cư.

Theo cư dân tại đây, khoản tiền phí bảo trì của chung cư The Era Town ước tính lến đến hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, trong buổi nói chuyện với cư dân vào ngày 13/10/2014, ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Đức Khải thừa nhận, đã trưng dụng khoản tiền phí bảo trì 2% (giá trị căn hộ của từng cư dân) vào mục đích kinh doanh. Ông Lâm hứa sẽ bàn giao lại quỹ bảo trì kèm lãi suất phát sinh sau khi tổ chức hội nghị nhà chung cư lần 1 để bầu ra ban quản trị.

Cư dân cho biết, phí bảo trì 2% giá trị căn hộ là tiền của cư dân đóng góp, dùng để duy tu, bảo dưỡng các hạng mục sau khi dự án hết thời hạn bảo hành 60 tháng.

Ngoài ra, cư dân The Era Town cũng “tố” chủ đầu tư cố tình né tránh không tổ chức hội nghị nhà chung cư lần 1 theo quy định của pháp luật. Mặc dù cư dân đã nhiều lần gửi kiến nghị.

Câu chuyện xảy ra tại chung cư The Era Town chỉ là một trong rất nhiều vụ việc liên quan đến tranh chấp phí bảo trì chung cư trong thời gian qua.

Tại dự án chung cư 4S Riverside (đường 17, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư là Công ty TNHH Xây dựng Thành Trường Lộc đã kéo dài dai dẳng nhiều năm trời.

Theo ban quản trị chung cư, mặc dù được công nhận từ năm 2011, nhưng mãi 3 năm sau, họ mới nhận bàn giao công tác quản lý, vận hành chung cư. Tuy nhiên, chủ đầu tư không bàn giao bản vẽ kĩ thuật, hồ sơ pháp lí, tầng hầm, nhà sinh hoạt cộng đồng cùng hơn 3 tỉ đồng tiền phí bảo trì.

Đầu năm 2015, cư dân chung cư này khởi kiện chủ đầu tư đòi lại hơn 3 tỉ đồng phí bảo trì. Tới nay, ba phiên hòa giải ở tòa đều không thành do chủ đầu tư vắng mặt.

Tháng 3/2015, cư dân tại chung cư Keangnam như ngồi trên đống lửa khi phải đối mặt với nguy cơ mất trắng hơn 100 tỷ đồng phí bảo trì. Theo đó, mặc dù hoạt động từ năm 2010 nhưng đến nay chủ đầu tư tòa nhà là Công ty Keangnam Vina vẫn đang giữ 125 tỷ đồng tiền quỹ bảo trì chung cư (chưa tính lãi suất ngân hàng).

Sau nhiều lần đấu tranh, chủ đầu tư dự án đã đề nghị trả quỹ bảo trì mỗi năm 5 tỉ đồng và trả trong vòng 25 năm. Tuy vậy, phương án này đã bị người dân phản đối do số tiền trả hằng năm nhỏ hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng.

Bài toán khó giải

Theo quy định tại Luật Nhà ở, chủ đầu tư có trách nhiệm tạm lập tài khoản để quản lý khoản phí bảo trì khi chưa thành lập được ban quản trị chung cư. Sau khi ban quản trị nhà chung cư được thành lập, chủ đầu tư phải chuyển giao ngay kinh phí bảo trì cộng với lãi suất cho ban quản trị để thực hiện quản lý, sử dụng theo quy định.

Chủ đầu tư tòa nhà Keangnam bị cư dân tố vì nợ khoản phí bảo trì lên tới 125 tỷ.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành cho biết, cách quản lý và sử dụng khoản phí bảo trì chung cư như thế nào thì luật đã quy định rõ ràng, không phải bàn cãi thêm.

Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng, khoản phí này nên để chủ đầu tư và một đại diện của ban quản trị chung cư cùng đứng tên. Làm như vậy, là để đảm bảo có sự giám sát qua lại giữa chủ đầu tư và ban quản trị.

“Ban quản trị chung cư là một nhóm người được bầu lên, tuy nhiên không ai đảm bảo những người này không làm bậy. Lỡ họ cầm khoản tiền bảo trì rồi trốn mất thì trách nhiệm sẽ đổ cho ai, quyền lợi của cư dân ai đảm bảo?”, ông Nghĩa đặt câu hỏi.

Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, con số 2% phí bảo trì chung cư dẫn đến sự bất hợp lý và bất an.

Ông Đực giải thích, bất hợp lý là tùy vào từng thời điểm, vị trí của dự án mà có giá bán khác nhau. Thí dụ, một dự án ban đầu chỉ bán với giá 9 – 10 triệu/m2, nhưng sau đó lại tăng lên 13 – 15 triệu/m2, nếu cứ lấy con số 2% thì những người mua sau bị thiệt thòi.

Hiện nay, số tiền phí bảo trì trong một chung cư bình thường khoảng 10 tỷ, tại các chung cư cao cấp có khi lên đến 100 tỷ. Số tiền này, sau đó lại được giao cho chủ đầu tư và chủ đầu tư được quyền sử dụng một thời gian dài không ai quản lý. Đến khi phải giao lại cho ban quản trị chung cư thì nhiều doanh nghiệp lại không đáp ứng được, thậm chí có doanh nghiệp phá sản, bỏ trốn thì cư dân phải lãnh hậu quả.

Ông Đực cho biết, tại 5 chung cư do Công ty Địa ốc Đất Lành làm chủ đầu tư thì không thu phí bảo trì. Thay vào đó, người dân sẽ đóng tiền hàng tháng bình quân là 4000 đồng/m2. Số tiền này vẫn đảm bảo để bảo trì vận hành tòa nhà.

Do đó, ông Đực kiến nghị: “ Việc thu hay không thu khoản phí bảo trì chung cư 2% tùy thuộc vào quan hệ giữa chủ đầu tư và cư dân. Nên để mở để doanh nghiệp và cư dân tự thỏa thuận để có phương án hợp lý”.

Trần Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Mức xử phạt hành vi lấn chiếm đất đai

    Mức xử phạt hành vi lấn chiếm đất đai

    Với các hành vi lấn chiếm đất đai của người khác sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu tái phạm. Vậy, quy định cụ thể về mức xử phạt với hành vi lấn chiếm đất đai thế nào?...

  • Xử lý thế nào khi bị hàng xóm lấn chiếm đất?

    Xử lý thế nào khi bị hàng xóm lấn chiếm đất?

    Tình trạng lấn chiếm đất với hộ liền kề là tranh chấp đất đai khá phổ biến hiện nay. Vậy, khi bị hàng xóm lấn chiếm đất, cần phải làm gì được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình?...

  • Suýt bán căn hộ mới mua vì mâu thuẫn gia đình

    Suýt bán căn hộ mới mua vì mâu thuẫn gia đình

    Sau 5 năm chật vật thuê trọ, vợ chồng tôi vừa mua được một căn hộ nhỏ tại TP.HCM, nhưng rồi suýt phải vội bán vì mâu thuẫn gia đình. 

Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.