Câu chuyện giới hạn tín dụng phi sản xuất tưởng chừng đã lặng đi, sau khi Ngân hàng Nhà nước có các điều chỉnh vào cuối năm 2011 và đầu năm 2012. Nhưng giờ nhìn lại, có thể thấy rằng, ranh giới giữa quy định pháp lý và sự tuân thủ trong hoạt động của các ngân hàng thương mại có những tình huống thật mong manh.

Một tác động quan trọng từ Công văn số 8844/NHNN-CSTT của Ngân hàng Nhà nước đã định hình rõ.

Ngày 1/3/2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về việc thực hiện giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát.

Một nội dung quan trọng của Chỉ thị số 01 là: thực hiện giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với năm 2010, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán; đến 30/6/2011, tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với tổng dư nợ tối đa là 22% và đến 31/12/2011, tỷ trọng này tối đa là 16%.

Chính sách trên ban hành lập tức tạo một chốt chặn. Tín dụng bất động sản, tín dụng tiêu dùng tại một số ngân hàng rơi vào trạng thái “đóng băng”; có hiện tượng căng thẳng rút tỷ trọng đảm bảo giới hạn ở hai mốc hẹn trên.

Nhưng rồi, “phút cuối”, khi mốc hẹn 31/12/2011 chỉ còn hơn một tháng, ngày 14/11/2011, Ngân hàng Nhà nước có Công văn số 8844/NHNN-CSTT “cởi trói” cho một số nhóm đối tượng khỏi rổ tính tỷ trọng tín dụng phi sản xuất.

Việc này từng thu hút sự chú ý của thị trường lúc đó. Và một tình huống đặt ra, khi một số nhóm được loại trừ như vậy, hẳn cũng sẽ có nhà băng bỗng dưng nhận được món quà “trên trời rơi xuống” là tỷ trọng tín dụng phi sản xuất “đẹp”, bảo đảm giới hạn 16% quy định?

Với ngân hàng thương mại, điều đó là rất quan trọng, vì sẽ tránh được án phạt nào đó từ Ngân hàng Nhà nước khi không đảm bảo được quy định, có thể là bị hạn chế nghiệp vụ hoạt động, hoặc không được mở rộng mạng lưới…

Bẵng đi một thời gian, tác động từ sự điều chỉnh trên của Ngân hàng Nhà nước đã định hình cụ thể ở số liệu về tình hình hoạt động một số ngân hàng thương mại. Tiếc rằng, hiện chủ yếu các nhà băng đã niêm yết cởi mở thông tin, nhiều trường hợp đến nay vẫn chưa có báo cáo tài chính và thuyết minh cụ thể để xem xét khả năng thoát hiểm như thế nào.

Còn tham khảo dữ liệu vừa công bố của một ngân hàng cổ phần, Công văn số 8844/NHNN-CSTT của Ngân hàng Nhà nước đã tạo được sự xoay chuyển đáng chú ý.

Cụ thể, nếu tính một cách trọn vẹn theo quy định tại Chỉ thị số 01, tỷ trọng tín dụng phi sản xuất của ngân hàng này quý 1/2012 lên tới 19%; tuy nhiên, Công văn số 8844 ra đời, lượng dư nợ cho vay nhu cầu vốn để sửa chữa nhà và mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương, tiền công của khách hàng vay được loại trừ, tỷ trọng tín dụng phi sản xuất được “gọt” chỉ còn 15,4%, về dưới giới hạn 16% theo quy định.

Nếu không có sự can thiệp của công văn trên, hẳn nhà băng đó đã phải rất căng thẳng ở yêu cầu đảm bảo tỷ trọng dư nợ phi sản xuất, cũng không loại trừ khả năng có thể vi phạm quy định, và đây có thể không phải là trường hợp duy nhất.

“Lật lại” câu chuyện như vậy để thấy rằng, ranh giới giữa quy định pháp lý và sự tuân thủ trong hoạt động của các ngân hàng thương mại có những tình huống thật mong manh, mà phía sau đó là khả năng ảnh hưởng đến các nghiệp vụ, đến kết quả kinh doanh của họ...

Nay, sau khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục “cởi trói” cho phần lớn đối tượng khỏi tín dụng phi sản xuất trong tháng 4/2012 (và được gọi là tín dụng không khuyến khích), giới hạn tỷ trọng 16% không còn quá chật chội và có ảnh hưởng lớn như trước đó nữa.

Dĩ nhiên Ngân hàng Nhà nước có những lý do, mục đích của mình khi đưa ra các điều chỉnh. Song câu chuyện trên một lần nữa tạo nên một ví dụ về những món quà “trên trời rơi xuống” do sự thay đổi của chính sách.

Liệu có công bằng không, khi có những ngân hàng đã phải co cụm, kể cả hy sinh lợi ích để rút được tỷ trọng về đảm bảo giới hạn yêu cầu, trong khi có thành viên “bỗng nhiên” được an toàn hoặc trở nên an toàn một cách dễ dàng hơn?

Còn nhớ vài năm trước, dư luận cũng đã từng chứng kiến sự nhân nhượng của chính sách, liên quan đến việc nới thời hạn đáp ứng yêu cầu vốn pháp định của các tổ chức tín dụng. Và liệu những ví dụ như thế có tiếp tục lặp lại trong tương lai?

Theo VnEconomy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.