CafeLand – Những dự án này từng gây chấn động cho thị trường khi có vốn đầu tư lên đến hàng tỷ USD. Nhưng điểm chung là sau khoảng thời gian đầu ồn ào các siêu dự án trên đều rơi vào tình trạng đắp chiếu, để đất đai hoang phí.

Sau 10 năm, siêu dự án 3,5 tỷ USD khu đô thị đại học Quốc tế (VIUT) vẫn là bãi cỏ xanh

Rộn rã trên giấy, ảm đạm ngoài đồng

Ngày 1/7/2008, siêu dự án khu đô thị đại học Quốc tế (VIUT) với tổng vốn đầu tư 3,5 tỷ USD do tập đoàn Berjaya (Malaysia) làm chủ đầu tư được cấp phép. Dự án này có diện tích 925 ha tại xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn.

Theo thiết kế, chủ đầu tư sẽ dành trên 100 ha để phát triển thành một trung tâm đào tạo đại học hiện đại bậc nhất Đông Nam Á. Trong đó, ngoài các trường đại học, khu đô thị sẽ cung cấp thêm 20 trường ở các bậc học từ mẫu giáo, tiểu học đến trung học phổ thông.

Phần diện tích còn lại được quy hoạch thành khu phức hợp, bao gồm khu thương mại, khu dân cư, trung tâm hành chính văn hóa, trung tâm y tế quy mô 15 ha phục vụ chữa bệnh và hoạt động chuyên khoa của các trường đại học, câu lạc bộ thể dục thể thao và giải trí, khu công viên cây xanh…

Với những viễn cảnh được vẽ lên như vậy, dự án này được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm đào tạo đại học hiện đại bậc nhất của cả nước. Thế nhưng, sau gần 10 năm, dự án vẫn chỉ là bãi cỏ hoang và đứng trước nguy cơ bị thu hồi giấy phép.

Đầu tháng 8/2016, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng khiến thị trường địa ốc sốt nóng khi chính thức khởi công siêu dự án Saigon Peninsula tại phường Phú Thuận, quận 7, TP. HCM.

Dự án có quy mô lến đến 118ha và tổng vốn đầu tư khủng 6 tỷ USD hứa hẹn tạo nên khu phức hợp đẳng cấp gồm nhiều hạng mục nhà phố, căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại, công viên, bến du thuyền…

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm khởi công dự án tỷ đô này vẫn đang là bãi đất trống.

Nằm ngay trung tâm thành phố, dự án Bình Quới – Thanh Đa (quận Bình Thạnh) trở thành nổi khắc khoải khi bất động suốt hơn 20 năm kể từ khi được quy hoạch.

Cuối năm 2015, Liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai) được UBND Thành phố chỉ định là nhà đầu tư Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa.

Tổng diện tích dự án khoảng 427 ha, gồm toàn bộ phường 28, quận Bình Thạnh, vốn đầu tư trên 30.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhà đầu tư đến từ Dubai bất ngờ tuyên bố rút lui sau đó. UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chỉ định Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco tiếp tục là nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa. Đến nay, dự án vẫn chưa có gì tiến triển.

Nằm tại vùng ven TP.HCM siêu dự án Happy Land (Bến Lức, Long An) với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD cũng sa lầy suốt nhiều năm. Dự án đứng hình đã kéo theo chủ đầu tư vào vòng xoáy nợ nần.

Nhà đầu tư vỡ mộng, người dân khổ, ai được lợi?

Siêu dự án đình đám trên giấy đang hành dân khổ sở

Như một điểm chung, hễ có thông tin về một siêu dự án sắp hình thành là ngay lập tức tạo nên những cơn sốt đất tại khu vực đó. Cơn số sốt càng lên đến đỉnh điểm khi những tay cò, đầu nậu đất tung hứng, tô vẻ vô cùng hấp dẫn dù dự án thực tế chỉ mới là đề xuất.

Cuối tháng 2/2017, ngay sau khi thông tin Tập đoàn Tuần Châu đề xuất xây dựng dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn xuất hiện đã tạo hiệu ứng sốt đất dọc theo dự án này.

Những vùng đất vốn yên bình thuộc huyện Củ Chi bỗng huyên náo. Nhiều có đất, nhà đầu tư về đây gom đất đã đẩy giá tăng chóng mặt. Đất vườn, đất nông nghiệp vốn chỉ có giá vài trăm nghìn chỉ sau vài ngày đã có giá 3 – 4 triệu/m2.

Tuy nhiên, dự án vẫn đang chỉ là đề xuất nên tình hình dịu lắng dần. Mới đây, sau khi Bộ Kế Hoạch và Đầu tư bác đề xuất của Tập đoàn Tuần Châu được thực hiện dự án theo hình thức BT đã khiến cho giá đất khu vực này chưng lại. Cảnh mua bán nhộn nhịp trước đó không còn, nhiều nhà đầu tư lỡ ôm đất, tìm mọi cách để bán tháo, cắt lỗ.

Cơn sốt ăn theo siêu dự án cũng từng xảy ra khi Vạn Thịnh Phát khởi công siêu dự án 6 tỷ USD tại quận 7. Nhiều môi giới bất động sản các dự án quanh khu vực hồ hởi quảng cáo cho khách hàng về mức độ hoành tráng và tiện ích đẳng cấp của dự án tỷ đô. Họ cố vẽ ra một viễn cảnh lung linh cho khách hàng khi được ở cạnh một dự án khủng nhưng trên thực tế khu đất thực hiện dự án lúc đó chỉ là rừng dừa nước bạt ngàn.

Có lẽ không ai thấu cảnh khốn cùng như những người dân suốt nhiều năm sống trong khu vực thực hiện siêu dự án.

Sau hơn 10 năm được phê duyệt đầu tư, dự án khu đô thị đại học Quốc tế (VIUT) vẫn ngập chìm trong cỏ lác, sình lầy. Không có bất kỳ một bảng tên hay rào chắn nào phân định ranh giới, báo hiệu dự án này từng tồn tại.

Những căn nhà của người dân phần lớn ọp ẹp, hư hỏng. Đường sá lầy lội, xuống cấp do không được đầu tư sửa chữa.

Ông Năm, một người dân sống tại đây cho biết, suốt nhiều năm qua người dân sinh sống rất khổ cực và chịu nhiều thiệt thòi. Đất đai rộng lớn nhưng lại bỏ hoang khiến người dân tiếc đứt ruột. “Nếu không thực hiện dự án thì trả lại đất cho người dân canh tác”, ông Năm nói.

Mang tiếng ở trung tâm thành phố, nhưng suốt hơn 20 năm người dân tại dự án Bình Quới – Thanh Đa chịu kiếp nông dân. Khu vực này như một nông thôn thu nhỏ, người dân sinh sống với ruộng lúa, bờ ao nuôi cá, chăn bò, thả vịt.

Nhà cửa đây đa phần lụp xụp, nhiều căn chỉ làm tạm bợ bằng lá dừa, tấm tôn.

Chỉ vào con đường nhỏ, nham nhở trước nhà, chị Linh, một người dân sống tại đây cho biết, bây giờ so với 4 – 5 năm trước đã khá hơn rất nhiều, lúc đó con đường này là đường đất, mỗi lần mưa lầy lội, sục lún, muốn đi chỉ vứt xe mà đi bộ. Nhiều người lần đầu vào đây đến khi đi ra không được vì lạc đường.

Trần Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.