12/03/2017 9:06 AM
Siêu dự án của “chúa đảo” Đào Hồng Tuyển ở Củ Chi không đủ sức “tạo sóng” giá đất tại khu vực này, vì thông tin về các dự án khổng lồ không phải lần đầu xuất hiện.

Trước đó, giá đất ở Củ Chi đã từng lên cơn sốt khi có thông tin về những dự án lớn đầu tư về đây. Tuy nhiên không ít nhà đầu tư đón sóng phải vỡ mộng vì “bánh vẽ”. Vì vậy, khi thông tin về dự án khủng của Tuần Châu lần này được công bố, nhà đầu tư vẫn tỏ ra bình tĩnh và giá đất cũng không chuyển biến nhiều.

Người tìm mua tăng nhưng giá ổn định

Ghi nhận tại một số văn phòng môi giới bất động sản ở xã Tân Phú Trung, Tân Thông Hội, Tân Thạnh Đông, thị trấn Củ Chi... số người tìm đến hỏi mua nhà đất tương đối nhiều. Tuy nhiên đây chỉ là những động thái nghe ngóng tình hình chứ chưa thực sự giao dịch.

Ông Nguyễn Như Tuyển, Giám đốc Công ty Bất động sản Anh Luân, cho biết từ giữa năm 2016 đến nay, tình hình giao dịch bất động sản ở Củ Chi khá sôi động. Ngoài người dân ở địa phương ra, khách hàng ở các nơi khác, nhất là các quận ở nội thành TP.HCM, đặc biệt là ở Hà Nội tìm đến mua khá đông.

Lý do thì nhiều, nhưng quan trọng nhất là giá đất ở Củ Chi đang rẻ, phù hợp với khả năng của nhiều người.

Giá đất ở Củ Chi đã không tạo nên cơn sốt như dự đoán. Ảnh: V.D

Hiện mức giá dành cho những thửa đất lớn chưa lên thổ cư chỉ 2-3 triệu đồng/m2, có nơi còn thấp hơn. Gần đây nhiều người đã âm thầm gom một số lượng lớn đất này để đón “sóng”.

Ở phân khúc đất nền tại những tuyến đường trung tâm các xã, giá chỉ giao động 3-8 triệu đồng/m2, hay như khu dân cư Việt Kiều ở xã Tân Thông Hội là “đỉnh” nhất, cũng chỉ 15 triệu/m2.

Riêng phân khúc nhà xây sẵn, giao dịch tương đối tốt với mức biến động về giá tăng 5-10% so với các tháng trước

Ông Nguyễn Hồng Đức, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng PV (PV Invest), cho biết giá bán đất ở Củ Chi tăng giá một phần do thời gian gần đây có thông tin tốt về việc đầu tư hạ tầng.

Lý do tiếp đó là do hệ số K về giá đất thay đổi, trong khi tình hình phân lô hộ lẻ ở huyện Hóc Môn (một địa bàn giáp ranh với Củ Chi) đang bị cấm, nên khách ở Hóc Môn dồn về đây nhiều. Hy vọng trong thời gian tới bất động sản ở Củ Chi sẽ có sự thay đổi lớn.

Thực tế cho thấy, hiện Củ Chi chỉ khoảng 5-6 dự án bất động sản lớn, quy mô từ 100 ha đến khoảng 500 ha. Số còn lại là những dự án nhỏ, 3-5 ha hoặc cùng lắm là vài chục ha, nhưng cũng chỉ chưa đến 10 chủ đầu tư tham gia.

Thường các dự án có quy mô đầu tư lớn, khách nhiều tiền và ở xa đến mua là chính, do giá khá cao, trên dưới 10 triệu đồng/m2 đất nền. Khách ở địa phương hoặc những quận giáp ranh thường mua các dự án có quy mô nhỏ, đất nền và nhà có sẵn trong các khu dân cư hiện hữu, vì giá chỉ giao động 6-7 triệu/m2 hoặc thấp hơn.

Ông Đức cũng cho biết thêm, người dân lâu nay quen với thông tin các tập đoàn lớn sẽ đầu tư vào Củ Chi rồi, nên lần này họ không có gì ngạc nhiên. Hy vọng những dự án như New City, đại lộ ven sông Sài Gòn nối huyện Củ Chi về đến quận 1, hay dự án hồ cảnh quan trung tâm thành phố mới tại Củ Chi sớm đi vào hiện thực. Nhưng ở thời điểm này có lẽ vẫn chưa ai tin nên giá đất ở đây khó lên.

Nhà đầu tư lo vết xe đổ

Tại khu vực này, ngoài dự án khu đô thị Tây Bắc, trước đó còn có một số siêu dự án khác. Điển hình là khu đô thị đại học của một tập đoàn đến tư Malaysia với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, nhưng cả chục năm cũng vẫn dậm chân tại chỗ.

Tiếp đến là dự án khu đô thị mới An Phú Hưng của Công ty TNHH MTV An Phú, có quy mô hơn 610 ha tại 2 xã Tân Hiệp và Tân Thới Nhì (Hóc Môn) cũng mắc cạn.

Sau nhiều năm TP.HCM đã ban hành quyết định giao đất để triển khai, nhưng mới đây thành phố phải thu hồi, hủy bỏ dự án nói trên, do chủ đầu tư chưa bồi thường và việc giải phóng mặt bằng kéo dài quá lâu.

Những dự án được thông tin hoành tráng về quy mô nhưng chỉ dừng lại trên giấy tờ tại khu vực này đã khiến nhà đầu tư chùn chân.

Dự án công viên Sài Gòn Safari vẫn chưa có dấu hiệu triển khai sau nhiều năm nhận đất. Ảnh: V.D

Một chủ đầu tư bất động sản trong khu vực cho rằng, các “ông lớn” thường xí phần dự án trước, nếu làm thì phải 2 năm sau mới triển khai. Do đó, từ đây đến đầu năm sau, trừ những nơi có giá tăng cục bộ ra, nhiều khả năng mức biến động về giá đất ở Củ Chỉ chưa cao. Giá có thể chỉ giao động trong khoảng 10%-15%, trong khi ở các quận khác như Hóc Môn, quận 12 có thể 20-25%.

“Đến khi các dự án của Tập đoàn Tuần Châu được chấp thuận và triển khai, cục diện thị trường về bất động sản Củ Chi mới có dấu hiệu đổi khác, tức sẽ tăng mạnh. Còn hiện tại những thông tin như thế này đã xuất hiện nhiều lần nên việc tăng nóng là không thể. Nhà đầu tư vẫn mang tâm lý lo sợ dự án đi vào vết xe đổ của nhiều dự án trước đó”, vị này cho biết.

Ngay cả người dân địa phương cũng không quá sốt sắng để té nước theo mưa với siêu dự án này.

Một chủ đất ở xã Bình Mỹ cho biết mấy ngày nay khách đến kiếm đất để mua cũng nhiều, nhưng ông chưa bán vội vì còn nghe ngóng tình hình. Tuy nhiên người dân và các chủ đầu tư cũng kỳ vọng dự án được đầu tư thực sự để tạo sự đổi khác cho khu vực.

Bình Nguyên (Zing)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.