Tính đến cuối 2013, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống chỉ còn 3,79%, giảm khoảng 1 điểm phần trăm so với cuối năm 2012. Sau khi liên tục gia tăng từ khoảng 3% cuối năm 2010 lên trên 4% năm 2012, và đến gần 5% trong suốt năm 2013, lần đầu tiên tỷ lệ nợ xấu diễn biến theo xu hướng giảm mạnh, cũng là lần đầu tiên sau khoảng hai năm mới giảm được về dưới 4%.
Tính đến cuối 2013, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống chỉ còn 3,79%. Ảnh: Hoàng Long
Nợ xấu có thực giảm?
Con số nợ xấu nói trên được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ngay trước khi bước sang năm mới – 2014, dường như mở ra cho thị trường một tín hiệu vui rằng, nợ xấu đã được "điều trị” khá hữu hiệu.
Và nếu đó là con số thực sự chính xác, có lẽ Việt Nam hẳn là một trong những quốc gia tiêu biểu về kỷ lục xử lý nợ xấu, khi mà chỉ trong vài tháng đã có thể "đánh tụt” khối lượng nợ xấu khổng lồ treo từ năm này qua năm khác, ám ảnh dư luận và toàn hệ thống ngân hàng. Vẫn theo số liệu thống kê từ NHNN, 8 tháng đầu năm 2013, tốc độ tăng nợ xấu bình quân là 2,52%/tháng, giảm đáng kể so với tốc độ tăng bình quân 3,91%/tháng cùng kỳ năm 2012.
Tuy nhiên, trong một báo cáo về triển vọng của hệ thống ngân hàng năm 2014 được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s thực hiện mới nhất, tổ chức này vẫn đang tỏ ra lo lắng về vấn đề nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Mặc dù công nhận những tín hiệu tốt của nền kinh tế vĩ mô thời gian gần đây, song, Moody’s không thay đổi những đánh giá trước đó về những "điểm nghẽn” mà "món nợ xấu” ngân hàng đang là rào cản toàn hệ thống. Trong báo cáo nói trên, tổ chức này vẫn giữ nguyên triển vọng tiêu cực đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Moody’s cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều giải pháp để ổn định thanh khoản hệ thống ngân hàng, song nguồn vốn của các ngân hàng khó cải thiện đáng kể trong vòng 12- 18 tháng tới. Cũng theo đánh giá của Moody’s, nợ xấu của Việt Nam hiện ít nhất là 15%, cao hơn nhiều so với con số nợ xấu chính thức mà Ngân hàng Nhà nước vừa công bố vào cuối 2013 là 3,79%.
Nợ xấu cao trong bối cảnh lợi nhuận ngân hàng tiếp tục trì trệ do tình hình kinh tế khó khăn, nhu cầu vay vốn thấp, Moody’s cho rằng, các ngân hàng Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn trong bù đắp chi phí tín dụng tăng cao và cải thiện hệ vốn nội bộ. Bên cạnh đó, theo Moody’s, dù NHNN đã nhận thức được sự cần thiết phải cải thiện tiêu chuẩn kế toán và minh bạch hóa quản trị, song vẫn chưa thể áp dụng.
Lập lờ con số thống kê
Trước nhận định của Moody’s, NHNN đã có ý kiến phản hồi rằng, theo số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống Ngân hàng Việt Nam tăng từ 4,08% (cuối năm 2012) đến 4,73%/ tổng dư nợ tín dụng vào tháng 10-2013. Khi tình hình kinh tế vĩ mô được cải thiện và dần phục hồi, cộng với những nỗ lực của hệ thống tổ chức tín dụng, diễn biến nợ xấu đã có những tín hiệu khả quan, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống đã giảm mạnh về mức 3,63% tổng dư nợ tín dụng (cuối tháng 12-2013).
"Tuy mức giảm nợ xấu còn chưa nhiều, song đó là tín hiệu hết sức tích cực phản ánh những nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu” – NHNN đánh giá và khẳng định, để có được những kết quả trên, hệ thống ngân hàng đã tích cực, chủ động thực hiện các giải pháp để kiềm chế nợ xấu gia tăng và xử lý nợ xấu như: cơ cấu lại nợ để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay phục vụ sản xuất; kiểm soát chặt chẽ và tiết giảm chi phí hoạt động, tích cực đôn đốc, thu hồi nợ, trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro; bán nợ, xử lý tài sản đảm bảo... Đặc biệt là việc thành lập và đưa vào hoạt động VAMC. Và, theo NHNN, nếu tính toán một cách thận trọng, nợ xấu bao gồm cả nợ xấu được cơ cấu lại theo Quyết định 780/QĐ-NHNN, thì tỷ lệ nợ xấu cũng chỉ khoảng 9%.
Nói như vậy cũng có nghĩa, con số lúc đầu NHNN đưa ra cũng chưa phải là con số chính xác hoàn toàn, và chỉ khi tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s lên tiếng thì NHNN mới đưa ra một con số mang tính xác thực hơn. Không chỉ trong vấn đề nợ xấu, thời gian qua những con số thống kê đã được giới chuyên gia đưa ra cảnh báo rằng, thiếu tính xác thực rất xa. Khi mà những con số thống kê vẫn còn sự chênh nhau, thiếu tính xác thực, thì tất cả mọi vấn đề cho dù có được giải quyết vẫn chỉ mang tính hình thức. Chúng ta đang tỏ ra khá lạc quan về con số nợ xấu đang giảm nhanh chóng, song con số thực đến đâu thì vẫn chưa rõ. Nói như Chủ tịch Hội Thống kê Việt Nam, thì "Số liệu thống kê hiện nay ở nước ta luôn có hai số, một số dùng khi nghiên cứu sẽ chính xác hơn, và một số dùng để công bố công khai, con số này có thể bị tác động bởi nhiều vấn đề”.
Duy Phương (Đại Đoàn kêt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.