Luật Đấu giá không thể loại trừ nợ xấu. Đó là một trong những nội dung được thảo luận tại phiên họp thẩm tra Dự thảo Luật Đấu giá tài sản, do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào sáng 2/10.
Nghị định 17/2010 của Chính phủ về đấu giá tài sản đã tạo ra nhiều chuyển biến mới và tích cực cho hoạt động bán đấu giá. Đến tháng 3/2014, cả nước có 244 tổ chức đấu giá chuyên nghiệp. Các tổ chức này đã ký trên 23.000 hợp đồng bán đấu giá, giá trị tài sản bán được hơn 41,959 tỷ đồng, vượt trên 3 ngàn tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Tuy nhiên, pháp luật về bán đấu giá tài sản hiện hành chưa đồng bộ, chưa thống nhất, còn tồn tại những mâu thuẫn, chồng chéo về trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản; trình độ đội ngũ đấu giá viên vẫn còn hạn chế, bất cập; nhiều doanh nghiệp, trung tâm trong lĩnh vực này còn thiếu chuyên nghiệp…
TS. Trần Du Lịch cho rằng nợ xấu phải đưa vào Luật Đấu giá.
Theo Bộ Tư pháp, việc ban hành Luật Đấu giá tài sản phù hợp với tình hình mới nhằm đáp ứng yêu cầu về xã hội hóa hoạt động bán đấu giá tài sản, phát triển dịch vụ bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp trong hệ thống các ngành dịch vụ ở nước ta, khuyến khích tổ chức, cá nhân tự nguyện bán đấu giá tài sản của mình, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa…
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, nhiều nội dung cần được bổ sung trong dự thảo luật này cần được nghiên cứu và đúc rút từ thực tiễn. Cụ thể như về phạm vi điều chỉnh, quy mô, các loại hình tài sản được bán đấu giá; các tiêu chuẩn quy định cho đấu giá viên…
Tiến sỹ Trần Du Lịch, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng Luật Đấu giá không nên loại trừ đấu giá nợ xấu, các loại tài sản bảo đảm tại ngân hàng.
Theo TS. Trần Du Lịch, phức tạp nhất là tài sản bất động sản thế chấp tại ngân hàng cực kỳ nhiêu khê, không thể bán được.