Saigon Pearl là khu dân cư phức hợp cao cấp (gồm 3 tòa nhà cao ốc Rupy, Topaz, Sapphire và 126 căn hộ) nằm ven sông Sài Gòn thuộc địa bàn phường 22, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Vì đây là một “thiên đường có thật trên mặt đất” với các tiện nghi và tiện ích đạt chuẩn 5 sao nên ai cũng nghĩ môi trường sống ở nơi đây là hết sức tuyệt vời. Thế nhưng, trên thực tế, ngày ngày cư dân ở đây phải đối diện với những mức phí dịch vụ giá trên trời và bao nhiêu phiền toái khác nhưng chưa được chủ đầu tư là Công ty TNHH Việt Nam Land SSG lưu tâm giải quyết. Trong số đó, hai bức xúc nhất hiện nay của cư dân là phần sở hữu tầng hầm và bầu ra Ban quản trị (BQT) các tòa cao ốc.
Từ những mập mờ trong bản hợp đồng dày hơn 60 trang
Trong hợp đồng hứa mua hứa bán (HMHB) căn hộ ở Saigon Pearl giữa chủ đầu và khách hàng nêu rõ tầng hầm (chủ yếu dành làm chỗ đậu xe ôtô) là công trình tiện tích chung. Đến khi có hợp đồng mua bán chính thức căn hộ, phần vì không có thời gian để xem lại (hợp đồng dày gần 60 trang), phần vì nghĩ chắc hợp đồng mua bán căn hộ sẽ kế thừa hợp đồng HMHB nên người mua đã không do dự khi đặt bút ký vào. Đến khi đã là chủ sở hữu căn hộ rồi họ mới “té ngửa” khi biết rằng tầng hầm chung bây giờ là sở hữu riêng của chủ đầu tư, muốn gửi xe tôô thì tốn hơn 1,6 triệu đồng mỗi tháng. Vậy là họ khiếu nại.
Ngày 14/4, ông Võ Văn Bé, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vietnam Land SSG, có văn bản trả lời, lý giải rằng: Do các hợp đồng HMHB thực hiện trong giai đoạn trước khi có Luật Nhà ở nên chủ đầu tư tạm đưa công trình tầng hầm vào công trình tiện ích chung. Đến khi cao ốc Ruby và Topaz xây dựng xong, chủ đầu tư và khách hàng ký kết hợp đồng mua bán căn hộ thì rơi vào thời điểm năm 2010. Vì vậy mà chủ đầu tư đã điều chỉnh lại cho phù hợp với Nghị định 71/2010/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở. Mặt khác, ông Võ Văn Bé còn cho rằng, tổng giá trị đầu tư bãi đậu xe là hơn 157 tỷ đồng chủ đầu tư đã không phân bổ vào giá bán căn hộ nên hoàn toàn phù hợp với Nghị định 71/CP.
Chị T.H.V (tòa nhà Topaz), bức xúc nói: “Chuyện họ có phân bổ chi phí đầu tư tầng hầm vào giá bán căn hộ hay không chúng tôi làm sao mà biết được? Hơn nữa, giá bán căn hộ trong hợp đồng HMHB và hợp đồng chính thức là không thay đổi. Mà như vậy thì chuyện chủ đầu tư không đưa chi phí tầng hầm vào giá bán là khó có thể tin nổi”.
Tòa cao ốc Topaz hiện vẫn chưa có Ban quản trị. |
Đến động thái trì hoãn thành lập BQT của chủ đầu tư
Theo quy định tại Quyết định 08/2008/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng về Quy chế hoạt động và quản lý nhà chung cư thì “Trong thời hạn không quá 12 tháng, kể từ ngày nhà chung cư được bàn giao đưa vào sử dụng và có 50% căn hộ được bán trở lên thì chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức Hội nghị nhà chung cư (HNNCC) lần đầu”. Thế nhưng, sau gần 2 năm kể từ khi đủ điều kiện thì chủ đầu tư mới tổ chức HNNCC lần đầu cho hai tòa Ruby và Topaz. Trong đó, tòa nhà Ruby đã có BQT được UBND quận Bình Thạnh công nhận, còn tòa nhà Topaz thì chưa mặc dù HNNCC lần đầu đã được tổ chức thành công vào ngày 26/2/2012 và bầu ra BQT theo đúng trình tự, quy định của pháp luật.
Sau khi đắc cử, BQT tòa nhà Topaz đã làm hồ sơ đăng ký gửi UBND quận Bình Thạnh để được công nhận. Tuy nhiên, ngày 9/4/2012, UBND quận Bình Thạnh có công văn trả lời với nội dung chính là yêu cầu chủ đầu tư và BQT vừa được bầu phải tổ chức họp các chủ sở hữu căn hộ để lấy ý kiến thông qua 5 vấn đề theo quy định tại khoản 3, điều 11, Quyết định 08/2008/QĐ-BXD thì mới tiến hành xem xét công nhận.
Do yêu cầu của UBND quận Bình Thạnh là chưa phù hợp với pháp luật hiện hành nên giữa tháng 4/2012, BQT đắc cử và các cư dân gửi kiến nghị đến UBND quận Bình Thạnh đề nghị xem xét lại việc chưa công nhận BQT. Trong lúc mọi người đang mỏi mòn chờ ý kiến phản hồi của UBND quận Bình Thạnh thì họ phát hiện một chuyện “tréo ngoe” là ngày 9/5/2012, ông Võ Văn Bé có công văn gửi UBND quận Bình Thạnh để “xin nhận thiếu sót” và đề nghị tạm dừng xem xét hồ sơ đã đệ trình, chờ công ty gửi bộ hồ sơ mới. Khỏi phải nói là cư dân và BQT đắc cử ngỡ ngàng và bức xúc đến nhường nào vì bao nhiêu công sức mà họ đã cố gắng để bầu ra BQT coi như bỏ sông bỏ biển.
Bên cạnh hai vấn đề bức xúc trên, cư dân Saigon Pearl còn liên tục phản ánh đến các cơ quan chức năng việc chủ đầu tư không thực hiện những gì mà mình đã hứa trước đây như: thu phí xe ôtô 40 USD/tháng (tương đương 800.000 đồng/tháng) thì sau đó nâng lên 1,6 triệu đồng/ tháng; xe gắn máy 5 USD/tháng (khoảng 100.000 đồng) nâng lên 160.000 đồng/tháng; các đường giao thông nội bộ trong tòa nhà bị chiếm dụng kinh doanh với mức 20.000 đồng/giờ đầu, mỗi giờ sau tăng thêm 10.000 đồng; bể bơi, công viên là các công ty tiện tích chung cũng bị chủ đầu tư sử dụng để kinh doanh…
Đặc biệt hơn là phía Công ty Dịch vụ quản lý nhà Savills được thuê quản lý các tòa nhà chi tiêu vô tội vạ tiền của cư dân thể hiện trong việc chi lương cho giám đốc điều hành lên đến 185 triệu đồng/tháng… Sau khi Báo CAND phản ánh các nội dung này, theo các cư dân cho biết thì chủ đầu tư chẳng những không tiếp thu, chấn chỉnh, mà còn có thái độ xem thường, bất chấp quyền lợi chính đáng của cư dân cũng như tiếng nói của cơ quan ngôn luận.
Trước những tranh chấp khá căng thẳng nói trên giữa chủ đầu tư và các cư dân cũng như BQT mới đắc cử, để ổn định tình hình cho cư dân sinh sống tại đây, thiết nghĩ UBND quận Bình Thạnh cần tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa chủ đầu tư, Ban quản lý Saigon Pearl và BQT vừa đắc cử để tìm ra hướng giải quyết phù hợp nhất để tránh khiếu nại gay gắt, kéo dài