CafeLand - Kể từ tháng 12/2019 khi đại dịch bắt đầu, giá nhà đã tăng trung bình 8% trên toàn cầu. Tất nhiên, một số thị trường đã hoạt động tốt hơn nhiều so với những nơi khác.

Nghiên cứu mới của công ty môi giới Enness Global Mortgages tại Anh chỉ ra danh sách những điểm nóng về bất động sản đang hoạt động tốt nhất trên thế giới dù phải đối mặt với đại dịch.

Nghiên cứu này đã phân tích giá nhà tại 17 thành phố lớn trên toàn cầu và nhận thấy rằng các thành phố lớn của New Zealand đang dẫn đầu về tốc độ tăng giá nhà trong đại dịch. Trong đó, Wellington đã chứng kiến ​​mức tăng giá nhà 28,9% - mạnh nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch. Auckland theo sát phía sau với mức tăng 26,4%.

Trong khi đó, thành phố Vancouver của Canada đứng thứ ba, với giá nhà tăng 18,8% kể từ khi bắt đầu đại dịch, còn Los Angeles của Mỹ cũng chứng kiến ​​mức tăng giá nhà đạt gấp đôi là 12,4%.

Gần đó, Geneva của Thụy Sỹ và Berlin của Đức cũng có mức tăng trưởng tốt lần lượt là 9,8% và 8,9%. Đồng thời, Miami (8,1%), Dubai (6,7%) và Paris (6,1%) đều xếp trên London (4%).

Bất chấp việc miễn giảm thuế trước bạ khiến giá nhà tăng vọt trên phần lớn nước Anh, tốc độ tăng trưởng ở London đã bị kìm hãm rất nhiều, chủ yếu do nhiều người mua đang tìm kiếm thêm không gian ở ngoại ô London với mức giá phải chăng hơn.

Lisbon, New York, Hong Kong và Sydney cũng có chuyển biến tích cực, trong khi Melbourne, Madrid và Monaco có mức giảm giá nhẹ kể từ cuối năm 2019.

Islay Robinson, Giám đốc điều hành của Enness Global Mortgages, nhận xét: “Trong tất cả các thành phố được nghiên cứu, thị trường bất động sản đang tăng trưởng vững chắc trên nhiều khía cạnh. Trong khi phần lớn hoạt động gần đây được thúc đẩy bởi người mua trong nước, các nhà đầu tư quốc tế cũng đang thể hiện sự quan tâm ngày càng mạnh mẽ”.

Ông nói thêm: “Khi việc hạn chế đi lại hiện đang được nới lỏng, chúng tôi kỳ vọng sự quan tâm của người mua quốc tế sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là trên các phân khúc cao cấp. Nhiều nhà đầu tư sẽ củng cố danh mục truyền thống để thích nghi với những tác động trong tương lai của Covid-19”.

Lam Vy (Property Reporter)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.