Khu đô thị mưa là ngập
Đoạn đường trước cổng khu Thiên Đường Bảo Sơn giáp Đại lộ Thăng Long ngập sâu sau cơn mưa sáng 13/7 khiến người dân đi lại khổ sở - Ảnh: Trần Kháng
Khảo sát của PV Báo Giao thông tại Hà Nội, rất nhiều điểm khu vực phía Tây và Tây Nam hễ mưa là ngập nặng. Đơn cử sau trận mưa lớn ngày 13/7, tại các khu vực này xuất hiện hàng chục điểm ngập với mực nước từ 20-30cm, trong đó nghiêm trọng nhất là Đại lộ Thăng Long hướng từ Sơn Tây về Hà Nội. Tình trạng này khiến hàng nghìn cư dân sống tại khu đô thị Nam An Khánh di chuyển khó khăn, nhiều người dân không thể vào trung tâm Hà Nội, đành phải quay về xin nghỉ phép.
Quanh khu vực An Khánh và Thiên Đường Bảo Sơn còn đang chuẩn bị mọc lên hàng loạt khu đô thị mới khác như: Golden An Khánh giai đoạn 2, Gemek Premium, khu biệt thự Daisy - Geleximco... Khi các dự án này được đưa vào hoạt động sẽ có thêm hàng nghìn người dân về sinh sống. Nếu hạ tầng không được cải thiện, tình trạng ngập úng mỗi mùa mưa rất có thể sẽ còn trầm trọng hơn.
Chị Bùi Thị Lệ Thủy, sống tại khu đô thị Nam An Khánh chia sẻ, năm nào vào mùa mưa ở khu đô thị này cũng ngập nặng. Đợt bão số 3 vừa qua, nước ngập lên cả mét, tôi phải xin nghỉ làm. 2 cháu nhỏ cũng không thể tới lớp. “Nếu được chọn lại, chắc vợ chồng tôi không chọn khu vực này”, chị Thủy nói và mong muốn các cơ quan chức năng sớm có biện pháp khắc phục, giúp người dân đi lại thuận lợi hơn.
Bác Hoàng Văn Đạt, sống tại Khu đô thị Dương Nội cũng chia sẻ, khu này ngập lụt nặng mỗi khi mùa mưa về. Đáng nói hơn, nước ở đây rút chậm, thậm chí vài ngày sau nước mới rút hết. Những ngày mưa, muốn đi mua đồ ăn cũng khó vì ngập quá. Rất nhiều phương tiện lưu thông qua đây bị chết máy phải dắt bộ hoặc gọi cứu hộ.
Ghi nhận của PV, hàng loạt khu đô thị khác cũng được xem là “điểm đen” ngập úng như: Resco (Cổ Nhuế) - Bắc Từ Liêm, đoạn ngã tư chung cư Keangnam, khu đô thị Văn Phú - Hà Đông, đoạn đường Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân... Sau mỗi trận mưa lớn, hầu hết các khu vực này đều bị ngập cục bộ, khiến các hộ dân đi lại rất khó khăn.
Tiêu chí mua nhà là... không ngập
Trong khi đó, tình trạng ngập nước ở TP.HCM cũng đã đến mức báo động khi ở nhiều khu vực người dân phải “đi lánh nạn” mỗi khi triều cường, thậm chí phải bán nhà đi nơi khác vì không thể mãi sống chung với ngập.
Theo một số chuyên gia, trừ một số khu vực tuyến đường trên các quận: Bình Thạnh, Thủ Đức, Tân Phú, quận 7… thường xuyên ngập nước do triều cường và mưa, một số khu vực thuộc quận Thủ Đức cũng cần tránh khi muốn mua nhà như tuyến đường: Kha Vạn Cân, Hoàng Diệu 2, Võ Văn Ngân và Tô Ngọc Vân bởi luôn bị ngập nặng do triều cường và mưa lớn. Ngoài ra, các khu đô thị Nam An Khánh, Bắc Rạch Chiếc (Q.2) cũng bị ngập sâu mỗi lần do mưa lớn, khu đô thị mới Bắc Rạch Chiếc đưa vào hoàn thiện nhưng vẫn ngập lụt.
Giới chuyên gia cho rằng, để xảy ra tình trạng ngập nặng còn do các chủ đầu tư khi phát triển các dự án bất động sản chỉ chăm chăm bán nhà mà bỏ quên, hoặc làm hạ tầng thoát nước qua quýt, đối phó. Bên cạnh đó, quy hoạch xây dựng đô thị manh mún, thiếu tổng thể dẫn đến mâu thuẫn trong tiêu thoát nước giữa các tiểu khu
Nhiều chuyên gia dự đoán, bất động sản tại những quận khác chắc chắn sẽ được người mua nhà chú ý nhiều hơn trong thời gian tới. Tại các quận khu Đông như quận 2 và 9, do cốt nền cao sẽ thích hợp để phát triển các dự án bất động sản quy mô lớn, hệ thống thoát nước ra sông Sài Gòn cũng được đầu tư nhiều.
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho biết, hiện nhiều người mua nhà rất quan tâm đến việc dự án có khả năng bị ngập lụt hay không. Nếu dự án dễ bị ngập lụt, không chỉ cuộc sống bị ảnh hưởng, mà tài sản của cư dân cũng bị thiệt hại. “Có nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan dẫn đến việc nhiều khu đô thị ở Hà Nội hễ mưa là ngập lụt. Nhất là khu vực phía Tây và Tây Nam vốn trũng và thấp của thành phố”, vị này nói và cho biết, các khu đô thị ở đây phần lớn được xây dựng trên địa điểm vốn là làng xóm, ruộng lúa trồng hoa màu của nông dân. Chủ đầu tư giải tỏa, lấp ao, hồ, ruộng lúa để làm đô thị nên bản thân cốt nền thấp. Hơn nữa, khi thực hiện các quy hoạch của khu đô thị, những người có trách nhiệm “quên” không thực hiện cốt nền đô thị, mạnh ai nấy làm, cùng với công tác giám sát kém, không thực hiện đúng quy hoạch dẫn đến chỗ thấp, chỗ cao. Chủ đầu tư khi tiến hành xây dựng khu đô thị cũng “quên” xây dựng hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng thoát nước đô thị khiến tình trạng ngập càng nặng hơn.
Nhiều chuyên gia khuyến cáo, khi mua nhà, người dân nên đưa thêm tiêu chí không ngập lụt vào bộ tiêu chí của mình để lựa chọn. Đặc biệt, mọi người cần chú ý yếu tố về các tuyến đường hay ngập lụt, ùn tắc. Trường hợp mua nhà ở chung cư, cần tìm hiểu kỹ hệ thống thoát nước và khu vực các tầng hầm để xe, tránh trường hợp mưa lớn khiến xe bị ngâm trong nước. |