Nếu như kiến trúc xanh đã trở thành trào lưu và xu thế của nhiều nước tiên tiến trên thế giới, thì ở Việt Nam, trào lưu này mới bắt đầu được chú trọng trong vài năm gần đây. Năm 2012, lần đầu tiên giải thưởng “Kiến trúc xanh” được đưa vào cơ cấu giải thưởng “Kiến trúc quốc gia”. Theo kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, giải thưởng Kiến trúc xanh Việt Nam về tiêu chí cũng gần với tiêu chí LEED của Mỹ. Tuy nhiên, có một số tiêu chí được điều chỉnh để phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Việc sử dụng vật liệu xanh, áp dụng kiến trúc xanh có thể khiến chi phí đầu tư ban đầu tăng lên, nhưng xét về lâu dài, việc này sẽ có lợi rất lớn khi tiết kiệm chi phí gấp 3 - 4 lần.
Các tòa nhà thông minh mọc lên ngày càng nhiều ở các thành phố lớn như TP. HCM, Hà Nội
Theo tổng kết thực hiện công trình xanh ở Singapore và Malaysia, nếu chi phí đầu tư ban đầu tăng từ 5 - 10%, thì năng lượng tiêu thụ giảm 30 - 60%, chi phí tăng 30%, thì năng lượng giảm 80%. Trong khi đó, tại Đài Loan đã chứng minh rằng, công trình xanh không làm tăng giá thành và ngân sách. Cụ thể, 50% công trình xanh giữ nguyên giá, 30% giảm giá và chỉ có 20% tăng giá. Còn theo một số kiến trúc sư Việt Nam, tùy thuộc vào từng loại công trình, mà chi phí đầu tư sẽ tăng hoặc giảm.
Do nhiều lợi ích về mặt dài hạn, nên dù khá mới mẻ, nhưng nhiều chủ đầu tư, nhất là chủ đầu tư các tòa nhà cao tầng tại Việt Nam đã mạnh dạn ứng dụng kiến trúc xanh vào công trình của mình.
Tòa nhà President Place tại số 91, Nguyễn Du, quận 1, TP. HCM là tòa cao ốc đầu tiên tại TP. HCM đạt chứng chỉ LEED Gold. Tòa nhà sử dụng các loại vật liệu như hệ thống thảm thực vật trên mái nhà; kính giảm thất thoát năng lượng, giúp giảm bức xạ nhiệt; lựa chọn các thiết bị cao cấp để hạn chế chất hóa học và các chất bẩn khác trong tòa nhà…
Tòa nhà được đưa vào khai thác từ tháng 4/2013 với gần 50% diện tích được lấp đầy, trong đó có những khách hàng lớn như Schindler, Microsoft, Canon… Trong điều kiện thị trường bất động sản trầm lắng như hiện nay, tỷ lệ lấp đầy 50% của tòa cao ốc này cũng là mơ ước của nhiều dự án khác.
Ông David Clarkin, Tổng giám đốc President Place Saigon cho biết: “Với ý tưởng mang yếu tố xanh vào các thiết kế cho President Place, chúng tôi tin tưởng rằng, mình đang đi đúng hướng trong việc đáp ứng xu hướng chú trọng hơn vấn đề môi trường trong hoạt động kinh doanh. Đồng thời, President Place còn mang đến cho khách hàng giải pháp tiết kiệm chi phí dựa trên những ứng dụng tiết kiệm năng lượng có tính thân thiện với môi trường, như tiết kiệm năng lượng hơn 12%, tiết kiệm nước hơn 45%”.
Không chỉ President Place, DB Tower tại số 14, Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh cũng là tòa nhà cao ốc văn phòng, căn hộ cao cấp được thiết kế theo tiêu chuẩn LEED. Tòa nhà này hiện đang trong giai đoạn thi công xây dựng.
Đại diện chủ đầu tư cho biết, TP. HCM đang thiếu những tòa nhà văn phòng hạng sang theo đúng nghĩa của nó. Việc đưa tiêu chuẩn LEED vào thiết kế xây dựng tòa nhà là để đáp ứng tiêu chí “hạng sang” cho tòa cao ốc này.
Không chỉ các tòa nhà mới xây dựng, các công trình được xây dựng từ lâu, hiện cũng được chủ đầu tư đưa tiêu chí xanh vào tòa nhà và xem đó như là một sự khác biệt trong kinh doanh.
Ông Tào Văn Nghệ, Tổng giám đốc Khách sạn Rex cho biết, hiện Rex đã dùng toàn bộ hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời, phủ xanh 500 m2 tường rào, trồng cây xanh trên mái, sử dụng đèn chiếu sáng Led… Việc này không chỉ thu hút khách, mà còn tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi năm cho Khách sạn.
“Khách hàng phương Tây rất coi trọng yếu tố bảo vệ môi trường, nên họ thường lựa chọn nghỉ tại các khách sạn cho gắn biển sử dụng năng lượng xanh. Do vậy, dù kinh tế khó khăn, nhưng gần như tháng nào Rex cũng kín phòng”, ông Nghệ cho biết.
Không riêng gì TP. HCM, xu thế sử dụng vật liệu xanh, tiết kiệm năng lượng cũng đang trở thành xu thế được nhiều chủ đầu tư Việt Nam sử dụng. Tòa nhà chung cư thấp tầng của HUD tại Khu đô thị mới Việt Hưng (Hà Nội) đã đạt giải thưởng Kiến trúc xanh năm 2012, vì dùng toàn bộ hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời, điều mà rất ít chung cư tại Việt Nam tính đến.