13/09/2012 1:32 PM
Hàng nghìn người mua nhà đang "khóc dở, mếu dở”, trước việc các chủ đầu tư những dự án bất động sản thu tiền góp vốn của người mua nhà, nhưng chưa triển khai xây dựng. Ngoài việc dài cổ chờ đợi không biết khi nào mới có nhà, thì người mua nhà phải sống trong tâm trạng hoang mang khi không biết số tiền đó chủ đầu tư đã đem đi đâu? Trong khi đó, pháp luật hiện hành xử lý hành vi "găm tiền” lại đang bộc lộ những kẽ hở.
Nhu cầu về nhà ở hiện rất cao
Tiền đã trao, nhưng cháo chưa múc
Hiện nay, một bức tranh về thị trường bất động sản đang có màu u ám, khi nhiều dự án bất động sản nằm chờ chết, bị bỏ hoang, gây lãng phí tiền của, làm mất mỹ quan đô thị. Điển hình là Dự án xây dựng nhà ở dự án giãn dân phố cổ tại khu đô thị mới Việt Hưng do Công ty cổ phần vật liệu xây dựng xuất nhập khẩu Hồng Hà (Công ty Hồng Hà) làm chủ đầu tư. Mặc dù TP. Hà Nội chưa phê duyệt quy hoạch chi tiết, chưa ký hợp đồng chính thức, thì công ty này đã tiến hành huy động vốn của khách hàng với số tiền ước tính lên tới vài trăm tỷ đồng. Sau 2 năm nộp tiền mà vẫn không thấy dự án triển khai, hàng trăm người mua nhà đã tập trung tại trụ sở của Công ty Hồng Hà để yêu cầu chủ đầu tư giải thích về việc tiền của họ đang ở đâu? Và rồi người mua nhà vẫn chỉ nhận được đó là những "lời hứa suông”.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có khoảng 2.500 dự án đang được triển khai và hàng trăm dự án được khởi công mới. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra tại nhiều dự án cho thấy, tỷ lệ nhà ở đưa vào sử dụng đạt thấp, đặc biệt là các nhà ở loại biệt thự, nhà liền kề tại các dự án có vị trí xa trung tâm hoặc hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa được xây dựng đồng bộ.
Một dự án cũng có "kịch bản” giống dự án giãn dân phố cổ, đó là Dự án AZ Vân Canh (Tòa CT1 Vân Canh, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội). Trong đơn kiến nghị, gửi các cơ quan chức năng, chị Trần Thị Nam Hải, ở Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội cho biết: Tháng 3-2010, chị ký hợp đồng góp vốn với Công ty Bất động sản AZ (trụ sở tại số 4 ngõ Chùa Nền, đường Láng, Hà Nội) để mua 4 căn hộ chung cư của dự án AZ Vân Canh. Mỗi căn hộ có vốn góp ban đầu hơn 250 triệu đồng. Tổng số tiền mà gia đình chị dồn vào dự án này hơn 2 tỷ đồng. Thế nhưng, từ ngày ký hợp đồng đến nay đã là hơn 2 năm, nhưng Công ty này vẫn không có bất kỳ động thái nào triển khai xây dựng dự án. Lý giải về sự chậm trễ, Công ty AZ đưa ra một lý do hết sức khiếm nhã đó là: "Chính phủ chưa phê duyệt quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, Do vậy, đang trong giai đoạn chờ quy hoạch và chưa được triển khai”.
Một thực trạng "tiền đã trao, nhưng cháo chưa múc”, cũng đang xảy ra tại Dự án Minh Giang ở huyện Mê Linh, TP. Hà Nội, khiến nhiều nhà đầu tư bất động sản cũng phải "méo mặt”. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tại huyện Mê Linh đang có đến 49/50 dự án đang trong tình trạng hoang hóa.
Phải quản lý chặt tiền của chủ đầu tư
Ông Nguyễn Hữu Cường, Ủy viên Hiệp hội bất động sản cho rằng: "Những dự án chủ đầu tư đã huy động hết tiền của khách hàng nhưng không làm gì thì cần phải lên án”.
Vừa qua, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản đã kiến nghị cơ quan quản lý phải gấp rút sửa đổi chính sách liên quan đến huy động vốn. Trong đó, mỗi chủ đầu tư phải mở một tài khoản duy nhất tại một ngân hàng cho mỗi dự án để nhận các khoản góp vốn, thanh toán mua từ khách hàng. Việc giám sát sử dụng tài khoản này được trao cho ngân hàng, theo nguyên tắc chủ đầu tư phải lên kế hoạch trước việc sử dụng và ngân hàng chỉ cho phép giải ngân theo kế hoạch. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, một biện pháp có thể "khắc chế” tình trạng người mua nhà nộp tiền, nhưng chủ đầu tư không thi công đó là, các ngân hàng có thể tham gia hợp đồng mua bán nhà trong vai trò bảo lãnh cho chủ đầu tư trong việc huy động vốn. Nếu chủ đầu tư vi phạm không đầu tư xây dựng hoặc đầu tư xây dựng không đúng tiến độ, thì người mua nhà có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán nhà và yêu cầu ngân hàng bảo lãnh có trách nhiệm thay mặt chủ đầu tư hoàn trả toàn bộ tiền mua nhà đã góp và thanh toán tiền bồi thường thiệt hại.
Theo Thùy Dương (ĐĐK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.