“Đắp chiếu” do quy hoạch
Tháng 2-2007, Công ty TNHH Booyoung (Hàn Quốc) tổ chức lễ khởi công xây dựng Khu chung cư quốc tế Booyoung tại một trong những địa điểm “vàng” của quận Hà Đông: mặt tiền đường Nguyễn Trãi, ngay bên trái đường vào Khu đô thị Mỗ Lao, kề cận khu Làng Việt kiều Châu Âu.
Tại thời điểm đó, Booyoung Vina được xem là 1 dự án FDI rất tiềm năng khi có tổng mức đầu tư lên tới 171 triệu USD, chủ đầu tư là một trong 30 tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc chuyên về lĩnh vực BĐS. Khu chung cư quốc tế Booyoung dự kiến gồm 6 tòa nhà cao 30 tầng và 3 tầng hầm, với 553.683m2 diện tích sàn xây dựng trên tổng diện tích đất 43.127m2. Dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2010.
Dự án Booyoung Vina vẫn chỉ là một tấm biển và hàng rào tôn. Ảnh: H.Trâm
Tuy nhiên, trái với động thái rầm rộ ban đầu, thị trường BĐS tuột dốc cũng khiến dự án này nhanh chóng “bất động”. Toàn bộ khu đất được quây tôn kín, hoang tàn, không thấy bóng dáng công nhân. Kể cả đến thời điểm hứa hẹn đưa vào sử dụng (2010), chủ đầu tư cũng không có một động thái khởi động xây dựng dự án.
Mãi đến tháng 7-2011, dự án được “tái khởi động” bằng việc khởi công khu chung cư CT7. Tuy nhiên, ngay sau đó, dự án lại tiếp tục đóng cửa bỏ hoang.
Ngay cả lãnh đạo Ban Quản lý khu đô thị Mỗ Lao cũng thừa nhận, cho dù ban quản lý đã 5 lần đề nghị điều chỉnh giấy phép đầu tư, song đến nay không hiểu vì lý do gì hơn 4,3ha đất sạch, thậm chí đã có hạ tầng giao thông đầy đủ được giao cho doanh nghiệp trên vẫn chỉ là những khu đất hoang, gây lãng phí.
Theo lý giải của Công ty Booyoung Vina vào cuối năm 2011, nguyên nhân khiến dự án chậm trễ là do việc điều chỉnh quy hoạch của dự án chứ không phải vì chủ đầu tư yếu kém về tài chính. Cụ thể, ngày 27-6-2008, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã có Công văn 3010/UBND-CNXD chấp thuận đề xuất của Sở Xây dựng về việc điều chỉnh các chỉ tiêu sử dụng các lô đất từ CT2-CT7, với tổng diện tích hơn 5,3ha.
Sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, ngày 10-4-2009, UBND TP Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 011043000485 cho Booyoung Vina. Ngày 4-5-2009, UBND TP Hà Nội có Văn bản 3723/UBND-XD giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nghiên cứu lập quy hoạch khớp nối khu vực giáp ranh giữa các quận, huyện của Hà Nội và Hà Tây.
Ngày 15-5-2010, Công ty Booyoung Vina đã nộp hồ sơ quy hoạch chi tiết để khớp nối. Sau đó, ngày 2-8-2010, Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội đã có Thông báo 2465/TB-QHKT kết luận cuộc họp về việc thẩm định điều chỉnh Quy hoạch chi tiết khu vực Trung Văn - Mỗ Lao.
Theo quy hoạch chi tiết, cơ quan chức năng đề nghị giữ ô đất TH-02 (thuộc CT6) lại làm đất trường học và chủ đầu tư phải làm lại quy hoạch chi tiết. Tại Thông báo 285/TB-UBND ngày 6-8-2010, ông Phí Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, kết luận giữ lại hiện trạng khu vực Trường THCS Mỗ Lao trong lô đất CT6 (khoảng hơn 1ha), điều chỉnh Trung tâm Ngôn ngữ TH-03 để xây dựng trường học.
Theo những đề nghị và kết luận trên, ngày 23-9-2010, Công ty Booyoung Vina đề xuất được điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc của dự án. Như vậy, do quá trình mở rộng Thủ đô Hà Nội, diện tích Dự án Booyoung Vina bị điều chỉnh từ hơn 5,3ha xuống còn hơn 4,3ha. Các thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, thủ tục giãn tiến độ thực hiện… khiến dự án chậm trễ so với mục tiêu ban đầu.
Hay “chết” do thị trường “lạnh”?
Dù chủ đầu tư khẳng định “vô can” trong việc chậm trễ triển khai dự án, việc một dự án ngoại hoang hóa 6 năm liền trong điều kiện thị trường BĐS trầm lắng đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về năng lực thực sự của chủ đầu tư đằng sau những quảng bá hoành tráng.
Đặc biệt từ thời điểm Booyoung Vina tái khởi động đến nay đã hơn 1 năm, nhưng dự án tiếp tục để trống, không bóng dáng công nhân hay máy móc làm việc. Trước đó, chủ đầu tư dự án đã nhiều lần khẳng định tiềm lực tài chính dồi dào của mình.
Theo chủ đầu tư, để thực hiện dự án này, Công ty Booyoung Vina đã đưa ra Chứng chỉ tiền gửi tại Ngân hàng Hana Bank (Hàn Quốc), với khoản tiền 134 triệu USD (tính đến ngày 6-4-2011). Thậm chí, trong trường hợp xây xong dự án, nếu thị trường không tốt, công ty vẫn có thể phát triển theo hướng cho thuê nhà, mà không cần phải huy động vốn của nhà đầu tư Việt Nam. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia BĐS, nhiều khả năng chủ đầu tư này cũng đang gặp khó khăn về tài chính.
Trên thực tế, không giống như nhiều dự án FDI khác nhanh chóng xây xong móng để huy động vốn từ khách hàng, Booyoung Vina “lận đận” hơn khi chưa đủ điều kiện để huy động vốn góp. Mất đi nguồn lực quan trọng này, việc triển khai dự án gần 200 triệu USD trở thành một gánh nặng.
Thêm nữa, tại thời điểm Booyoung Vina được cấp phép xây dựng (2007), thị trường BĐS đang phát triển cực kỳ “nóng”, giới đầu cơ làm chủ thị trường, dự án xây ra chủ đầu tư hoàn toàn không phải lo đến đầu ra mà ung dung ngồi chờ siêu lợi nhuận.
Tuy nhiên, sau khi triển khai xong thủ tục xin dự án, vướng vào điều chỉnh quy hoạch do mở rộng Thủ đô Hà Nội, chủ đầu tư này đã “chậm một nhịp” so với sự điều chỉnh của thị trường. Kể từ năm 2010, thị trường BĐS đóng băng, không còn hấp dẫn như trước kia, nhà đầu tư cũng không còn mặn mà với những dự án quá cao cấp.
Chính vì vậy, mặc dù có thể có đủ tiềm lực để triển khai bước đầu của dự án, chủ đầu tư này vẫn tiếp tục “câu giờ”, chờ thời điểm thị trường BĐS khởi sắc hơn thay vì triển khai dự án rồi mắc kẹt. Đã bước vào quý cuối cùng của năm 2012, nếu không có gì thay đổi, dự án này sẽ nhanh chóng bước sang tuổi lên 7 với chỉ một tấm biển tên, hàng rào tôn vây quanh và một khu đất hoang hóa.
(còn tiếp)
-
Những dự án FDI “hết mỡ” (kỳ 2): Gamuda City - Thành phố của… những câu hỏi
Được cấp phép từ năm 2007 với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 5 tỷ USD, Gamuda City (quận Hoàng Mai, Hà Nội) của liên doanh Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia) được xem là một trong những dự án đình đám nhất thời điểm đó. Tuy nhiên, đã nhiều năm trôi qua, dự án vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng, toàn bộ khu đất dùng để xây khu đô thị vẫn là một bãi đất hoang.
-
Những dự án FDI “hết mỡ” (kỳ 1): ParkCity - Siêu dự án sa lầy
Không chỉ dự án của các nhà đầu tư trong nước chết chìm do thị trường khó khăn, hàng loạt dự án BĐS nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từng làm mưa làm gió cũng lâm vào tình cảnh “đắp chiếu”. Nhiều chuyên gia nhận định, với phương thức đầu tư “lấy mỡ nó rán nó”, một khi “mỡ” đã hết, việc các dự án FDI xuống dốc không phanh là điều dễ hiểu.