25/10/2012 9:55 PM
Không chỉ dự án của các nhà đầu tư trong nước chết chìm do thị trường khó khăn, hàng loạt dự án BĐS nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từng làm mưa làm gió cũng lâm vào tình cảnh “đắp chiếu”. Nhiều chuyên gia nhận định, với phương thức đầu tư “lấy mỡ nó rán nó”, một khi “mỡ” đã hết, việc các dự án FDI xuống dốc không phanh là điều dễ hiểu.

Nằm ở vị trí đắc địa của quận Hà Đông (TP Hà Nội), ParkCity là “con cưng” của CTCP Phát triển đô thị Quốc tế Việt Nam (VDIC), một liên doanh giữa Vinaconex Hoàng Thành và Công ty Perdana Parkcity (S) Pte. (Malaysia), với số vốn đầu tư lên tới 1.500 tỷ đồng, tổng diện tích dự án 77ha, bao gồm 15 phân khu. Thế nhưng qua 2 năm triển khai, tình hình tại ParkCity có thể coi là thê thảm.

Vốn ngoại từ ngân hàng nội địa?

Với quy mô hoành tráng, ParkCity từng được mệnh danh là “siêu dự án” tại cửa ngõ phía Tây Hà Nội. Dự án thu hút đến mức ngay tại buổi lễ bốc thăm lần 1 tiểu khu Ngọc Lan, dù chủ đầu tư VIDC chỉ bốc 50 suất nhưng đã có hơn 2.000 khách hàng đăng ký tham gia, chưa kể đến hàng trăm cò đất bên ngoài đã chào bán các suất ngoại giao với mức giá chênh lệch từ 1,2-1,5 tỷ đồng/căn liền kề, biệt thự lên đến 2 tỷ đồng.

Trong khi đó, giá bán của chủ đầu tư đã ở mức “trên trời”, nếu cộng cả tiền thuế và chênh lệch, giá mỗi m2 đất tại đây lên tới 85 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, sắp đến hạn bàn giao nhà, nhưng hầu hết các hạng mục của dự án này vẫn tiếp tục “đắp chiếu”, không biết khi nào triển khai trở lại. Dự án đình đám một thời lâm vào tình cảnh bỏ hoang, cỏ mọc um tùm khiến hàng trăm khách hàng như ngồi trên đống lửa.

Dự án ParkCity còn ngổn ngang.

Sự sa lầy của ParkCity là tổ hợp của rất nhiều nguyên nhân, tuy nhiên, đây có thể xem là trường hợp điển hình của việc “cơm không lành canh chẳng ngọt” khi doanh nghiệp trong nước bắt tay với doanh nghiệp nước ngoài. VDIC được lập ra với tỷ lệ góp vốn của phía Việt Nam là 40%, phía Malaysia 60%.

Tuy được quảng cáo rầm rộ về đối tác ngoại hoành tráng, nhưng qua giai đoạn “mật ngọt” ban đầu, nhiều người thực sự đã đặt câu hỏi về năng lực của đối tác này.

Đặc biệt, khi Tiểu khu 1 của dự án đang bị sụt lún mà dự kiến kinh phí triển khai sửa chữa, xử lý sự cố lên tới 115 tỷ đồng nhưng thị trường ảm đạm, cộng với những khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng và huy động vốn của khách hàng khiến việc này trở nên vô kế khả thi. Nhiều nhà đầu tư đã đặt câu hỏi, trong tình cảnh khó khăn như thế, vốn “ngoại” của dự án này ở đâu? Chính đại diện của Vinaconex cũng phải thừa nhận, phía nước ngoài khó có đủ năng lực tài chính cho dự án.

Quy định giữa 2 bên là phía nước ngoài phải lo tài chính, nhưng thời gian qua họ chủ yếu vay vốn từ ngân hàng Việt Nam. Cụ thể, chủ đầu tư ParkCity đã đầu tư cho phát triển quỹ đất và hạ tầng ước tính 1.910,5 tỷ đồng. Vốn để thực hiện các phần việc trên lấy từ một phần nguồn vốn tự có của chủ đầu tư, còn lại chủ yếu là vốn vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng, vốn huy động từ khách hàng và các nhà đầu tư thứ phát.

Điều này cho thấy, dường như năng lực tài chính của cổ đông Malaysia thực sự có vấn đề, hay nói cách khác, phía đối tác đã đầu tư vào ParkCity trong tâm thế “tay không bắt giặc”. Vấn đề đáng bàn là phải cho đến khi dự án đình trệ, cỏ mọc hoang tàn, điều này mới được nhận ra.

Có lẽ con đường “trải thảm đỏ” dành cho nguồn vốn FDI của Việt Nam dường như đã “lệch” khi thay vì đón được doanh nghiệp có tiềm năng thực sự, lại nhận được những “con hổ giấy” mà hệ quả của nó xem ra phải mất rất nhiều thời gian để hóa giải.

Vinaconex thoái vốn, ParkCity về đâu?

Cuối tuần trước, Vinaconex đã chính thức thông báo về việc thay đổi sở hữu cổ đông lớn tại dự án ParkCity. Theo đó, Vinaconex đã hoàn tất chuyển nhượng 3,75 triệu cổ phiếu (tương đương 25% vốn điều lệ tại CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Vinaconex Hoàng Thành, chủ đầu tư dự án ParkCity). Việc đổi chủ sở hữu này bắt đầu từ ngày 16-10, nhưng phía Vinaconex không tiết lộ đơn vị mua lại.

Không nêu chi tiết, song phía Vinaconex cho biết nguyên nhân của việc thoái vốn là để để “tái cơ cấu danh mục đầu tư” của tổng công ty. Như vậy, sau khi chuyển nhượng, Tổng công ty Vinaconex đã chính thức rút hết phần vốn của mình tại siêu dự án ParkCity, chấm dứt mối “lương duyên” từng một thời gây đình đám dư luận.

Việc Vinaconex chính thức “rút chân” khỏi dự án ParkCity và không công bố đơn vị “tiếp quản” đã khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang cực độ. Bởi thực lực của doanh nghiệp ngoại thì đã rõ nhưng hiện nay, tình cảnh của đại diện trong nước - Vinaconex Hoàng Thành - cũng không khá hơn là bao.

Vinaconex Hoàng Thành ra đời năm 2007, có cơ cấu cổ đông bao gồm Tổng công ty Vinaconex sở hữu 3,75 triệu cổ phần, chiếm 25%; CTCP Hạ tầng Hoàng Thành sở hữu 6,52 triệu cổ phần, chiếm 43,5%; Vinaconxex 1 sở hữu 1,87 triệu cổ phần, chiếm 12,5%; các thể nhân khác sở hữu 2,83 triệu cổ phần, chiếm 18,89% còn lại là cổ phiếu quỹ. Vinaconex Hoàng Thành đã đầu tư góp vốn 128 tỷ đồng vào VIDC và cũng là đơn vị thi công xây lắp một số hạng mục của dự án ParkCity với giá trị gói thầu 178 tỷ đồng.

Điều đáng bàn là theo báo cáo tài chính của Vinaconex Hoàng Thành, tính đến 30-6-2012, công ty chỉ còn 823 triệu đồng tiền và các khoản tương đương tiền, nợ phải trả 29 tỷ đồng. Năm 2011, công ty này lỗ 3,4 tỷ đồng.

Có thể nói, ParkCity đang rơi vào một tình cảnh khá bi đát khi muốn triển khai tiếp dự án phải cần một lượng tiền lớn để phá dỡ phần móng bị nứt, trong khi thực tế của thị trường và thực lực của doanh nghiệp ngoại lẫn nội đều không thể đáp ứng. Chưa kể trong nội bộ, phía Việt Nam góp vốn vào dự án này đang có bất đồng sâu sắc khi nhiều cổ đông cho rằng phía nước ngoài trong liên doanh đã không thực hiện đúng những cam kết trong hợp đồng.

Chính vì vậy, bao giờ ParkCity được triển khai trở lại tiếp tục là một câu hỏi khó giải đáp và các nhà đầu tư, những người đã bỏ ra gần 500 tỷ đồng cho chủ đầu tư vay vốn vẫn phải tiếp tục nín thở chờ đợi. Có thể kỳ vọng vào đơn vị “bí ẩn” đã thế chân Vinaconex trong siêu dự án này hay không, chắc chỉ vài tháng nữa, nhà đầu tư sẽ có câu trả lời.

(Còn tiếp)

Theo Hoài Trâm (SGĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.