- Là người công tác lâu năm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, ông đánh giá thế nào về khủng hoảng tài chính ở Cyprus ?
Tôi nhận thấy sự việc này xảy ra không chỉ Cyprus mà cả Eurozone đều phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn nhất để trả lời câu hỏi: tồn tại hay không tồn tại?
Nguyên nhân gây khủng hoảng tài chính nằm ở chỗ Cyprus đã không kịp thời điều chỉnh chính sách, hoặc nói chính xác hơn là những nhân tố, cả bên trong lẫn bên ngoài. Các DN đã miệt mài canh tác trên "mảnh đất màu mỡ" để tranh thủ kiếm lời và không bao giờ muốn các quy định thông thoáng bị siết chặt lại. Tốc độ tăng trưởng quá nóng và việc quản lý hệ thống tài chính quá tự do và lỏng lẻo dựa trên nền tảng không vững vàng đã khiến hệ thống ngân hàng của Cyprus ngày càng bộc lộ "gót chân Asin".
Thế nhưng, những lời cảnh báo chỉ như làn gió thoảng, không đủ sức ngăn chặn việc quay vòng vốn để kiếm lời. Các mối liên kết chặt chẽ giữa Cyprus và Hy Lạp cũng giáng họa xuống hệ thống ngân hàng ở hòn đảo này. Việc EU tái cơ cấu các khoản nợ công của Hy Lạp để giúp Athens vượt qua khủng hoảng tài chính đã gây thiệt hại nặng nề cho các tổ chức tài chính nắm giữ những trái phiếu của chính phủ Hy Lạp. Ước tính, khoảng 4,5 tỉ euro biến mất khỏi bảng cân đối tài sản của các ngân hàng ở Cyprus, đẩy họ đến bờ vực phá sản và buộc phải cầu cứu EU.
- Vậy kịch bản “hậu khủng hoảng” nào có khả năng xảy ra với quốc gia được ví như thiên đường tài chính này?
Theo thông tin tôi mới nhận được, Ngân hàng Laiki Bank - một ngân hàng lớn thứ 2 của Cyprus sau Bank of Cyprus đang tiến hành các thủ tục để phá sản. Theo đó Laiki sẽ tách ra hai loại tài sản: Những khoản tiền gửi dưới mức trần 100 ngàn euro được xếp vào Good Bank (tài sản tốt - dựa trên đánh giá của Chính phủ là những khoản tiền “sạch” ) sẽ chuyển sang Bank of Cyprus để quản lý, còn những khoản tiền gủi trên 100 ngàn euro được xếp vào Bad Bank (tài sản xấu - theo đánh giá đây là những khoản tiền gửi của các tổ chức mafia) sẽ do chính phủ quản lý, và sau đó Laiki Bank sẽ bị phá sản hoàn toàn. Như tôi đã nói Cyprus là quốc gia được giới mafia ví von là thiên đường tài chính sở dĩ luật chống rửa tiền ở đây rất nhiều kẽ hở. Do vậy, nếu Chính phủ kiểm soát không chặt dẫn tới việc người dân, nhà đầu tư rút tiền ồ ạt sẽ dẫn tới hệ thống ngân hàng mất máu rất nhanh.
- Sau sự việc của Cyprus, mới đây các thị trường lại bị rúng động bởi thông tin TP Stockton thuộc bang Canifonia đệ đơn lên tòa xin phá sản do không đủ khả năng cung ứng các dịch vụ cơ bản cho giới chức địa phương?
Trường hợp của Stockton là một trường hợp khác đáng quan tâm. Stockton vừa được Tòa án phá sản liên bang cho phép phá sản dưới Điều khoản 9 của Luật Phá sản. Đây là một thị trấn lớn ở miền Bắc tiểu bang California với dân số khoảng 300.000 nguời. Sự sụp đổ của thị trường địa ốc và bất động sản của thành phố này đã làm chính quyền của thị trấn này mất đi khoảng 70% thuế BĐS sau một loạt những vụ siết nợ và phá sản trong thị trường BĐS. Tuy nhiên, Luật Phá sản theo Chapter 9 không có mục đích đưa nguời đi vay vào chỗ chết, mà ngược lại là tìm cách bảo vệ nguời đi vay qua việc bắt các chủ nợ phải dừng lại mọi biện pháp thu hồi nợ trong khi cho phép người đi vay tái cơ cấu lại nợ và tìm cách phục hồi. Sau một thời gian nếu người đi vay không phục hồi được thì tòa án sẽ cho phép thanh lý tài sản bảo đảm theo Điều khoản 11 của Luật Phá sản (Chapter 11) để thanh toán nợ cho các chủ nợ. Một vài thành phố khác của Mỹ như San Bernadino của California cũng sẽ theo chân Stockton để xin tòa án cho phá sản.
Dĩ nhiên, tuyên bố phá sản là điều không ai mong đợi và chỉ là bước đường cùng. Điều mà chúng ta học hỏi được ở đây là bất cứ một chính quyền nào, lớn như Cyprus hay nhỏ như Stockton, nếu “vung tay quá trán”, thì tới một thời điểm nào đó khi kinh tế kiệt quệ sẽ dễ dàng rơi vào khủng hoảng và phá sản.
- Nhìn lại những diễn biến của nền kinh tế VN hiện nay, đặc biệt là vấn đề nợ xấu của các ngân hàng, hẳn chúng ta sẽ rút ra được những bài học đắt giá qua hai trường hợp trên, thưa ông?
Nếu chỉ nhìn vào tỉ lệ nợ công/GDP để nói rằng vẫn đang ở ngưỡng an toàn thì quá chủ quan. |
Như tôi đã đề cập ở trên, nếu Chính phủ Cyprus không kiểm soát được tình hình, hệ thống Ngân hàng Cyprus mất máu rất nhanh. Bởi hệ thống Ngân hàng Cyprus mua trái phiếu của của Chính phủ Hy Lạp. Thường thì trái phiếu của Chính phủ hệ số rủi ro bằng 0 nhưng trường hợp nền kinh tế Hy Lạp vỡ nợ nên trái phiếu của hệ thống Ngân hàng Cyprus chuyển thành tài sản xấu mất giá trị.
Hệ thống ngân hàng VN sẽ không xảy ra như tình trạng như Cyprus bởi Ngân hàng VN không đầu tư trái phiếu của các chính phủ nước ngoài. Nhưng nợ xấu là tài sản độc hại, nếu không sớm xử lý sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy. Một kịch bản tệ nhất có thể xảy ra ở VN là nợ xấu tăng cao và nếu không được giải quyết triệt để sẽ làm tê liệt hệ thống ngân hàng. Trong tình huống này có lẽ giải pháp duy nhất là Chính phủ VN đành phải quốc hữu hóa ngân hàng để tái cấu trúc lại toàn bộ hệ thống cho lành mạnh hơn, sau đó trả nó lại cho nền kinh tế thị trường vào một thời điểm nào đó trong tương lai…
Mặc dù không lo ngại trường hợp này xảy ra với VN nhưng từ bài học của Cyprus cũng nên nhìn lại vấn đề nợ công. Nợ công của Cyprus đang tăng cao và họ lại trông chờ khá nhiều vào nguồn tiền từ nước ngoài chứ không phải từ các giá trị tạo ra trong nước. Xét về nội lực, kinh tế Cyprus không có nhiều điểm mạnh ngoài du lịch và đầu tư nước ngoài do vậy càng dễ tổn thương trước những biến động tài chính lớn trên thế giới.
Còn VN, nếu chỉ nhìn vào tỉ lệ nợ công/GDP để nói rằng vẫn đang ở ngưỡng an toàn thì quá chủ quan. Cần xác định là khả năng trả nợ công trong và ngoài nước của chúng ta ra sao ? Không phải tỉ số nợ công mà khả năng hoàn trả nợ mới là quan trọng hơn nhiều. Chính phủ cần phải đưa ra một dự báo tài chính trong đó có những dự báo về nguồn thu ngân sách và các khoản nợ phải thanh toán trong và ngoài nước. Hiện nợ công của VN đang được kiểm soát ở mức độ 55%, nhưng chúng ta không nên lạc quan, bởi nợ công là “tội đồ” của khủng hoảng, nếu không kiểm soát chúng ta sẽ giống như Cyprus và Stockon…
- Xin cảm ơn ông!