Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, số lượng công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp khoảng 47.860 người. Lực lượng công nhân tham gia sản xuất đến từ các địa phương giáp ranh, chủ yếu là tự túc chỗ ở, thuê nhà trọ nên nhu cầu về nhà ở là rất lớn.

Khu công nghiệp Tam Thăng tại Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Lưu Bang

Ngày 7/4/2023, Tỉnh ủy Quảng Nam có Báo cáo số 307-BC-TU gửi Ban Kinh tế Trung ương về tình hình triển khai nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, số lượng công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp khoảng 47.860 người. Lực lượng công nhân tham gia sản xuất đến từ các địa phương giáp ranh, chủ yếu là tự túc chỗ ở, thuê nhà trọ nên nhu cầu về nhà ở là rất lớn.

Hiện nay, tại tỉnh có 1 dự án nhà ở cho công nhân tại Khu công nghiệp Tam Thăng được đầu tư xây dựng; các dự án khác đang thực hiện thủ tục đầu tư, xây dựng.

Đối với người thu nhập thấp tại khu vực đô thị cũng có nhu cầu về nhà ở. Tuy nhiên, hiện nay, các dự án chưa hoàn thành đưa vào sử dụng để phục vụ nhu cầu ở cho các đối tượng này.

Việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp, bộ ngành, địa phương và người dân. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội.

Tỉnh ủy Quảng Nam cũng đã cho biết các vướng mắc liên quan đến phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp.

Theo đó, từ một địa phương thuần nông, nền kinh tế của tỉnh đã dịch chuyển sang phát triển công nghiệp với tỷ trọng năm 2022 là 35% so với các lĩnh vực khác gắn với lực lượng lao động chủ yếu tại cấp huyện và các địa phương giáp ranh.

Mức độ đô thị hóa trung bình trên địa bàn tỉnh 26,3% còn thấp so với các thành phố lớn; nhu cầu người dân luôn muốn sở hữu tài sản riêng về đất đai, ổn định lâu dài. Tâm lý người dân muốn được tự do lựa chọn quy mô, vị trí khi mua dự án nhà ở thương mại để thuận lợi hơn trong thụ hưởng các tiện ích xã hội và các nhu cầu sinh hoạt, hơn là bó buộc tại một vị trí dự án (do các dịch vụ tiện ích xã hội chưa phát triển đồng đều).

Chưa hết, các đối tượng đáp ứng điều kiện mua nhà ở xã hội thì có xu hướng lựa chọn đến các nhà ở, đất ở thương mại giá cả phù hợp với khả năng nhưng không quá xa trung tâm đô thị. Đồng thời, hiện nay trên địa bàn, các nhà đầu tư thường quan tâm đến dự án nhà ở thương mại, ít quan tâm loại hình dự án nhà ở xã hội do thủ tục kéo dài nhưng lợi nhuận thấp.

Vì vậy, thời gian qua, mặc dù đã có chính sách phát triển nhà ở xã hội được Trung ương và địa phương ban hành nhưng việc thu hút các dự án về nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế nhất định.

Bên cạnh đó, một số loại hình nhà ở khác được triển khai trên địa bàn tỉnh cũng tác động tích cực đến phát triển chính sách về nhà ở xã hội, như Đề án hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng là hộ nghèo, cho người có công cách mạng…

Cùng với đó, các dự án nhà ở thương mại đã giải quyết một phần nhu cầu nhà ở cho các đối tượng xã hội, chỉnh trang đô thị và nâng cao diện mạo nông thôn, góp phần phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị, giảm giá thành đất nền khai thác.

Quảng Nam đang triển khai những dự án nào?

Cũng tại Báo cáo nêu trên, Tỉnh ủy Quảng Nam nhận định, thời gian qua, việc phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 1 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng (giai đoạn 1) và 2 dự án đang triển khai. Dự án hoàn thành đưa vào sử dụng cũng đáp ứng một phần nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng này.

Cụ thể, dự án khu nhà ở công nhân của Công ty Panko, thành phố Tam Kỳ, diện tích khoảng 5,1 ha, hoàn thành giai đoạn 1 với 200 căn phục vụ nhu cầu công nhân Công ty Panko. Hiện nay, Công ty đang nghiên cứu thực hiện giai đoạn 2 của dự án.

Về dự án nhà ở xã hội cho công nhân đã được chấp thuận và đang triển khai, gồm có quỹ đất để thực hiện Khu thiết chế công đoàn tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, quy mô khoảng 04 ha do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện. Hiện nay, tại khu vực này đã có Nhà đa năng, Trường Mầm non do Liên đoàn Lao động tỉnh đầu tư.

Bên cạnh đó còn có dự án nhà ở công nhân xã Tam Hiệp của Công ty Cổ phần Danatol, diện tích khoảng 1,3 ha, gồm 600 căn nhà ở chung cư. Dự án này hiện đang thực hiện thủ tục đầu tư, với khoảng 33.000 m2 sàn (đang điều chỉnh quy mô đầu tư).

Cũng theo Tỉnh ủy Quảng Nam, từ những bất cập, vướng mắc, hạn chế trong chính sách phát triển nhà ở xã hội nên việc thu hút nguồn lực đầu tư dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh còn hạn chế.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ có 2 dự án nhà ở xã hội tại thị xã Điện Bàn được chấp thuận/chứng nhận đầu tư đang triển khai thực hiện. Tuy nhiên, việc triển khai chậm do vướng mắc trong thủ tục đầu tư.

Trong đó, dự án Khu nhà ở cho người thu nhập thấp của Công ty Cổ phần tư vấn nông nghiệp nông thôn và dịch vụ thể thao du lịch STO tại Điện Nam - Điện Ngọc có quỹ đất phát triển chung cư nhà ở xã hội là 24.436 m2 , xây dựng 06 block nhà chung cư. Dự án này hiện đang giai đoạn hoàn thiện 1 block với 196 căn, khoảng 5.250 m2 sàn và đang xây dựng 05 block còn lại với 980 căn, khoảng 26.250 m2 sàn.

Dự án thứ hai là Khu nhà ở thu nhập thấp của Công ty TNHH Bất động sản Châu Âu tại xã Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn, quy mô khoảng 0,75 ha. Dự án này có diện tích đất phát triển nhà ở xã hội là 7.523 m2 gồm nhà ở chung cư và nhà ở liền kề. Dự án này hiện chưa chưa thi công chung cư nhà ở xã hội.

Để góp phần phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam cũng đã đề xuất, kiến nghị một số nội dung về quy định pháp luật; công tác quản lý nhà nước; vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Lưu Bang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.