CafeLand - Nhu cầu mua nhà tại Mỹ tăng đột biến do người dân ở nhà trong suốt thời kỳ dịch bệnh đã khiến nguồn cung của thị trường này dần trở nên cạn kiệt.

Doanh số bán nhà mới xây đã tăng lên mức cao nhất trong 14 năm qua vào tháng 8, nhưng nguồn cung từ các nhà xây dựng đã giảm xuống chỉ còn đủ dùng trong 3,3 tháng với tốc độ bán hàng hiện tại. Theo nguyên tắc, nguồn cung đủ dùng trong 6 tháng mới được coi là tình trạng cân bằng. Theo Cục Thống kê Dân số Mỹ, nguồn cung của thời điểm một năm trước, tháng 08/2019, đủ dùng cho 5,5 tháng.

Tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn với phân khúc những ngôi nhà đã qua sử dụng. Theo Hiệp hội môi giới bất động sản Mỹ, lượng hàng hiện tại giảm gần 19% so với nguồn cung trong 3 tháng của năm trước đó.

Lawrence Yun, nhà kinh tế trưởng của hiệp hội này cho biết: “Nhu cầu nhà ở đang tăng mạnh nhưng nguồn cung thì không, và sự mất cân bằng này chắc chắn sẽ gây thiệt hại đến khả năng chi trả và cản trở cơ hội sở hữu nhà của người dân. Để giải quyết tình trạng này, cần xây dựng thêm nhiều ngôi nhà mới”.

Nhu cầu mua nhà tăng vọt khiến nguồn cung nhà ở mới tại Mỹ dần cạn kiệt

Trong khi đại dịch tạo ra nhu cầu rất lớn từ người mua, nó gây ra điều ngược lại đối với những người bán. Theo realtor.com, có khoảng 400.000 ngôi nhà được rao bán kể từ khi đại dịch bắt đầu. Những người bán lo ngại về các vấn đề an toàn trong khi giới thiệu nhà cửa và đi lại khi đang có dịch bệnh, và họ cũng lo lắng về việc bán hàng trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng khó khăn.

Javier Vivas, Giám đốc phụ trách nghiên cứu kinh tế của realtor.com, cho biết: “Phần lớn người bán cũng là người mua, vì vậy ngay khi có danh sách hàng mới được tung ra thị trường, một người mua nữa cũng xuất hiện. Bên cạnh các vấn đề về lượng hàng tồn kho thấp, hàng nghìn ngôi nhà bỏ trống trước đây, như các ngôi nhà nghỉ dưỡng và căn hộ cho thuê, được chủ sở hữu sử dụng trong thời gian đại dịch nên chúng cũng bị rút khỏi danh sách để bán”.

Số lượng nhà ở dành cho một hộ gia đình bắt đầu tăng nhẹ vào tháng 8, theo Cục Thống kê Dân số Mỹ, tăng khoảng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn còn quá thấp so với nhu cầu hiện tại. Số lượng nhà đang được xây dựng chỉ tăng hơn 1% so với một năm trước.

Các nhà xây dựng phải ngừng hoạt động vào tháng 3 và tháng 4 khi nền kinh tế Mỹ đóng cửa, và sau đó họ bị choáng ngợp bởi nhu cầu tăng vọt vào tháng 5. Hiện họ phải đối mặt với nguồn cung nhà ở hoàn thiện ngày càng cạn kiệt cũng như giá gỗ xẻ tăng chóng mặt. Điều này khiến một số nhà xây dựng lớn nhất phải giảm tốc độ hoàn thiện nhà.

“Do ​​giá gỗ xẻ tăng nhanh trong suốt quý 3, chúng tôi đã phải giảm tốc độ bán lượng hàng hiện có cũng như số lượng hạn chế các ngôi nhà hình thành trong tương lai”, Chủ tịch công ty xây dựng Lennar, Stuart Miller, cho biết trong cuộc trao đổi mới nhất với các nhà xây dựng khác. Ông lưu ý với họ rằng cần phải kiên nhẫn để giữ chi phí xây dựng ở mức thấp cho đến khi giá nhà tăng đủ để bù đắp những chi phí đó.

Giá các căn nhà hiện có đang tăng vọt, tăng hai con số so với một năm trước, do thiếu nguồn cung. Giá trung bình của một ngôi nhà mới xây được bán trong tháng 8 thực tế đã giảm khoảng 4%, nhưng vẫn còn là chưa đủ. Những căn nhà giá thấp đang được săn lùng nhiều hơn, đặc biệt là từ những người thuộc thế hệ millennials đang muốn rời khỏi các căn hộ tại đô thị.

Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư của Bleakely Advisory Group, cho biết: “Nhu cầu nhà tăng lên trong tháng 8 đều đến từ phân khúc dưới 500.000 USD. Trong đó, những căn nhà có giá dưới 300.000 USD được ưa chuộng nhiều nhất. Mức giá dưới 300.000 USD rất hấp dẫn với người mua nhà lần đầu tiên. Tỷ giá thấp chắc chắn sẽ hữu ích với họ, nhưng nó cũng chỉ đủ bù đắp cho việc tăng giá”.

Chủ đề: Bất động sản Mỹ,
Lam Vy (CNBC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.