04/03/2012 2:03 PM
Những thông tin rao bán dự án chủ yếu đến từ các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán hoặc đa phần là những thương vụ đã hoàn tất

Đầu tháng 3-2012, việc thông tin một “đại gia” ngân hàng quyết tâm bỏ ra gần 1.000 tỉ đồng để mua hơn 700 căn hộ tại nhiều dự án ở quận 2, 8, huyện Nhà Bè… của một tập đoàn lớn chuyên về bất động sản (BĐS) tại TPHCM đang hâm nóng bầu không khí ảm đạm của thị trường nhà đất trong thời gian qua. Đây có lẽ là giai đoạn thị trường nhà đất được nén chặt lại như một lò xo và sẽ bật mạnh khi đến ngưỡng.

Từ công khai đến bán “chui”

Giới quan sát thị trường nhận định năm 2012 sẽ tiếp tục nhộn nhịp các hoạt động mua bán, sáp nhập dự án BĐS giữa chủ đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Nhìn ở góc độ tích cực, việc mua bán, sáp nhập sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ thực hiện dự án, tăng tính thanh khoản và góp phần vào sự phát triển của thị trường.

Mới đây, theo công ty cung cấp dịch vụ BĐS Jones Lang LaSalle Vietnam cho biết họ đã nhận được một đơn đặt hàng chủ đầu tư dự án Lam Sơn Square (Vũng Tàu) nhờ công ty tìm đối tác để nhượng lại toàn bộ dự án với giá trên dưới 10 triệu USD (khoảng 210 tỉ đồng). Bên cạnh dự án Lam Sơn, Jones Lang LaSalle Vietnam cũng đang môi giới chuyển nhượng cho 2 dự án khác tại TPHCM là cao ốc văn phòng Centre Point trên đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận và cao ốc văn phòng - Trung tâm Thương mại Royal Tower trên đường Nguyễn Lương Bằng thuộc khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7.
Đối với dự án Centre Point, trước đó, Jones Lang LaSalle Vietnam đã mất hơn một năm mới dàn xếp xong thương vụ chuyển nhượng cổ phần từ chủ đầu tư dự án là Refico cho Japan Asia Vietnam, một quỹ đầu tư BĐS của Nhật. Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy 7 tháng kể từ khi mua lại toàn bộ cao ốc văn phòng này, Japan Asia Vietnam đã nhờ Jones Lang LaSalle Vietnam tìm đối tác để nhượng lại dự án với lý do đóng quỹ.

Nhộn nhịp mua bán dự án khủng
Nhiều dự án ở TPHCM đang âm thầm thay tên đổi chủ. Ảnh: TẤN THẠNH
Không chỉ có Jones Lang LaSalle Vietnam, mới đây, Công ty Tư vấn BĐS CBRE Việt Nam cũng tiết lộ trong năm 2012, sẽ có ít nhất 3 dự án văn phòng lớn được chuyển nhượng nhưng không nói trường hợp cụ thể. Trên thực tế, đã có không ít công ty BĐS tính đến chuyện bán dự án. Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình, chẳng hạn, đã lên kế hoạch chuyển nhượng các dự án khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng, du lịch…
Hay Tập đoàn Hoa Sen dự kiến chuyển nhượng 3 dự án để quay về với lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là thép. Công ty Sacom, một công ty hoạt động trong lĩnh vực cáp, cũng dự tính chuyển nhượng khu đất tại 475/1 Điện Biên Phủ - TPHCM. Các thông tin trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Bởi lẽ, những thông tin rao bán dự án chủ yếu đến từ các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán hoặc đa phần là những thương vụ đã hoàn tất, còn rất nhiều thương vụ bán “chui” khác được thực hiện âm thầm do doanh nghiệp sợ mất tiếng tăm.

Bán dự án không hẳn là thất bại

Ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc điều hành Công ty CB Richard Ellis Vietnam, nhận định với những gì đã và đang diễn ra đối với thị trường BĐS Việt Nam thì hoạt động mua bán, sáp nhập là nhu cầu cấp thiết bởi thị trường trì trệ trong hơn 3 năm qua cộng với chính sách thắt chặt tín dụng làm cho phần lớn các công ty không còn đủ nguồn lực để tiếp tục thực hiện dự án của mình. Các doanh nghiệp địa ốc bắt buộc phải bán bớt một số dự án trong danh mục đầu tư của mình để có thể tiếp tục thực hiện những dự án còn lại.

Trong khi việc mua bán, sáp nhập dự án và doanh nghiệp là hoạt động bình thường ở các nước thì tại Việt Nam, một tỉ lệ lớn các chủ dự án vẫn còn rất nặng tâm lý: Bán lại dự án là thất bại. “Họ cho rằng bán dự án là mất thể diện nên chưa thực sự thoải mái khi tiếp xúc với các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư hay các đơn vị môi giới, cũng như yêu cầu hạn chế các nghiệp vụ quảng bá cần thiết để giới thiệu dự án đến các đối tượng tiềm năng. Có nhiều chủ tòa nhà yêu cầu giữ lại tên cũ sau khi chuyển nhượng” - ông Townsend nói.

Những nhà đầu tư đến từ các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Singapore hay Mỹ đều quan tâm đến tính minh bạch của dự án. Chẳng hạn như dự án đã có pháp lý rõ ràng, đã đền bù giải tỏa hay đã đóng tiền sử dụng đất. Nhiều chủ đầu tư, theo ông Townsend, mắc sai lầm vì có thói quen chào mức giá mình mong muốn cao hơn nhiều so với mức chấp nhận rồi sau đó nếu có đơn vị hỏi mua sẽ thương lượng. Khi thị trường có nhiều mặt hàng hơn để chọn thì chắc chắn cơ hội sẽ lại thuộc về bên mua.

Các thương vụ mua bán dự án sẽ tăng cao


Dù không tiết lộ từng trường hợp dự án cụ thể nhưng trong vai trò là nhà tư vấn, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc nghiệp vụ bộ phận đầu tư của Công ty Tư vấn BĐS Savills Việt Nam, cho biết năm ngoái, số thương vụ mua bán dự án mà Savills tham gia tư vấn đã tăng 15% - 20% so với năm 2010. Trong đó, số vụ được chuyển nhượng thành công chiếm khoảng 50%. Ông Khương cũng dự báo con số này sẽ tăng cao trong năm 2012.

Theo Người Lao động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.