26/10/2012 9:22 PM
Trong số này, 84% nợ xấu là có tài sản đảm bảo và hiện tại các tổ chức tín dụng cũng đã trích lập được dự phòng rủi ro lên tới 70.000 tỷ đồng.

Ngày 25/10, NHNN đã có buổi họp báo giải đáp thắc mắc về thị trường vàng, tình hình nợ xấu và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Theo ước tính của NHNN, mặc dù con số nợ xấu đã được giải quyết từ đầu năm đến nay khoảng 36.000 tỷ, nhưng con số nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng tính đến thời điểm cuối tháng 10/2012 vẫn chiếm vào khoảng từ 8,8%-10% trên tổng dư nợ. Trong số này, 84% nợ xấu là có tài sản đảm bảo và hiện tại các tổ chức tín dụng cũng đã trích lập được dự phòng rủi ro lên tới 70.000 tỷ đồng.

“Các khoản nợ xấu chủ yếu có tài sản đảm bảo là bất động sản. Vì vậy, nếu khơi thông thị trường này, nợ xấu sẽ cơ bản được giải quyết. Thế nhưng, để làm được điều này đòi hỏi phải có sự tham gia của các bộ, ngành chứ không chỉ riêng Ngân hàng Nhà nước. Ví dụ như giảm giá phù hợp với túi tiền, bán cho người có nhu cầu thật, diện tích phù hợp…,” Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Hữu Nghĩa nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, không nên chỉ coi là nợ xấu của ngân hàng, mà phải hiểu đó chính là nợ xấu của nền kinh tế. Từ đó, có các giải pháp tổng thể để xử lý nợ xấu, kể cả việc “giải tỏa” 93.000 tỷ đồng tiền nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản.

Một trong những giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước tính đến, đó là thành lập Công ty mua bán nợ, với thành phần là đại diện của các cơ quan chức năng. Được biết, đề án này đã được hoàn thành và sẽ sớm được trình lên chính phủ thông qua, từ nay đến ngày 15/11. “Việc công ty mua bán nợ thuộc Ngân hàng Nhà nước là hợp lý bởi sẽ giúp tiết kiệm chi phí, sử dụng các công cụ tài chính hiệu quả... và trên hết là Ngân hàng Nhà nước hiểu rõ nợ xấu nằm ở đâu. Chúng tôi hy vọng sẽ giải quyết được khoảng từ 60.000-100.000 tỷ đồng nợ xấu nếu công ty này đi vào hoạt động,” ông Nghĩa cho hay.

Cùng với đó, việc tái cấu trúc các tổ chức tín dụng cũng đang được Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh, trên cơ sở thanh tra và mời các tổ chức kiểm toán độc lập đánh giá khách quan. Hiện có 9 ngân hàng được đưa vào diện tái cấu trúc, bao gồm: 3 ngân hàng đã thực hiện hợp nhất (Đệ Nhất, Tín Nghĩa và Sài Gòn), Habubank (đã sát nhập vào SHB), Đại Tín, Nam Việt, Phương Tây, TienPhongBank và GPBank.

“Các ngân hàng đã tiến hành tự nguyện hợp nhất, sát nhập vẫn đang được chúng tôi theo dõi sát sao đồng thời với việc đốc thúc các ngân hàng còn lại nhanh chóng lên phương án tối ưu cho việc tái cơ cấu để ổn định hoạt động. Riêng các công ty tài chính có đặc thù nên cũng sẽ có phương án,” ông Nghĩa cho hay.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 19/10/2012, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng là 2,77%. Huy động của các tổ chức tín dụng tăng 14,02%; trong đó huy động VNĐ tăng 17,52% và huy động bằng USD giảm 1,55%.

Đáng chú ý, huy động từ dân cư vẫn tăng trưởng khá, tăng trên 23%.
Theo Khánh Chi (Vietnam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.