Thị trường bất động sản 2022 sắp trải qua một năm với nhiều sự kiện đáng chú ý.
Bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm
Đây là một trong những sự kiện nóng bỏng, thu hút sự chú ý của cả thị trường bất động sản vào đầu tháng 1/2022.
Cụ thể, ngày 10/12/2021, Công ty Ngôi Sao Việt thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã tham gia và trúng đấu giá lô đất 3-12 khu chức năng số 3 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức, TP.HCM) có diện tích hơn 10.000 m2 với giá 24.500 tỉ đồng (tính ra mỗi mét vuông đất trị giá 2,45 tỉ đồng).
Tuy nhiên, ngày 11.1.2022, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có tâm thư gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, UBND TP.HCM… xin rút khỏi dự án Thủ Thiêm.
“Chúng tôi xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản lô đất 3-12 khu chức năng số 3 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm. Điều này đã được nêu trong quy định đấu giá và hợp đồng đã được ký kết ba bên giữa tôi với Trung tâm phát triển quỹ đất TP.HCM và Trung tâm đấu giá của TP.HCM và chấp nhận chịu mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng này theo quy định của pháp luật về việc đấu giá tài sản công”, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh viết trong tâm thư.
Để mua lô đất này, Công ty Ngôi Sao Việt đã đặt cọc số tiền gần 600 tỉ đồng và cũng đã ký hợp đồng với Trung tâm đấu giá của TP.HCM và Trung tâm phát triển quỹ đất TP.HCM.
Sự kiện bỏ cọc của Tân Hoàng Minh ngay lập tức đã gây xôn xao dư luận và kéo theo nhiều hệ luỵ khi thị trường liên tiếp xuất hiện các vụ bỏ cọc đấu giá sau đó.
Đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn
Trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đang lấy ý kiến, Bộ Xây dựng tiếp tục đề xuất 2 phương án về quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư.
Phương án 1 là bổ sung mới quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định căn cứ vào thời hạn sử dụng của công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định theo thời hạn sử dụng của công trình nêu trong hồ sơ thiết kế công trình và được tính từ khi nghiệm thu toàn bộ công trình đưa vào sử dụng.
Khi thẩm định hồ sơ thiết kế công trình nhà chung cư, cơ quan có thẩm quyền thẩm định phải ghi rõ thời hạn sử dụng nhà chung cư trong hồ sơ thiết kế.
Thời hạn sở hữu nhà chung cư cũng phải được ghi rõ trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư.
Riêng đối với các nhà chung cư được cấp giấy phép xây dựng hoặc có văn bản thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở (đối với trường hợp miễn Giấy phép xây dựng) trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được sở hữu không có thời hạn theo quy định trước đó.
Phương án 2, thời hạn sở hữu nhà chung cư giữ nguyên như quy định hiện hành, tức không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư, người mua nhà chung cư được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài.
Đề xuất này đã ngay lập tức gây ra làn sóng tranh cãi trong dư luận. Có nhiều ý kiến phản đối đề xuất rút ngắn thời hạn sử dụng chung cư xuống còn 50-70 năm vì không phù hợp với tâm lý sở hữu tài sản lâu dài đa số người dân hiện nay.
Bắt Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết vì thao túng chứng khoán
Ngày 29.3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 06/QĐ-VPCQCSĐT, các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam với Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết.
Đây là vụ án xảy ra tại ra Tập đoàn FLC, các cá nhân thuộc Tập đoàn FLC và Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS cùng các công ty liên quan về hành vi "thao túng thị trường chứng khoán"; "che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán", gây thiệt hại cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trước đó, vào ngày 10.1.2022, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đã bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo quy định. Hành vi "bán chui" cổ phiếu của chủ tịch Tập đoàn FLC gây rúng động dư luận và làm chao đảo thị trường chứng khoán.
Ngay say đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có quyết định phong tỏa tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết, nhằm ngăn chặn các hành vi tiếp theo không đúng quy định.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng có văn bản chỉ đạo Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10.1 của ông Quyết, nhiều nhà đầu tư được hoàn lại tiền đã mua. Ngày 18.1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt hành chính ông Trịnh Văn Quyết 1,5 tỉ đồng, mức cao nhất theo quy định. Chủ tịch Tập đoàn FLC cũng bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng.
Năm 2017, ông Quyết cũng đã bán "chui" 57 triệu cổ phiếu mà không công bố trước theo quy định. Khi đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Quyết 65 triệu đồng vì vi phạm này.
Bắt tạm giam Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Ngày 5.4, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Ông Dũng bị điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an, cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra, xác minh một số hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan việc phát hành trái phiếu, huy động tiền nhà đầu tư của các công ty thành viên thuộc Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh).
Kết quả điều tra xác định từ tháng 7.2021 đến tháng 3.2022, bị can Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên gồm: Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil, Công ty CP Cung Điện Mùa Đông và các công ty liên quan, phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỉ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.
Trước đó, theo thông tin được công bố ngày 4.4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết đã ban hành quyết định hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu từ tháng 7.2021 đến tháng 3.2022 với tổng trị giá 10.030 tỉ đồng của 3 đơn vị thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh vì "có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ".
Nghị định 65/2022 về phát hành trái phiếu được kỳ vọng
Sau những bất cập trong quá trình phát triển thị trường trái phiếu, ngày 16.9.2022, Chính phủ ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 153 về chào bán trái phiếu riêng lẻ (Nghị định 65) với nhiều điểm mới liên quan đến các đối tượng tham gia vào thị trường.
Cụ thể, Nghị định bổ sung quy định doanh nghiệp phát hành phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm trong một số trường hợp cụ thể theo quy định của Luật Chứng khoán và việc này sẽ áp dụng từ ngày 1.1.2023. Khi doanh nghiệp phát hành cho nhà đầu tư cá nhân phải có hợp đồng kí kết với đại diện người chủ sở hữu trái phiếu; phải có xác nhận của ngân hàng thương mại về việc mở tài khoản từ việc phát hành trái phiếu.
Liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành, nghị định bổ sung các quy định để nâng cao trách nhiệm về nghĩa vụ công bố thông tin của nhà phát hành cho nhà đầu tư và trách nhiệm trong việc sử dụng vốn và các quy định khác.
Nghị định cũng được kỳ vọng sẽ nâng cao tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư cá nhân muốn trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, phải đảm bảo phải có 2 tỉ đồng danh mục đầu tư với giá trị trung bình trong vòng 6 tháng và việc xác nhận đó sẽ có hiệu lực trong vòng 3 tháng.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), cho rằng đây là một điểm rất mới, tăng trách nhiệm của nhà đầu tư hơn khi đưa ra quyết định đầu tư của mình. Đó là khi mua trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư phải đọc một bản công bố thông tin và phải tự ký vào bản đó, xác nhận tiếp nhận đầy đủ những thông tin doanh nghiệp công bố; đồng thời, hiểu pháp luật và chịu trách nhiệm về việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp…
Tín dụng bị siết chặt
Tháng 4.2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Công văn số 1976 gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, yêu cầu triển khai, thực hiện nghiêm một số vấn đề để đảm bảo an toàn hoạt động, thực hiện kiểm soát các khoản cấp tín dụng với lĩnh vực rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết đến cuối tháng 4.2022, tổng dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt 2.288.278 tỉ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021, chiếm tỷ trọng 20,44% trong tổng dư nợ đối với nền kinh tế, tỷ lệ nợ xấu là 1,62%.
Rất nhiều ngân hàng đã có động thái thông báo dừng cho vay bất động sản với lý do hết hạn mức (room) tín dụng. Ngay sau những động thái này, thị trường bất động sản lập tức chịu ảnh hưởng khi thanh khoản của thị trường nhanh chóng suy giảm. Càng về cuối năm, mức độ ảnh hưởng của việc cạn dòng vốn lên thị trường bất động sản càng rõ rệt, nhiều doanh nghiệp không có nguồn thu duy trì hoạt động kinh doanh, đầu tư, buộc phải cắt giảm nhân sự, thu hẹp quy mô…
Lãi suất ngân hàng tăng cao
Kể từ ngày 25.10, lãi suất tối đa với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng tăng từ mức 0,5% lên 1%/năm, lãi suất với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5% lên 6%/năm. Riêng lãi suất tối đa với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô từ 5,5% lên 6,5%/năm.
Như vậy, chỉ trong 2 lần điều chỉnh trở lại đây, trần lãi suất huy động dưới 6 tháng hiện nay đã quay về mức trước dịch và tương đương thời điểm năm 2014.
Việc nâng trần lãi suất huy động sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới ngân hàng, doanh nghiệp và người dân. Trần huy động được nâng lên cho phép các nhà băng đang cần vốn trả lãi suất cao hơn cho người gửi tiền. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa lãi suất cho vay tăng theo.
Tính tới nay, mặt bằng lãi suất cho vay cá nhân lên mức 13% và doanh nghiệp tầm 9%, đã tăng khoảng 2% mỗi năm so với đầu năm.
Trong bối cảnh khó khăn bủa vây doanh nghiệp như áp lực lạm phát, tỷ giá, nguồn vốn bị siết chặt, việc lãi suất tăng cao khiến doanh nghiệp rơi vào thế “khó chồng khó”.
Chính phủ lập Tổ công tác gỡ khó cho thị trường bất động sản
Ngày 17.11, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập tổ công tác của Thủ tướng về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại TP. Hà Nội, TP. HCM và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Theo đó, tổ công tác sẽ do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm tổ trưởng. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú và Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh là tổ phó.
Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại TP. Hà Nội, TP. HCM và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Bên cạnh đó, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng chỉ đạo, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản với nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời tổng hợp, tham mưu Thủ tướng báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản đối với các nội dung vượt thẩm quyền của Thủ tướng.
-
Top 10 dự án nổi bật ra mắt trong năm 2022
Khó khăn về nguồn vốn tín dụng đã đẩy lùi kế hoạch bán hàng, ra mắt dự án mới của nhiều doanh nghiệp bất động sản. Song, nhìn lại từ đầu tháng 7 tới nay, một số doanh nghiệp vẫn đưa hàng ra thị trường. Các dự án này khá đa dạng, từ đất nền, căn hộ cho đến shophouse và khu nghỉ dưỡng.
-
Giao dịch đất nền bật tăng
Trong quý 4/2022, lượng giao dịch đất nền thành công là 149.197 giao dịch, bằng khoảng 130% so với quý trước đó.
-
Khó chồng khó, doanh nghiệp bất động sản phá sản tăng gần 40%
Theo Bộ Xây dựng, năm 2022 số doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể tăng khoảng 38,7% so với cùng kỳ năm trước.
-
Bất động sản 2022: Một năm lạ lùng
Đầu năm 2022, sốt giá bất động sản diễn ra tại nhiều nơi. Giá đất tăng từ 2 đến 3 lần, nhưng cuối năm thị trường gần như đóng băng, nhiều nhà đầu tư muốn cắt lỗ cũng không thành. Gam màu xám được dự báo sẽ còn phủ lên thị trường bất động sản cho đến ...