>> Quyền lợi khách hàng Metropolitan sẽ về đâu?
Siêu dự án Metropolitant sau hơn 3 năm khởi công vẫn ngổn ngang.
LTS: Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty CP Địa ốc An Khang được dư luận đặc biệt quan tâm. Quá trình điều tra cho thấy không chỉ có những sai phạm tại Dự án Khu trung tâm thương mại và nhà ở cao cấp phường 11 TP Vũng Tàu (dự án Metropolitant), mà còn có nhiều dự án khác có cùng một chủ đầu tư - bà Ngô Thị Minh Phượng và con gái Đỗ Thùy Linh, nhưng dưới nhiều cái tên và loại hình doanh nghiệp khác nhau. Không những thế, trên địa bàn còn có nhiều sai phạm khác về công tác quản lý đất đai, được coi là có liên quan đến một số cán bộ có chức có quyền tại TP Vũng Tàu và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu…
Tiền hô, hậu... lo thủ tục
Theo quy hoạch chi tiết 1/500 đã được UBND TP Vũng Tàu phê duyệt, dự án Metropolitant có quy mô hơn 43ha bao gồm các phân khu chức năng như: trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, trường học, các khu nhà ở cao tầng, thấp tầng, biệt thự cao cấp… với số dân hơn 8.000 người. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án là Công ty CP Địa ốc An Khang với cổ đông góp vốn chủ yếu gồm Công ty TNHH Khang Linh, Công ty CP Đầu tư An Trung và 4 cá nhân khác. Vốn pháp định của chủ đầu tư theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (đã được sửa đổi nhiều lần) là 250 tỷ đồng. Thế nhưng trên thực tế theo điều tra của chúng tôi, số vốn đăng ký trên không có thực, chỉ có quyền sử dụng 1,58ha đất nông nghiệp trồng cây lâu năm của Công ty TNHH Khang Linh do bà Ngô Thị Minh Phượng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc An Khang và Đỗ Thùy Linh (con bà Phượng), Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khang Linh đứng tên và một số cổ đông khác góp vốn bằng quyền sử dụng đất trong khu vực dự án. Thực tế, vốn góp bằng đất của các cá nhân tham gia dự án đều là những khu đất chưa hoàn thành pháp lý quyền sử dụng đất theo mục đích sử dụng của quy hoạch 1/500 đã được phê duyệt.
Đến thời điểm dự án được khởi công, hồ sơ pháp lý mà chủ đầu tư có trong tay chỉ là văn bản số 4189/UBND-VP ngày 7-7-2008 của UBND tỉnh BR-VT (trên cơ sở tờ trình số 1705/SKHĐT-ĐTKT ngày 24-6-2008 của Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh) và thuận địa điểm lập quy hoạch chi tiết 1/500 ngày 22-7-2008 của Sở Xây dựng tỉnh. Hai văn bản trên được UBND TP Vũng Tàu cho là đã đủ cơ sở pháp lý và không cần xin chủ trương của UBND tỉnh BR-VT, đã ra quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Bản quy hoạch này sau đó được các cơ quan chức năng phát hiện có quá nhiều sai biệt so với quy hoạch tổng thể 1/2000 mà UBND tỉnh BR-VT phê duyệt trước đó.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và cũng không cần đến thủ tục cấp phép đầu tư của cơ quan thẩm quyền, UBND TP Vũng Tàu đã “đi trước một bước” bằng việc ban hành Thông báo số 18/UBND-BBT ngày 29-1-2011 về việc thu hồi đất. Việc làm khó hiểu này của UBND TP Vũng Tàu đã tạo điều kiện cho chủ đầu tư tiếp tục quảng cáo rầm rộ về tính khả thi và hiệu quả “ngoài sự mong đợi” của siêu dự án lớn nhất tỉnh sẽ được hoàn thành trong thời gian nhanh nhất.
Vốn ảo đầu tư vào siêu dự án
Như chúng tôi phân tích ở phần trên, các cổ đông góp vốn vào Công ty CP Địa ốc An Khang bằng quyền sử dụng đất của khoảng gần 80.000m², thực chất đều là đất chưa có pháp lý đầy đủ. Bằng các bản hợp đồng thỏa thuận đặt cọc và hợp đồng thỏa thuận góp vốn bằng quyền sử dụng đất ký với các cổ đông, mẹ con bà Phượng tung hô lên đã nắm trong tay nguồn vốn bằng quyền sử dụng đất của hơn 11ha có giá trị lên đến hàng ngàn tỷ đồng, đủ khả năng để thực hiện dự án. Chỉ riêng phần giá trị đầu tư xây lắp vào dự án cho lễ khởi công cũng được chủ đầu tư “thổi” lên gần 50 tỷ đồng! Thực tế, giá trị đầu tư cho các hạng mục như san nền khởi công, rà phá bom mìn, kéo dây điện… chỉ vào khoảng hơn 1 tỷ đồng.
Dự án Metropolitant được chủ đầu tư tổ chức khởi công vào ngày 15-1-2011 với nhiều hoạt động khuếch trương rầm rộ được người dân TP biển Vũng Tàu đánh giá là “chưa từng có”. Tại lễ khởi công, dù các thủ tục pháp lý của dự án chưa hoàn thành, song trước hàng ngàn quan khách trong và ngoài tỉnh (cả nhà đầu tư nước ngoài), trong đó có lãnh đạo UBND, các sở ngành của tỉnh BR-VT và UBND, các phòng ban của TP Vũng Tàu, chủ đầu tư khẳng định đã có đầy đủ nguồn lực tài chính, phương tiện, nhân lực, quỹ đất… để sớm đưa dự án vào khai thác thương mại sớm nhất.
Thế nhưng, hơn 3 năm qua Dự án Metropolitant tới thời điểm hiện nay được các cơ quan chức năng đánh giá vẫn còn nằm trên giấy, chưa hề có sự chuyển động nào, kể cả về mặt thủ tục pháp lý. Trong khi đó, đã có hàng trăm cá nhân và tổ chức đổ tiền vào dự án qua các bản hợp đồng góp vốn với chủ đầu tư với số tiền lên đến gần 400 tỷ đồng.
Theo hồ sơ, tài liệu tại cơ quan chức năng, việc hợp thức hóa và chuyển mục đích sử dụng 1,58ha từ đất rừng sang đất nông nghiệp trồng cây lâu năm để đưa vào thực hiện dự án, UBND TP Vũng Tàu đã áp dụng khoản thuế chuyển quyền sử dụng đất theo khung giá thấp nhất của loại đất khu vực nông thôn. Trên thực tế, khu đất này nằm ngay vị trí mặt tiền của quốc lộ 51B đã được đầu tư, mở rộng lên cấp đô thị. Chênh lệch khoản thuế đất mà chủ đầu tư được lợi và Nhà nước thất thu khoảng gần 30 tỷ đồng. Việc làm này có sự tiếp tay của Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường TP Vũng Tàu Vũ Quốc Tuấn (đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội danh “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”) và một số cán bộ của TP Vũng Tàu. |