Trụ sở Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Ảnh: Reuters
Trong tuần này, nhiều ngân hàng trung ương sẽ diễn ra cuộc họp chính sách, trong đó có cuộc họp của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) và Ngân hàng trung ương Thụy Điển (Riksbank), trong bối cảnh việc cắt giảm lãi suất cơ bản đã được thực hiện triệt để và tất cả ngân hàng trung ương này đang chuyển sang mua trái phiếu chính phủ.
Theo một cuộc thăm dò của Reuters công bố tuần trước, các chính sách nới lỏng tiền tệ gần đây cùng với việc giá dầu giảm làm cho người tiêu dùng được hưởng lợi nhưng đối với triển vọng thay đổi tăng trưởng kinh tế toàn cầu là không lớn.
Fed sẽ quyết định tăng lãi suất?
Fed vừa kết thúc chương trình nới lỏng định lượng cách nay hơn sáu tháng. Nhưng có vẻ như Fed buộc phải đợi đến cuối năm nay mới có thể tăng lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục, chứ không phải như dự kiến vào tháng 6-2015 - theo Reuters.
Do thời tiết xấu của mùa đông, thương mại bờ Tây gặp trở ngại, cộng thêm đô la Mỹ tăng giá làm ảnh hưởng xấu đến lạm phát và xuất khẩu của Mỹ, hoạt động kinh tế Mỹ đầu năm nay khiến người ta thất vọng, làm cho tỷ lệ lãi suất thấp được duy trì lâu hơn. Song song đó, triển vọng tăng trưởng và hành vi giao dịch của thị trường tài chính toàn cầu dường như chưa được cân bằng hơn. Trong tuần này, chỉ số cổ phiếu công nghệ Nasdaq của Mỹ trở lại mức cao kỷ lục trong các thời kỳ bong bóng.
Ít ai dự báo Fed sẽ bắt đầu tăng lãi suất cơ bản vào ngày 29-4, sau hai ngày họp chính sách. Nếu Fed quyết định tăng lãi suất, đây sẽ là lần đầu tiên Fed tăng lãi suất trong gần 10 năm qua, trong bố cảnh tiền lương và lạm phát tăng lên không đáng kể, thậm chí thị trường việc làm cũng gặp trở ngại.
Tuy nhiên, nhiều người dự báo tuyên bố chính sách ngày 29-4 của Fed sẽ nói rõ xu hướng nắm lấy các cơ hội đầu tiên để làm cho chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo trở lại quỹ đạo bình thường hơn. "Khi thị trường việc làm của Mỹ cải thiện hơn, triển vọng kinh tế sẽ cân bằng hơn, đây là tín hiệu rõ ràng để bắt đầu lãi suất" - theo BNP Paribas.
Chương trình mua trái phiếu của ECB có thực sự hệu quả?
Do chương trình mua trái phiếu chính phủ của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) thúc đẩy, thị trường chứng khoán Đức đã tăng hơn 20% trong năm nay. Mặc dù thị trường chứng khoán tăng nhưng tác động xấu đến đồng euro và lợi suất trái phiếu.
Triển vọng khu vực đồng euro (eurozone) được cải thiện rõ ràng trong vài tháng qua nhưng với tốc độ tăng trưởng kinh tế còn yếu, tỷ lệ thất nghiệp cao khó thay đổi và nguy cơ Hy Lạp vẫn còn tồn tại. Hy Lạp đang sắp cạn tiền mặt, đối mặt với nguy cơ vỡ nợ.
Dữ liệu phát hành vào tuần này của ECB sẽ kiểm chứng quy mô khoản vay của các ngân hàng eurozone cho các doanh nghiệp có thực sự tăng lên hay không.
Tạp chí Financial Times ngày 27-4 đăng bài phân tích cho rằng nguy cơ thực sự đối với châu Âu là Ukraine, chứ không phải Hy Lạp. Căn cứ theo các lợi ích địa chiến lược và kinh tế lâu dài, sự sụp đổ của Ukraine nguy hiểm hơn. Theo tác giả bài báo, việc Hy Lạp rút khỏi eurozone - GRECEX - sẽ là thảm họa với nước này và gây tổn thất tài chính, uy tín to lớn cho EU, do đó EU sẽ nỗ lực ngăn chặn điều này xảy ra. Tuy nhiên, GRECEX sẽ không hủy hoại EU và về lâu dài, thậm chí còn cải thiện khối này. Trong khi đó, thành công hay thất bại trong chính sách của EU với Nga và Ukraine đều có thể quyết định số phận của EU.
Tác giả bài viết nhận định Ukraine đang "bên bờ vực vỡ nợ" và cần đàm phán tái cơ cấu nợ cũng như cần thêm trợ giúp tài chính từ EU. Bài viết nhấn mạnh quan hệ Ukraine-EU giống như Đức-Mỹ sau năm 1945. Do đó, đối với EU, Ukraine không chỉ là đối tác đầu tư có tiềm năng tốt mà còn là cơ hội đặc biệt để củng cố vai trò địa chiến lược.
Dự báo BoJ sẽ nới lỏng tiền tệ hơn nữa
Về Nhật Bản, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã và đang thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng để thoát khỏi giảm phát và dự kiến sẽ còn nới lỏng hơn nữa. Tuy nhiên, việc thực hiện thêm các biện pháp nới lỏng tiền tệ có đạt được hiệu quả hay không khiến người ta nghi ngờ.
Trong bối cảnh chính phủ Nhật Bản gia tăng cường độ kích thích kinh tế, sau khi ra mắt chương trình mua nợ vài ngàn tỉ yen để nâng tỷ lệ lạm phát trong hai năm qua, nền kinh tế Nhật Bản đã thoát khỏi suy thoái từ việc tăng thuế tiêu thụ. Tuy nhiên, kinh tế trưởng khu vực châu Á Mark Williams của công ty tư vấn độc lập Capital Economics cho biết: "Kể từ khi chương trình mua nợ được khởi động, tiền lương và giá cả ít thay đổi".
Một số nguồn tin biết rõ ý tưởng của BoJ cho biết BoJ vẫn có khả năng có các biện pháp kích thích kinh tế hơn nữa nhưng không phải trong tuần này, mà phải đợi đến cuối năm nay, có thể là vào tháng 10-2015 mới hành động.
Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings ngày 27-4 hạ bậc xếp hạng tín dụng của Nhật Bản từ A+ xuống A với lý do chính phủ Nhật Bản thiếu các nỗ lực củng cố tài chính trong ngân sách cho năm tài chính hiện tại. Hiện, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đang đối mặt với khoản nợ công khổng lồ và nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nợ công của Nhật Bản cao gấp hai lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP), chủ yếu do sự gia tăng đáng kể thanh toán cho hệ thống an sinh xã hội những năm gần đây. Fitch dự báo nợ công của chính phủ Nhật Bản sẽ tăng đến 244% GDP vào cuối năm 2015.
Khác
Ngân hàng trung ương Thụy Điển cũng đã giảm lãi suất xuống đến mức 0 hoặc thấp hơn và đang mua tài sản để chống lại tình trạng giảm phát, ngân hàng này cũng phải đối mặt với giá nhà tăng cao và vấn đề nợ của các hộ gia đình.
Trong khi hầu hết ngân hàng trung ương khác cắt giảm lãi suất, trong đó có ngân hàng trung ương của các thị trường mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ, Ngân hàng trung ương Brazil đang đối mặt vấn đề suy thoái kinh tế và lạm phát phi mã. Cuộc khảo sát mới nhất của Reuters cho thấy trong cuộc họp tuần này, Ngân hàng trung ương Brazil có thể sẽ lần nữa tăng lãi suất 50 điểm cơ bản lên 13,25% - vào hàng cao nhất thế giới.