Tháng vừa qua báo chí loan tin hàng loạt các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài báo lỗ một cách bất thường.


Khách sạn Equatorial (liên doanh với Hồng Công) báo lỗ 338 tỉ đồng; Sài Gòn Metropolitan (liên doanh phát triển cao ốc) từ khi hoạt động 1998 đến nay liên tục lỗ; khách sạn Fortuna ở Hà Nội của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (liên doanh với Singapore từ 1994) đã phải phê duyệt bán lại cho đối tác nước ngoài toàn bộ 30% vốn của mình do thua lỗ và không có tiền tăng vốn.

Và còn bao nhiêu tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam khác góp vốn bằng “quyền sử dụng đất” do Nhà nước cấp để có được 30% vốn góp. Liên doanh thua lỗ liên tục, chủ đầu tư không những chẳng được gì mà còn mất luôn cả “quyền sử dụng đất” trong hàng chục năm trời. Không những xôi hỏng bỏng không mà mất cả chì lẫn chài.

Tại sao vậy?

Mỗi liên doanh mỗi khác, nhưng hình mẫu dưới đây là khá quen thuộc.

Một tổ chức Việt Nam xin được miếng đất hay doanh nghiệp Việt Nam có sẵn đất được Nhà nước giao ở trung tâm các thành phố, hăm hở “liên doanh với nước ngoài” để hy vọng lấy lời giúp thêm kinh phí cho hoạt động của tổ chức hay doanh nghiệp mình.

Nhưng tiền tươi thì họ không có, thế là phong trào xây dựng khách sạn, cao ốc liên doanh với nước ngoài nở rộ. Các quan chức sau một đêm trở thành doanh nhân lớ ngớ, cho nên thương thảo hợp đồng liên doanh thường bị hớ với các đại diện “kinh nghiệm đầy người” của bên nước ngoài.

Thường là phía Việt Nam chỉ có 30% vốn đăng ký trong khi vốn nước ngoài 70% cũng chẳng đáng kể gì với tổng vốn của dự án. Họ chiếm 70%, lại có kinh nghiệm lọc lõi trên thương trường, có đội ngũ luật gia cừ khôi giúp đỡ, nên hợp đồng thường có rất nhiều “bẫy” đối với phía Việt Nam. Và hầu như họ nắm toàn quyền điều hành.

Liên doanh phải vay thêm nhiều tiền (có khi từ công ty mẹ ở nước ngoài) để đầu tư với lãi suất kha khá, các chi phí hoạt động cũng rất cao, chi phí mua sắm, sửa chữa có thể được miễn thuế và thường do chính đối tác lo liệu.
Qua cho vay, qua mua sắm, qua chi phí có thể đã thu hồi vốn từ lâu nhưng liên doanh vẫn lỗ dài dài theo đúng các quy định kế toán và tài chính của Việt Nam.

Để bù vào các khoản lỗ này người ta đòi phía Việt Nam phải tăng vốn lên một cách tương ứng nếu muốn giữ 30% vốn.
Các chủ đầu tư Việt Nam bấy giờ mới ngã ngửa ra, chưa được chia xu nào, vài lao động mà liên doanh nhận vào làm có lẽ đã bị sa thải, cơ quan mất chỗ làm việc (hay quyền sử dụng đất).

Thôi đành xin phép cấp trên bán phần vốn của mình cho phía nước ngoài để họ trở thành doanh nghiệp 100% nước ngoài, may ra mới thu được một cục, còn cứ đeo đẳng liên doanh thì mất hết.

Đấy là cách giải quyết khôn ngoan hơn là tiếp tục duy trì liên doanh. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã làm như vậy với Fortuna, nhưng rồi lại lời ra tiếng vào và người có sáng kiến khôn ngoan này có thể bị vạ lây. Đúng là mất cả chì lẫn chài và bị mang tiếng.

Đấy mới chỉ là nói đến chuyện liên doanh khách sạn và bất động sản.

Việt Nam được gì? Trừ tiền thuế giá trị gia tăng (do khách hàng trả chứ không phải doanh nghiệp trả) và một số việc làm làng nhàng, các chủ đầu tư Việt Nam chẳng được gì (có thể một vài cá nhân được lợi cho riêng mình).

Đấy là một thời ấu trĩ, thời mà quan chức biến thành doanh nhân hết sức lớ ngớ. Bây giờ đã khác xưa nhiều, nhưng hình mẫu cũng đã biến tướng để theo kịp “đà phát triển của xã hội”.
Không còn các kiểu liên doanh góp vốn bằng “quyền sử dụng đất” thô sơ như trước nữa. Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài ngày càng nhiều.

Các doanh nghiệp này đã đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước, thế nhưng vẫn có không ít có “hình mẫu xưa” được biến tướng.

Quan chức-doanh nhân vẫn còn nhan nhản và thành tích kinh doanh của họ thật đáng ngờ. Các bên nước ngoài thì cũng có người lợi dụng vốn vay và trả lãi, mua hàng từ hãng mẹ và “chuyển vốn” qua giá, qua chi phí, qua mua vật tư máy móc, nguyên liệu, tránh thuế gây ô nhiễm ở các nước khác (như Vedan, Hyundai-Vinashin),... để doanh nghiệp đỡ phải đóng thuế hay thu bộn lời.

Những biến tướng như vậy đã được cảnh báo từ lâu, cũng không khó phát hiện.

Làm sao cho đầu tư nước ngoài có hiệu quả, góp phần vào tăng trưởng bền vững của đất nước, chứ đừng tạo cơ hội cho một số kẻ khiến chúng ta mất cả chì lẫn chài và con cháu chúng ta sẽ phải nai lưng ra gánh hậu quả môi trường.

Thiết nghĩ kinh nghiệm tốt và kinh nghiệm đau xót của vài chục năm qua phải là đủ đối với những người có quyền quyết định.

Cafeland.vn - Theo Nguyễn Quang A (LĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland