Phường Phước Tân (TP.Biên Hòa) là nơi quy hoạch cấp phép một số dự án khai thác khoáng sản nhưng chưa triển khai được. Ảnh: Khánh Minh
Luật Đất đai năm 2013 quy định những dự án, công trình sản xuất, kinh doanh không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất thì chủ đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê, góp vốn bằng QSDĐ. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi của những hộ dân khi có đất nằm trong dự án. Thế nhưng, Luật lại thiếu quy định về cơ chế xử lý đối với trường hợp nhà đầu tư đã thương lượng trên 90% diện tích đất trong dự án, chỉ còn lại diện tích nhỏ không thể thương lượng được với chủ sử dụng đất nên dự án không thể thực hiện.
Nút thắt khó gỡ
Tại Đồng Nai đang có những dự án Nhà nước không thu hồi đất và DN phải tự thỏa thuận với người dân để mua lại QSDĐ đang gặp khó khăn cần có chính sách để tháo gỡ. Cụ thể là địa điểm thực hiện dự án, DN đã thỏa thuận mua lại QSDĐ của gần hết khu đất, nhưng còn 2-6% diện tích các hộ dân chưa chịu chuyển nhượng, dự án đành phải nằm chờ. Việc này dẫn đến không ít công trình kéo dài nhiều năm không thể triển khai. Do đó, phía chính quyền địa phương cũng như các chủ dự án đều mong Chính phủ sớm có chính sách tháo gỡ hài hòa cho cả DN lẫn người dân có đất trong những dự án trên.
Toàn tỉnh quy hoạch hơn 1,9 ngàn dự án, trong đó có hàng trăm dự án thuộc diện DN tự thỏa thuận về đất đai. Các dự án thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ, khu dân cư, khai thác khoáng sản... Để cân bằng được lợi ích giữa những hộ dân bị lấy đất cho dự án và nhà đầu tư là bài toán không dễ giải.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN PHI, Luật Đất đai năm 2013 sau nhiều năm thực hiện đã có những điểm không theo kịp xu hướng phát triển của nhiều địa phương. Do đó, dịp này, UBND tỉnh đã yêu cầu các huyện, thành phố rà soát lại những vướng mắc liên quan đến đất đai để đề xuất Chính phủ sớm bổ sung, sửa đổi Luật Đất đai, tạo thuận lợi cho việc triển khai các công trình, dự án
Ông Lê Khoa, Giám đốc Công ty CP Xây dựng công trình giao thông 610 chi nhánh P.Phước Tân (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Công ty được UBND tỉnh cấp phép khai thác mỏ khoáng sản ở P.Phước Tân, đất trong khu dự án đã được thỏa thuận mua QSDĐ gần hết, hiện chỉ còn hơn 400m2 của một hộ dân, nhưng họ không chịu nhượng lại khiến dự án phải gác lại, chưa thể khai thác”.
Thực tế, nhiều hộ dân ở Đồng Nai khi thấy quy hoạch dự án đều muốn chủ đầu tư triển khai nhanh, để nhận tiền bồi thường, đến những nơi khác ổn định cuộc sống. Do đó, giá đất các DN thỏa thuận xấp xỉ giá thị trường là họ sẽ giao đất. Thế nhưng, cũng có một số hộ khi biết dự án nhà nước không thu hồi đất đã đẩy giá đất lên cao hơn nhiều so với giá thị trường, gây khó cho DN. Có những DN tư nhân chấp nhận mua những thửa đất còn lại với giá cao để có mặt bằng khởi công dự án, song những DN có vốn nhà nước rất khó thực hiện, vì còn nhiều ràng buộc khác.
Ông Nguyễn Cao Tài, Trưởng phòng TN-MT H.Vĩnh Cửu cho hay: “Luật Đất đai năm 2013 quy định rõ, Nhà nước chỉ thu hồi đất cho những công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, vì lợi ích quốc gia, cộng đồng. Còn lại các dự án thương mại khác, chính quyền chỉ cấp chủ trương đầu tư, việc thỏa thuận chuyển nhượng đất đai DN phải tự làm. Quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi cho những hộ dân có đất trong dự án, còn DN muốn có đất nhanh phải đàm phán với người dân để mua lại QSDĐ với giá phù hợp. Tuy nhiên, có mặt hạn chế là đôi khi chỉ vì vướng thửa đất nhỏ không thỏa thuận được làm ảnh hưởng chung đến toàn dự án”.
Cần giải pháp vẹn cả đôi đường
Trong giai đoạn tới, Đồng Nai sẽ có nhiều dự án thuộc diện DN tự thương lượng chuyển nhượng QSDĐ. Nếu những vướng mắc trên không được tháo gỡ sẽ gây khó khăn rất lớn cho UBND tỉnh, các địa phương trong việc kêu gọi đầu tư, để phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Hồng Quế, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai tỉnh (Sở TN-MT) nhận xét: “Một số DN phản ảnh về việc dự án đã nhận chuyển nhượng được 96-98% diện tích đất, chỉ còn lại diện tích rất nhỏ của 1-2 hộ dân không thương lượng được mà dự án đành chậm trễ. Các DN đã đề xuất tỉnh hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng để có đất thi công dự án. Tuy nhiên, tỉnh gặp khó khăn chưa có cách giải quyết để đem lại đồng thuận cho cả hai bên vì không có quy định cụ thể với trường hợp này”.
Theo lãnh đạo một số địa phương, Chính phủ nên bổ sung quy định về cơ chế xử lý đối với trường hợp nhà đầu tư không thỏa thuận được với chủ sử dụng đất để nhận chuyển nhượng, thuê, nhận góp vốn QSDĐ để thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh. Một số hộ dân có đất quy hoạch dự án cho rằng, nếu DN chịu trả giá cao cho khu đất, họ sẽ nhượng lại để lấy tiền đến nơi khác sinh sống.
-
Đồng Nai: Chữa “nghẹn” đất đấu giá
Doanh nghiệp chi cả ngàn tỷ đồng để đấu giá đất tại Đồng Nai, nhưng lại gặp khó khi triển khai dự án.
-
Đồng Nai sắp có một dự án đặc biệt diện tích 100ha tại Long Khánh, dự kiến thu hút 1.000 chuyên gia
Khu vực gần 100 ha ở TP Long Khánh được tỉnh Đồng Nai quy hoạch xây dựng Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân.
-
Hãng thép 50 năm tuổi tại miền Nam huy động thêm vốn từ cổ đông để xây nhà máy tại Đồng Nai
Doanh nghiệp này sẽ dùng toàn bộ nguồn tiền mới để đầu tư dự án sản xuất thép cán xây dựng, bổ sung công đoạn luyện phôi thép công suất 150.000 tấn sản phẩm/năm tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 - Nhơn Phú, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai....
-
Đồng Nai có thêm 672ha đất cụm công nghiệp
Bên cạnh 1.202 ha đất cụm công nghiệp đã được duyệt theo quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021 – 2030, địa phương này sẽ bổ sung thêm 11 cụm công nghiệp khác với quy mô 672ha.