Trong một phóng sự mới đây, VTV cho hay gần 300 hộ dân ở chung cư RubyLand đã mua và dọn về ở nhiều năm qua nhưng chưa nhận được sổ hồng. Sau đó họ bất ngờ phát hiện chủ đầu tư đã mang căn hộ của mình đi cầm cố ngân hàng cùng toàn bộ tài sản trong chung cư.
Vụ việc này không phải mới mà đã bị phát hiện cách đây khá lâu. Vào năm 2015 đã có thông tin chủ đầu tư dự án là Công ty Tân Hoàng Thắng nợ đầm đìa tại ngân hàng với số tiền khoảng 286 tỷ đồng. Ngân hàng đã đồng ý cho Công ty Tân Hoàng Thắng, chủ đầu tư dự án nộp 70 tỷ đồng để lấy sổ đỏ ra, nhưng công ty này vẫn không có tiền để trả. Bên cạnh đó, dự án này còn vướng nhiều sai phạm như “xây lụi” quy mô lớn và có tình trạng lộn xộn, bất minh về thu chi tài chính.
Được biết, ngân hàng đã bán khoản nợ xấu của chủ đầu tư là Công ty Tân Hoàng Thắng cho VAMC. Hiện VAMC đã kiện chủ đầu tư ra tòa án Tân Bình, yêu cầu xử lý tài sản đảm bảo là gần 300 căn hộ tại chung cư Rubyland.Vụ việc đang khiến nhiều cư dân ở đây lo lắng.
Tương tự, tại dự án án Cao Ốc Xanh, cư dân cũng đứng ngồi không yên khi xuất hiện thông tin dự án bị đem ra xử lý nợ. Không chỉ vướng nợ nần, dự án này còn chậm tiến độ triền miên khi đã mở bán nhiều đợt, bắt đầu từ năm 2007 nhưng đến nay nhiều khách hàng vẫn chưa nhận được nhà.
Chung cư The Harmona có nguy cơ bị ngân hàng siết nợ.
Trở lại với dự án The Harmona, khi biết thông tin chung cư có nguy cơ bị ngân hàng siết nợ cư dân đã rất lo lắng. Ông Bùi Hữu Thuận, Trưởng ban quản trị chung cư The Harmona cho biết, trong các hợp đồng ký kết mua căn hộ với khách hàng thì chủ đầu tư không hề thông báo gì về các khoản nợ của mình.
Theo cam kết mới nhất của các bên thì đến ngày 15/6, BIDV đồng ý để Công ty CP Thanh Niên tất toán toàn bộ khoản vay tại BIDV Bắc Sài Gòn trước ngày 15/6/2016 và sẽ tiến hành giải chấp tài sản thế chấp sau khi Công ty này thanh toán hết toàn bộ khoản vay tại ngân hàng. Trường hợp đến thời hạn trên, doanh nghiệp vẫn không thể trả hết nợ thì BIDV chi nhánh Bắc Sài Gòn phải chuyển sang nhóm nợ quá hạn và doanh nghiệp phải tìm nguồn trả nợ khác để thanh toán khoản vay chứ ngân hàng không thể siết nợ chung cư và yêu cầu người dân ra khỏi nhà.
The Harmona, Cao ốc Xanh hay Rubyland không phải là những dự án cá biệt xảy ra tình trạng chủ đầu tư mang dự án đã thế chấp tại ngân hàng đi bán cho người dân. Nhất là với quy định, chủ đầu tư khi làm dự án chỉ cần có 30% vốn và phần còn lại là vốn huy động thì nhiều chủ đầu tư sẽ phải vay ngân hàng và huy động của khách hàng. Có nhiều dự án mặc dù người dân đã nhận bàn giao nhà nhiều năm nhưng vẫn không làm được sổ đỏ do chủ đầu tư đang thế chấp sổ đỏ của toàn bộ dự án tại ngân hàng để vay tiền.
Theo một chuyên gia bất động sản, để bảo vệ quyền lợi cho mình, người mua nhà cần phải tìm hiểu thật kỹ càng trước khi quyết định xem dự án đó có đủ điều kiện mua bán không và xem dự án có được ngân hàng bảo lãnh không. Theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua dự án nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng.
Ngày 26/5 Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 07 hướng dẫn khi thực hiện bảo lãnh cho chủ đầu tư dự án bất động sản để bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. Ngân hàng Nhà nước cũng đã công bố danh sách 40 ngân hàng thương mại đủ điều kiện để thực hiện hoạt động bảo lãnh bất động sản hình thành trong tương lai. Do đó, người mua có thể tham khảo và đối chiếu để đảm bảo quyền lợi cho mình khi mua nhà.
Phát biểu trên VTV, luật sư Lê Thanh Sơn – Văn phòng Luật AIC cho biết, để tránh rủi ro, người mua nhà nên cân nhắc, xem xét kỹ và nắm rõ thông tin xem dự án đã đủ điều kiện được bán chưa. Đặc biệt, người dân không nên quá tin vào lời mời chào của các đơn vị môi giới bất động sản.