Lo trả nợ
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước mới đây cho biết, đến
cuối tháng 5/2010, cho vay ngoại tệ đối với nền kinh tế đã tăng khoảng
3,16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, số liệu của Cục Thống kê TP.HCM cho biết, chỉ riêng thành phố này, cho vay ngoại tệ đã đạt 158,4 ngàn tỉ, chiếm 27,7% tổng dư nợ tín dụng, tăng 41,5% so cùng kỳ. Con số đó tương đương 8,337 tỉ USD. Trên cả nước, không công bố con số chính xác nhưng rõ ràng, dư nợ ngoại tệ đã tăng nhanh trong thời gian qua và hiện đang là một con số lớn.
Tuy nhiên, theo các ngân hàng, DN tập trung vay nợ
ngoại tệ thời gian qua là do lãi suất USD xuống thấp, lãi vay VND tăng cao và khó vay, trong khi tỷ giá ổn định
nên DN quay ra vay USD rồi đổi ra VND để sử dụng. Tuy nhiên, các DN đều có tâm lý lo
ngại biến động tỷ giá nên đều vay ở kỳ hạn ngắn 3 - 6 tháng.
Ông Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cho hay, do tính chất biến động của tỷ giá hối đoái và để hạn chế rủi ro, phần lớn các khoản cho vay bằng ngoại tệ là kỳ ngắn hạn.
Chính vì thế, theo đại diện một số ngân hàng như ACB, VIB... từ thời điểm này đến cuối quý III là thời điểm các DN tập trung trả nợ. Đa số các khoản nợ dưới 6 tháng đã đến kỳ đáo hạn, các khoản vay dài hạn hơn thì có thể đến tháng 9 – 10 năm nay. Vì thế, từ bây giờ đã có thể nhận thấy nhu cầu mua USD của DN đã bắt đầu tăng lên.
Trong khi đó, từ phía DN, ông Lê Xuân Bách – Giám đốc Công ty cổ phần thương mại Vĩnh Hoàng Xuân cho biết, từ cuối năm ngoái, việc vay nợ USD khá dễ dàng và có lợi nên nhiều DN đã vay để kinh doanh. Tuy nhiên, bây giờ đã đến hạn trả. "DN của tôi vay gần 2 triệu USD cũng sắp đáo hạn. May mà bây giờ tỷ giá ổn định nên đang nhanh chóng mua vào, cuối năm tỷ giá thường sẽ tăng"- ông Bách nói.
Một số chuyên gia cho rằng, đối với những DN xuất khẩu thì nguồn trả nợ sẽ không lo lắm nhưng đối với những DN nhập khẩu, DN vay USD chuyển đổi ra VND cho những nhu cầu khác sẽ phải lo tìm nguồn để trả nợ. Trong hoàn cảnh cho vay USD ngày càng bị kiểm soát, nhập siêu tăng cao thì USD cuối năm được đồn đoám là sẽ căng thẳng.
Theo Tiến sỹ Chu Việt Anh – Ngân hàng Nhà nước (NHNN), theo tính chu kỳ thì cuối quý II, đầu quý III hàng năm thường là thời điểm xảy ra căng thẳng tỷ giá. Xu hướng vay USD thay vì VND có thể là một nhân tố đẩy cầu USD lên cao. Bên cạnh đó, các yếu tố như lạm phát tăng cao, nhập siêu gia tăng vào cuối năm và tình trạng thâm hụt ngân sách sẽ làm cho USD thêm căng thẳng.
Khó mua bán USD hơn
Trong khi các DN và ngân hàng đang lo lắng về căng thẳng USD theo chu kỳ thì những động thái mới đây của NHNN càng làm cho mối lo này lớn lên.
Mới đây, NHNN đã yêu cầu báo cáo tình hình bán, cho vay thanh toán hàng nhập khẩu. Theo đó, các tổ chức tín dụng phải báo cáo tổng lượng ngoại tệ đã bán và cho vay phát sinh hàng tuần để phục vụ thanh toán các mặt hành nhập khẩu; Tỷ trọng giá trị cho vay, bán ngoại tệ phục vụ nhập khẩu các mặt hàng so với tổng giá trị cho vay, bán ngoại tệ phục vụ nhập khẩu; Tổng giá trị cho vay bằng Việt Nam đồng phát sinh trong tuần để mua ngoại tệ phục vụ thanh toán các mặt hàng nhập khẩu theo hai danh mục nêu trên.
Đây là lần thứ hai liên tiếp, NHNN phát đi tín hiệu về việc kiểm soát mua bán và cho vay ngoại tệ. Trước đó, chính NHNN cũng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo tình hình bán và cho vay thanh toán hàng nhập khẩu với yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, hạn chế cho vay ngoại tệ để thanh toán tiền nhập khẩu các mặt hàng không khuyến khích.
Để dễ dàng kiểm soát, NHNN đã đưa ra các điều kiện cho vay ngoại tệ đối với cá tổ chức tín dụng nhằm kiểm soát quy mô và tốc độ tăng dư nợ cho vay ngoại tệ, phù hợp với khả năng huy động vốn, yêu cầu quản lý nhập siêu theo chỉ đạo của Chính phủ.
Với những tín hiệu này cho thấy, NHNN cũng đã có những
lo ngại về nhập siêu tăng cao và khả năng mất cân đối cung cầu ngoại tệ
vào dịp cuối năm. Việc siết chặt mua bán và cho vay ngoại tệ, chỉ ưu
tiên các hàng hóa cần nhập khẩu, các DN có nguồn trả nợ rõ ràng… sẽ
khiến cho việc vay và mua ngoại tệ sẽ khó khăn hơn. Điều đó cho thấy,
căng thẳng USD cuối năm là những lo ngại có sơ sở.
theo Vietnamnet