Những tín hiệu báo động tại thị trường BĐS phía Nam đang được phát đi liên tục. Mặc dù mọi “chiêu” giảm giá, khuyến mại, quảng cáo, mời chào, nhiệt độ của thị trường vẫn đang… lạnh dần.
Khuyến mãi có giá trị lớn như vàng, kim cương, ôtô, thậm chí hỗ trợ lãi suất nhưng phân khúc căn hộ cao cấp vẫn… bất động. Còn phân khúc căn hộ trung bình sản phẩm bán ra khá khiêm tốn. Ở thị trường thứ cấp (mua đi bán lại) thì đang có tình trạng người mua phải cắt lỗ bán dưới giá hợp đồng, thậm chí bán lỗ 30% khoản tiền đang góp mua nhà. Một số sàn giao dịch BĐS bắt đầu giải thể...

Nhiều doanh nghiệp bên bờ… phá sản?
Ảnh: Duy Tường

“Hàng loạt DN BĐS đang ngồi chờ chết. Có DN chết rồi nhưng chưa nói ra thôi”. Đó là nhận định của ông Trần Văn Thành - Trưởng ban Điều hành phía Nam Mạng các sàn giao dịch BĐS. Theo ông Thành, hiện thị trường BĐS quá căng. Từ năm 2010 nhiều DN đã bán bớt tài sản, chuyển nhượng dự án để cầm cự. Nhưng qua năm 2011 bị bồi thêm siết tín dụng nên nhiều DN đuối. Ngoài ra, các tác động khác như sức mua thị trường quá yếu, nhiều chính sách về thị trường, thuế ban hành gần đây chưa hợp lý… cộng thêm nhiều chủ đầu tư bán tài sản, dự án không được đã và đang đẩy DN BĐS đến bờ vực phá sản.

Ngày 28/5, khi mở bán 20 căn hộ giá trung bình 11,4 - 12,5 triệu đồng/m2 trong tổng số 520 căn, chủ đầu tư dự án Anh Tuấn (Huỳnh Tấn Phát, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TP.HCM) đã quyết định khá sốc: Thay mặt ngân hàng hỗ trợ lãi suất cho khách hàng. Cụ thể Cty sẽ hỗ trợ lãi suất 4%/năm cho đến khi bàn giao căn hộ (áp dụng hết tháng 6/2011). Đặc biệt, trong quá trình thực hiện hợp đồng nếu có sự thay đổi về chính sách hỗ trợ vay vốn của ngân hàng mà ngân hàng tạm ngừng cho vay, chủ đầu tư sẽ cho khách hàng vay số tiền tương ứng với số tiền khách hàng phải thanh toán theo tiến độ của hợp đồng.

Dù hỗ trợ các khoản vay sốc như vậy nhưng thông tin từ phòng marketing Cty cho biết từ khi đưa ra bán đợt hai 20 căn thì hiện tại mới có 7 khách hàng mua.

Không còn là cá biệt, tình trạng các dự án nhà ở giá trung bình khác tại nhiều nơi ở TP từ lâu có khuyến mãi, chiết khấu, tặng quà lớn nhưng vẫn rất khó bán. Giám đốc một sàn giao dịch BĐS ở khu Đông TP cho biết trong tháng 5, nhiều khách hàng đã đặt cọc mua căn hộ quyết định lấy lại tiền, không mua nữa.

Còn phân khúc căn hộ cao cấp thì gần như bất động hẳn. Mới đây một dự án căn hộ cao cấp ở Q.7 do quá khó khăn ở đầu ra đã chuyển hình thức từ bán sang cho khách hàng thuê kèm quyền mua căn hộ trong tương lai. Tuy nhiên, hình thức này vẫn không hấp dẫn khách hàng là mấy.

Ở thị trường sơ cấp (chủ đầu tư bán hàng) diễn ra tình trạng cạnh tranh gay gắt nhưng hàng tồn vẫn còn nhiều. Ở thị trường thứ cấp (mua đi bán lại giữa khách hàng với khách hàng), hai tháng nay xuất hiện tình trạng bán cắt lỗ rầm rộ.

Giám đốc một Cty BĐS ở Q.3 dự báo, ngân hàng mới siết tín dụng đợt một (về mức 22%) ở giữa năm mà thị trường BĐS đã rung rinh, xì hơi. Sắp tới khi ngân hàng đưa tín dụng phi sản xuất về mức 16% vào cuối năm thì nhiều dự án sẽ không trụ nổi.

Sắp tới sẽ có DN BĐS phá sản. Phần lớn DN BĐS Việt Nam là dạng nhỏ và vừa nên sẽ không cầm cự được lâu, nhất là DN chọn sai thị trường, sai phân khúc và đầu tư quá rộng mà cụ thể đó là các dự án căn hộ cao cấp, nghỉ dưỡng.

(Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM)


Theo TL (Báo Xây Dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.