14/03/2011 4:58 AM
Khoản tài chính tương đương 12.000 tỷ yen sẽ bắt đầu được Ngân hàng Trung ương Nhật đưa vào nền kinh tế ngay sáng nay (14/3) với mục đích chính là bình ổn thị trường tài chính sau thảm họa động đất và sóng thần.
Quyết định này vừa được Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) Masaaki Shirakawa công bố cuối tuần qua. Đây được xem là khoản tài chính kỷ lục được cơ quan này chi ra trong vòng gần một năm gần đây.


Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Masaaki Shirakawa. Ảnh: Forexnews

“Thị trường tài chính Nhật rất cần vốn sau thảm họa vừa qua và việc BOJ bơm tiền vào thời điểm này chủ yếu là để đảm bảo không có bất cứ một sự gián đoạn nào trên thị trường liên ngân hàng”, chuyên gia Toshiaki Terada của Totan Research nói với hãng tin Bloomberg. Cũng theo ông này, khả năng Chính phủ Nhật tiếp tục bơm tiền hoàn toàn có thể xảy ra trong trường hợp thì trường cần thêm vốn.

Ngân hàng Trung ương Nhật từng triển khai một gói tài chính trị giá 5.000 tỷ yen hồi tháng 5/2010 với mục đích chính là phòng ngừa những ảnh hưởng xấu từ cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong dài hạn, Chính phủ nước này có thể tiếp tục duy trì một chương trình tín dụng có quy mô lên tới 35.000 tỷ yen trong khi lãi suất tiếp tục được giữ ở mức tiệm cận 0%.

Đây được xem là động thái cần thiết của Chính phủ Nhật nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của trận động đất và sóng thần hôm 11/3. Theo thống kê chính thức, thảm họa này hiện đã khiến 1.597 người chết 1.683 người bị thương trong khi vẫn còn đến 1.481 người mất tích. Số người mất nhà đã lên tới 350.000 trong khi con số tử vong thực tế, theo các hãng thông tấn Nhật, có thể còn lớn hơn nhiều.

Thị trường chứng khoán Nhật mất điểm mạnh trong ngày giao dịch đầu tiên sau thảm họa động đất. Tính đến 9h30 sáng nay (theo giờ Hà Nội), chỉ số Nikkei 225 giảm 445,24 điểm (tương đương 4,34 %) xuống 9.809,19 điểm. Vốn hóa thị trường tại thời điểm này giảm gần 150 tỷ USD.Cổ phiếu của Toyota giảm giá 8,9%, Honda 9,1% trong khi các hãng điện tử lớn như Hitachi, Toshiba mất đến 15% trị giá.
Cafeland.vn - Theo VnExpress
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland