Hồ sơ thiết kế thể hiện ở di tích thắng cảnh lầu Bảo Đại có các công trình nhà hàng, quán bar, khách sạn... một số ngôi biệt thự sẽ được xây chìm trong vách đá.

Lầu Bảo Đại hay biệt thự Cầu Đá là địa danh nổi tiếng, thu hút hàng chục nghìn du khách trong và ngoài nước tham quan mỗi năm.

Sau khi UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho doanh nghiệp xây dựng dự án biệt thự nghỉ dưỡng, nơi đây bị san ủi, đào bới tan hoang khiến ai đến đây cũng xót xa.

Nhiều hạng mục sai phép

Năm 2011, UBND tỉnh Khánh Hòa chấp thuận chủ trương cho Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco - đơn vị quản lý lầu Bảo Đại) liên doanh với Tập đoàn Hà Đô thành lập Công ty CP Đầu tư Khánh Hà (Công ty Khánh Hà) để thực hiện dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại.

Núi Cảnh Long bị đào bới nham nhở nhiều năm nay. Ảnh: An Bình.

Năm 2013, UBND tỉnh Khánh Hòa thu hồi khu di tích lầu Bảo Đại từ Khatoco, giao cho Tập đoàn Hà Đô thực hiện dự án trên.

Đến tháng 8/2013, tỉnh này phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, giao hơn 13,6 ha đất (trong đó có hơn 8,9 ha bao gồm toàn bộ khu danh thắng lầu Bảo Đại và núi Cảnh Long, cùng 4,7 ha mặt biển danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang) cho Công ty Khánh Hà thực hiện dự án, thời hạn cho thuê đất 50 năm.

Trong quy hoạch 1/500, chủ đầu tư sẽ thực hiện các hạng mục, gồm: Khách sạn, nhà hội thảo, nhà nghỉ nhân viên, 5 căn biệt thự hiện hữu cải tạo (công năng nhà hàng, biệt thự nghỉ dưỡng), 36 căn biệt thự nghỉ dưỡng xây mới... Đáng chú ý, trong hồ sơ thiết kế một số căn biệt thự sẽ được chủ đầu tư cho khoét núi để xây chìm trong lòng đất.

Ngay khi dự án được cấp giấy phép (năm 2013), chủ đầu tư đã huy động máy móc san gạt, khoét núi Cảnh Long. Sau 5 năm thực hiện dự án, toàn bộ di tích lầu Bảo Đại bị cạo trọc, đào bới nham nhở, nhiều nơi bị múc sâu để làm móng, xây biệt thự. Hiện, nơi đây trở nên hoang tàn vì công trình bị đình chỉ thi công nhiều năm nay.

Theo Sở Xây dựng Khánh Hòa, thời điểm năm 2016, khi kiểm tra phát hiện chủ đầu tư thực hiện nhiều hạng mục sai giấy phép, vài công trình chưa được cấp phép, cơ quan này đã lập biên bản vi phạm hành chính, buộc chủ đầu tư dừng thi công.

Tuy nhiên, chủ đầu tư không chấp hành mà vẫn cho máy móc đào bới, đổ trụ móng trong khuôn viên di tích lầu Bảo Đại. Đến tháng 5/2018, Sở Xây dựng Khánh Hòa tiếp tục kiểm tra và phát hiện thêm sai phạm.

Xung quanh biệt thự Nghinh Phong bị khoét sâu vào lòng đất để xây biệt thự. Ảnh: An Bình.

Theo biên bản vi phạm hành chính (lần 2, tháng 5/2018) của Sở Xây dựng Khánh Hòa, chủ đầu tư Công ty Hà Đô và đơn vị thi công Công ty CP Hà Đô 1 (đều thuộc Tập đoàn Hà Đô) cho máy móc đào bới di tích danh thắng lầu Bảo Đại khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ.

Cụ thể, doanh nghiệp đã tự tiện đổ bê tông làm hàng loạt trụ móng để xây thêm 2 công trình khách sạn khi chưa có giấy phép, với tổng diện tích gần 800 m2. Với lỗi trên, chủ đầu tư bị phạt 40 triệu đồng.

Can thiệp quá thô bạo vào di tích

Hiện, di tích lầu Bảo Đại trở nên hoang tàn, hàng chục trụ bê tông, cốt thép nằm chỏng chơ, vài ngôi biệt thự đang được xây dở dang, trơ khối bê tông.

"Ngày xưa lầu Bảo Đại rất đẹp, cây cối xanh tươi, lẫn bên trong là 5 ngôi biệt thự cổ kính. Giờ cây cối bị chặt hạ, các mảng xanh không còn, 5 ngôi biệt thự bỏ hoang phế, con người can thiệp quá thô bạo vào di tích”, bà Thanh Nhàn (65 tuổi), nhà gần di tích lầu Bảo Đại, xót xa.

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao (VHTT) Khánh Hòa cũng cho rằng rất buồn khi chứng kiến lầu Bảo Đại bị đào bới. Theo vị này, do bỏ hoang nhiều năm, 5 ngôi biệt thự cổ trong danh thắng lầu Bảo Đại xuống cấp nghiêm trọng.

Hiện cả 5 ngôi biệt thự cổ đã xuống cấp, tường bị bục vỡ nhiều mảng, các chi tiết như cửa, cầu thang, trần nhà, gạch lát nền xuống cấp. Một số chi tiết được thay đổi nhưng không tuân thủ lối kiến trúc cũ nên nhìn thiếu thẩm mỹ, mất giá trị của di tích.

Vị lãnh đạo Sở VHTT Khánh Hòa cho rằng do di tích lầu Bảo Đại qua tay nhiều đơn vị quản lý, khi họ tu sửa không lập hồ sơ để các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nên 5 ngôi biệt thự cổ hiện không còn nguyên bản.

Tường của biệt thự Cây Bàng bị khoan để bắt vít, giăng dây làm nơi phơi khăn tắm, ga giường. Ảnh: An Bình.

Chia sẻ với Zing.vn, một cựu lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa thở dài tỏ ra tiếc nuối khi nhắc đến di tích lầu Bảo Đại.

“Hồi cấp phép cho doanh nghiệp đào núi, xây biệt thự không chỉ tôi mà nhiều người góp ý là không nên, vì việc này đi ngược quy luật bảo tồn di tích”, vị này nói.

Theo ông, di tích lầu Bảo Đại là một khối kiến trúc độc đáo, các ngôi biệt thự kết hợp hài hòa với cảnh quan xung quanh. Nếu cho đào làm móng công trình sẽ làm biến dạng ngọn núi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu địa chất.

“Chúng ta đang can thiệp quá thô bạo vào di tích lầu Bảo Đại, các ngôi biệt thự cổ có nguy cơ biến mất. Nếu không kịp bảo vệ, con cháu chúng ta rồi sẽ chỉ biết đến lầu Bảo Đại qua sách vở, tranh ảnh mà không còn được chiêm ngưỡng những ngôi biệt thự cổ như nó đã tồn tại gần 100 năm nay”, ông nói.

Khu biệt thự được người Pháp xây dựng năm 1923, để làm nơi ăn ở cho các nhà hải dương học. Từ năm 1940-1945, hoàng đế Bảo Ðại và hoàng hậu Nam Phương thường đến đây nghỉ dưỡng nên cái tên lầu Bảo Đại có từ thời đó.

Tháng 10/1995, UBND tỉnh Khánh Hòa công nhận khu biệt thự lầu Bảo Đại là “di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh”.

Tháng 8/2018, di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh lầu Bảo Đại lần đầu được UBND tỉnh Khánh Hòa đưa vào danh mục kiểm kê di tích và yêu cầu lập hồ sơ để bảo tồn.

An Bình (ZN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.