29/10/2014 8:42 AM
Chính sách hỗ trợ nhà tái định cư (TĐC) đã giúp nhiều hộ dân Hà Nội có chỗ ở, ổn định cuộc sống sau khi bị thu hồi nhà, đất. Tuy nhiên, so với nhu cầu, quỹ nhà TĐC luôn trong tình trạng thiếu và chất lượng nhà còn chưa đáp ứng các điều kiện đặt ra đối với nhà TĐC.

Nhà tái định cư Hà Nội đang xuống cấp

Mất cân đối cung – cầu

Trong những năm qua, TP.Hà Nội đã quan tâm tới công tác đầu tư xây dựng và quản lý quỹ nhà TĐC để phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đây được xem là nhiệm vụ bức thiết, cần được ưu tiên giải quyết. Tuy nhiên, quỹ nhà TĐC luôn trong tình trạng thiếu và mất cân đối.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, kể từ năm 2000 đến nay, để phục vụ cho các dự án phát triển mở rộng Thủ đô, TP.Hà Nội đã triển khai 80 dự án nhà ở TĐC với trên 20.000 căn hộ. Trong đó, mới hoàn thành 12.000 căn hộ và đưa vào sử dụng gần 11.000 căn hộ

Chỉ tính riêng năm 2014, để phục vụ cho các dự án đang và sẽ triển khai, Hà Nội cần 6.500 căn hộ để bố trí chỗ ở cho người dân nhưng dự kiến đến cuối năm, quỹ nhà này cũng chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Dự tính, tổng số vốn để xây dựng nhà TĐC của Hà Nội lên đến 46.000 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính gây ra tình trạng thiếu quỹ nhà TĐC tại Hà Nội là do một số chủ đầu tư các dự án TĐC không thực hiện đúng tiến độ đã cam kết. Lý do gây ra sự chậm trễ này, lãnh đạo một doanh nghiệp đang triển khai xây dựng dự án nhà TĐC tại Hà Nội cho hay, doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà TĐC theo chỉ định của Thành phố, vừa bị khống chế về lợi nhuận, lại vừa không được hưởng ưu đãi về tiền sử dụng đất, trong khi chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội lại được miễn tiền sử dụng đất và miễn, giảm nhiều loại thuế khác. Hơn nữa, với việc được miễn tiền sử dụng đất và giảm nhiều loại thuế, thì giá nhà ở xã hội sẽ thấp hơn từ 10-20% so với nhà TĐC, nên nhà TĐC cũng khó cạnh tranh với nhà ở xã hội.

Chất lượng kém

Thực tế đang cho thấy, nhiều người dân thờ ở với nhà TĐC, không thiết tha nhận nhà. Lý do là những khu nhà TĐC xuống cấp nhanh chóng, hạ tầng kỹ thuật liên tục hỏng hóc, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ.

Nhìn nhận về chất lượng nhà ở TĐC, Sở Xây dựng Hà Nội đã đưa ra một đánh giá chung rằng: chất lượng quỹ nhà TĐC còn nhiều hạn chế. Các khu nhà TĐC chưa được quy hoạch chi tiết, đồng bộ, hạ tầng kỹ thuật chưa gắn liền với hạ tầng xã hội như nhà trẻ, trường học, chợ khu vui chơi, giải trí… Việc phân bổ các địa điểm TĐC chưa đáp ứng được yêu cầu bố trí, sắp xếp lại dân cư hợp lý.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Vinh, về lý thuyết, các khu TĐC phải là một đơn vị ở hoàn chỉnh đầy đủ cả về thương mại, giáo dục, dịch vụ, cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu như không dự án TĐC nào đáp ứng đầy đủ được các điều kiện trên. Việc bố trí các nơi TĐC xa nơi cư trú cũ còn khiến người dân bị tách xa địa bàn mưu sinh, không có việc làm, không còn nguồn thu nhập. Điều này dẫn đến hệ quả là chất lượng sống của người dân TĐC thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung, nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do lâu nay, các khu nhà TĐC của chúng ta đều xây dựng theo cơ chế bao cấp. Khi xây xong, dù chất lượng thế nào cũng được nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Ngoài ra, hầu hết các khu nhà TĐC không có chủ quản lý đích thực sau khi đưa vào sử dụng. Chủ đầu tư chỉ xây dựng công trình, sau đó bàn giao cho Công ty Quản lý và Phát triển nhà quản lý vận hành. Như vậy, chủ đầu tư gần như không còn trách nhiệm trong việc bảo đảm chất lượng công trình trong suốt quá trình sử dụng. “Do vậy, tình trạng thất thoát vật liệu, chất lượng nhà ở yếu, kém là điều khó tránh khỏi. Đó cũng chính là lý do vì sao chất lượng các khu nhà kinh doanh lại hơn hẳn các khu TĐC”, Tiến sĩ Vũ Thị Vinh nhấn mạnh.

Quỳnh Nga (Công Thương)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.