10/02/2025 2:35 PM
Lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát mong muốn có một văn bản như một nghị quyết để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư và sản xuất sản phẩm phục vụ dự án đường sắt trong nước.

Sáng ngày 10/2, Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. Đồng chủ trì có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Bùi Thanh Sơn.

Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, 26 tập đoàn, doanh nghiệp lớn của nhà nước và tư nhân.

Việt Nam đang triển khai một số dự án rất lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối với Trung Quốc, nhà máy điện hạt nhân. Do đó, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp tư nhân “xem có thể làm được gì thì đăng ký, đề xuất cơ chế chính sách để làm, miễn là không tư lợi”.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát nhìn nhận các dự án đầu tư công như đường sắt đô thị Hà Nội, TP HCM, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng... sẽ mang lại thời cơ rất lớn cho doanh nghiệp.

Hòa Phát có thể đầu tư 10.000 đồng đầu tư nhà máy sản xuất ray

Ông Trần Đình Long bày tỏ: “Tôi nghĩ rằng mỗi doanh nghiệp là một tế bào của nền kinh tế thì Hòa Phát cũng như vậy. Chúng tôi cam kết giai đoạn 2025 đến 2030 phát triển tối thiểu 15%”.

Hiện nay, toàn bộ ngành thép Việt Nam nhập khẩu khoảng 30 triệu tấn quặng làm nguyên liệu sản xuất thép, chiếm 95%.

Lãnh đạo Hòa Phát cũng cho biết nước ta có 2 mỏ lớn là Quý Sa và Thạch Khê. Mỏ sắt Thạch Khê là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, quy mô khoảng 500 triệu tấn, nằm tại Hà Tĩnh. Ông Long cho rằng cần triển khai việc khai thác mỏ Thạch Khê để giải quyết cơ bản nguồn nguyên liệu hàng năm, tiết kiệm ngoại tệ.

Thời gian tới, ông Trần Đình Long cho biết Hòa Phát có thể đầu tư nhà máy sản xuất ray với số vốn khoảng 10.000 tỷ đồng. Với nhà máy này, tập đoàn đảm bảo cung cấp thép chế tạo cho Tổng công ty đường sắt để làm dự án.

“Dự án cần khoảng 10 triệu tấn thép, Hòa Phát sẽ cung cấp đủ với chất lượng, tiến độ giao hàng và giá thấp hơn nhập khẩu”, ông Long nói.

Tuy nhiên, đây là một sản phẩm rất đặc thù bởi nếu không sử dụng cho dự án sản phẩm sẽ không biết bán cho ai. Cho nên, Hòa Phát đề nghị nhà điều hành có văn bản như một Nghị quyết để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư và sản xuất sản phẩm phục vụ dự án.

Trước đó, ngày 9/2, trong chương trình công tác tại tỉnh Quảng Ngãi, thăm Khu liên hợp gang thép Dung Quất của Hòa Phát tại Khu kinh tế Dung Quất, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Hòa Phát nghiên cứu sản xuất thép chất lượng cao, phục vụ các dự án đường sắt, đặc biệt dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.