07/01/2014 8:30 PM
Hiện nay, một hệ thống phòng cháy có giá chỉ dao động từ vài triệu đến vài chục triệu, nhưng nghịch lý ở chỗ, nhiều chủ nhà phố dạng ống có giá trị tiền tỷ vẫn không sử dụng.

Nhà phố tại TP.HCM thường được ưu tiên diện tích phòng ở, không chú trọng đến thông hơi, thông gió, nên khi xảy ra cháy, nạn nhân rất dễ bị ngạt

NHÀ MỚI, NGUY CƠ CHÁY CŨ

Theo thống kê của Công an TP.HCM, năm 2012 TP.HCM đã xảy ra 132 vụ cháy nổ (giảm sáu vụ so với năm 2011) làm chết 17 người, bị thương 30 người, tổng thiệt hại ước tính hơn tám tỷ đồng. Năm 2013, số vụ cháy tăng vọt, toàn TP xảy ra 549 vụ, làm chết 13 người và bị thương 21 người, ước tính thiệt hại về tài sản khoảng 31,1 tỷ đồng. Trong số này, gần một nửa là cháy nhà dân và các cơ sở kinh doanh đặt ở những căn nhà phố dạng ống ngột ngạt, bít bùng.

Nhà phố dạng ống luôn là lựa chọn hàng đầu của người dân do giá thành rẻ, tận dụng được diện tích. Tuy nhiên, phần lớn những ngôi nhà này do nhiều thầu xây dựng thiếu kiến thức chuyên môn đảm nhiệm, nên đã ưu tiên diện tích phòng ở, thu hẹp giếng trời, sử dụng dây điện kém chất lượng, không thiết kế thông hơi, thông gió.

Sáng 5/1, chúng tôi đến xem một căn nhà mới xây trong hẻm giao cắt với đường Phan Huy Ích (Q.Tân Bình). Thầu xây dựng tên S., chuyên xây nhà để bán, rao căn nhà một trệt, ba lầu với giá 3,4 tỷ đồng. Bên trong nhà, giếng trời giữa cầu thang được thiết kế nhỏ hẹp để ưu tiên cho khu vực đậu ô tô sát cửa ra vào. Căn nhà quay lưng vào một nhà phía sau không hề có khoảng cách. Trong các phòng ở, ngoài cửa sổ kính cường lực, không hề có quạt thông gió, thoát hơi. Khi chúng tôi hỏi: “Đối lưu nhiệt kém thế này lỡ chập điện thì làm sao thoát khói, thoát nhiệt?”, ông S. cho biết: “Giếng trời là để lấy sáng thôi, mà nhà đầy đèn điện thế này còn lấy sáng làm gì nữa. Sợ cháy thì mua cái bình chữa cháy về, lo gì”.

Chúng tôi ngỏ ý muốn đi xem nhà khác, ông S. điện thoại cho một đồng nghiệp đưa chúng tôi sang đường Phạm Văn Chiêu, P.14, Q.Gò Vấp. Căn nhà này nằm trong hẻm lớn, nhưng ngoài thiết kế lệch tầng thì không có gì khác so với căn nhà trước đó. Không chỉ trong những khu dân cư, nhiều nhà phố dạng ống mặt tiền đường tại nhiều quận huyện cũng thiết kế thiếu thông thoáng. Chưa kể, chủ nhà còn tận dụng mặt tiền để treo pa-nô quảng cáo bít hết ban công, hoặc dùng ván ép ngăn thành các phòng nhỏ cho thuê.

Về cơ bản, những kiểu nhà ống này tận dụng diện tích tốt nhưng không đảm bảo nguyên tắc đối lưu nhiệt, làm tăng nhiệt độ trong phòng. Khi có cháy, các phòng ở sẽ chứa đầy khí độc, người trong nhà có nguy cơ chết ngạt trước khi chết cháy. Nhiều người dân trên đường Lê Văn Sỹ còn nhớ vụ cháy tại Trung tâm bảo hành bếp gas Rinnai số 335 Lê Văn Sỹ, P.1, Q.Tân Bình vào ngày 12/12/2013.

Do căn nhà dạng ống, bít bùng nên chỉ sau 30 phút “bà hỏa” bùng lên, cửa kính tầng ba (nơi xảy ra cháy) bị sức nóng làm nổ tung, rơi xuống phía dưới đường đang có nhiều người qua lại. Một cán bộ PCCC có mặt tại hiện trường cho biết, nếu căn nhà thiết kế thông thoáng, đám cháy sẽ không bốc nhanh như vậy, thiệt hại về tài sản sẽ giảm rất nhiều. Khoảng 15g ngày 4/1/2014, một đám cháy cũng xảy ra tại một căn nhà dạng ống một trệt, hai lầu ở số 519/27/3 Âu Cơ, KP.3, P.Phú Trung, Q.Tân Phú. Nếu không nhờ người dân phát hiện kịp thời và cùng nhau dập lửa, có lẽ căn nhà chỉ còn lại đống gạch vụn do thời điểm xảy ra cháy, chủ nhà đã khóa cửa đi làm.

Một vụ cháy trong hẻm nhỏ, người dân phải đục tường để cứu nạn nhân

NGĂN “BÀ HỎA” THẾ NÀO?

Kỹ sư Hoàng Trọng Hiếu, Công ty xây dựng Ái Quốc cho biết, hiện nay nhà ở cấp 3, cấp 4 khi xin giấy phép xây dựng chỉ bao gồm: đơn xin phép xây dựng nhà ở theo mẫu có xác nhận của UBND phường nơi xin xây dựng nhà, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tờ khai nộp thuế sử dụng đất và bản vẽ thiết kế xây dựng nhà do cơ quan thiết kế có tư cách pháp nhân lập. Lúc hoàn công, công trình không hề bị ràng buộc bởi các tiêu chuẩn PCCC. Nhiều chủ nhà còn yêu cầu thu hẹp cầu thang để tăng diện tích các phòng hoặc chống nóng bằng các vật liệu gây cháy.

Theo kiến trúc sư (KTS) Trần Như Sơn, Công ty tư vấn xây dựng Thái Minh Hải, điều kiện PCCC chỉ bắt buộc đối với các cơ sở kinh doanh, dẫn đến tình trạng nhiều nhà ở được sử dụng làm cơ sở kinh doanh cũng xem nhẹ vấn đề phòng cháy khi “thừa hưởng” thiết kế cũ, lối đi trong nhà nhỏ hẹp, không có ban công. “Có lần, khách hàng đặt tôi thiết kế một căn nhà dạng ống cao năm tầng tại Q.10, khi nghe tôi góp ý việc thiết kế hệ thống phòng cháy khoảng 15 triệu đồng thì từ chối ngay vì sợ tốn kém". KTS Sơn nói.

Cũng theo KTS Sơn, thiết bị phòng cháy đã có từ lâu trên thị trường nhưng chỉ các công ty, nhà xưởng lớn có chủ doanh nghiệp là người nước ngoài lắp đặt. Người dân thờ ơ với thiết bị phòng cháy không phải vì giá cả mà là do không lường trước nguy cơ cháy và phương pháp xử lý trong đám cháy.

Trong khi đó, hệ thống này càng quan trọng hơn khi trong nhà có người già và trẻ nhỏ. Quy trình hoạt động của hệ thống báo cháy là một quy trình khép kín, giúp chủ nhà phát hiện sớm vị trí xảy ra cháy, từ đó có biện pháp chữa cháy thích hợp. Hiện đại hơn, hệ thống chữa cháy sẽ tự động phun nước để dập đám cháy. Theo khảo sát của chúng tôi tại một cửa hàng bán thiết bị PCCC, hệ thống báo cháy năm kênh (năm cảm biến) dùng cho nhà ở do Hàn Quốc sản xuất có giá từ 8,6-9,6 triệu đồng. Các thiết bị báo cháy thông thường khác như tủ báo cháy, đầu báo cháy có giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng.

Theo một cán bộ Sở Xây dựng TP.HCM, quy định chừa khoảng lộ giới phía sau nhà ở đã có từ lâu, không chỉ góp phần tạo mỹ quan, an toàn trong xây dựng mà còn giúp nhà ở thông thoáng, thoát khí, thoát nhiệt. Tuy nhiên, nhiều người dân vì muốn tăng diện tích sử dụng nên làm trái quy định, khiến nhà phố ngột ngạt và tăng nguy cơ cháy.

Hiện nay, trên thị trường còn có nhiều thiết bị hỗ trợ để người gặp nạn có thể tự cứu mình khi lực lượng chữa cháy chưa có mặt. Hai trong số các thiết bị này là thang dây và ống trượt. Khi có hỏa hoạn, không thể thoát hiểm bằng cửa chính, người gặp nạn sẽ móc một đầu thang dây vào cửa sổ hoặc lan can, thả thang dây để leo xuống.

Ngoài loại thang này, người dân có thể sử dụng loại thang một dây, tuột xuống bằng cách móc cáp vào một điểm treo chắc chắn rồi nhảy xuống qua cửa sổ hoặc hành lang bên ngoài tòa nhà. Cáp sẽ nhả ra tự động với tốc độ 2m/giây đưa người tiếp đất an toàn. Đối với ống trượt, thiết kế cho phép trượt theo kiểu thẳng đứng hoặc nghiêng tùy vào khoảng không tiếp đất. Ưu điểm của thiết bị này là có thể lắp đặt ở những nơi có diện tích nhỏ hẹp. Thiết bị này đã được ứng dụng trong các nhiệm vụ của cảnh sát chuyên nghiệp khi tham gia chữa cháy nhà cao tầng, diễn tập chống khủng bố và giải cứu con tin.

Đại tá Lê Tấn Bửu - Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết, với những ngôi nhà không có lối thoát hiểm thì lan can là vị trí để lực lượng cứu hỏa và xe thang tiếp cận giải cứu các nạn nhân, dập lửa. Nhưng hiện nay nhiều nhà dân, công ty vì lợi nhuận và xem nhẹ tính mạng, đã lắp đặt biển quảng cáo ngay mặt tiền nhà, có khi bít hết cả lan can các tầng.

Vinh Quốc (Phụ nữ Online)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.