Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội đã khánh thành dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại lô đất CT21A, khu đô thị mới Việt Hưng (quận Long Biên). Dự án gồm 7 đơn nguyên cao 6 tầng, với 300 căn hộ có diện tích 36-63m2/căn.

Đây là dự án nhà ở xã hội có hình thức thuê mua đầu tiên ở Hà Nội, có mức giá khoảng 6 triệu đồng/m2. Vấn đề dư luận quan tâm là đối tượng nào sẽ được hưởng dự án này?

Nhà ở xã hội tại khu đô thị Việt Hưng: Dành cho đối tượng nào?

Khu nhà ở xã hội CT19A, phường Việt Hưng, quận Long Biên đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Ảnh: Linh Tâm


Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đối tượng thụ hưởng dự án là cán bộ, công nhân, viên chức (CBCNVC) có hộ khẩu Hà Nội, đang gặp khó khăn về nhà ở và một số gia đình chính sách, chủ yếu dành cho những đôi vợ chồng trẻ mới ra trường, gia đình nghèo, không có nhà ở, theo quy định tại Quyết định 45 của UBND TP Hà Nội. Đối tượng thuê mua phải trả một lần bằng 20% giá trị căn hộ. Số tiền còn lại được trả dần trong vòng 5-10 năm, tùy theo nhu cầu, khả năng; chia đều theo các tháng, cộng thêm lãi suất ngân hàng. Đến năm thứ 10 người thuê mua được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ, được quyền bán căn hộ khi có khả năng đổi chỗ ở khác tốt hơn. Tuy nhiên, khi bán, Nhà nước sẽ thu lại phần kinh phí đã hỗ trợ. Đồng thời, chủ hộ phải cam kết không được xin hỗ trợ về nhà ở từ các dự án nhà ở khác của Nhà nước. "Đặc biệt, nếu muốn thanh toán trước thời hạn cũng không được, vì Nhà nước cho trả dần, mà có khả năng trả ngay một lần là đã thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn. Đầu tư loại nhà này, mục tiêu của Nhà nước là hỗ trợ, tạo điều kiện cho những người thực sự khó khăn có nhà ở bằng hình thức trả dần. Do đó, nếu chủ hộ hết khó khăn, cơ quan quản lý sẽ mua lại nhà để bán cho người khác, tránh tình trạng lợi dụng chính sách của Nhà nước để mua đi bán lại kiếm lời" - ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, hiện đã có 52 hộ gia đình chính sách do UBND các quận, huyện gửi danh sách lên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, được trình lên Hội đồng xét duyệt TP và hội đồng đã thống nhất trình UBND TP duyệt thuê mua. Ngoài ra, TP sẽ căn cứ vào chỉ tiêu để phân bổ cho các quận. UBND các quận có trách nhiệm thông báo cho các đơn vị trên địa bàn. CBCNVC phù hợp với các điều kiện, có nhu cầu về nhà ở, làm hồ sơ gửi cơ quan đang làm việc để xét duyệt lần đầu. Sau đó, hồ sơ được gửi tiếp về quận xem xét lần hai, rồi gửi lên Hội đồng xét duyệt của TP. Để bảo đảm không xảy ra tiêu cực, hồ sơ của người mua nhà sẽ được Hội đồng xét duyệt, gồm liên ngành Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Lao động, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội xem xét lần cuối trước khi trình UBND TP thông qua. Ngoài ra, cứ 3 năm sẽ xét duyệt lại một lần. Nếu vẫn còn khó khăn thì tiếp tục được thuê; nếu đã thoát khỏi khó khăn, có cuộc sống khá giả hơn phải trả lại nhà, để cho người khác thuê. Trường hợp được xét duyệt rồi cho thuê lại, hay bán lại sai quy định sẽ bị thu hồi ngay lập tức.

Cafeland.vn - Theo Hà Nội mới
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland