Phải chăng vì lãi suất khi tham gia vào lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp được quy định chỉ nằm trong khung 10%, mà các doanh nghiệp lớn của ngành xây dựng không tham gia?

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện tại, số lượng nhà thu nhập thấp đã hoàn thành cung cấp cho thị trường mới đạt 1% theo kế hoạch đề ra. Khi bắt đầu triển khai chương trình nhà ở xã hội có hơn 300 doanh nghiệp đăng ký tham gia, sau hơn 2 năm thực hiện, số còn lại rất ít.


Đối với doanh nghiệp, tham gia thị trường nhà ở là phải có lãi, đó là điều không ai phủ nhận. Tuy nhiên khi tham gia vào thị trường nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp, lãi suất của doanh nghiệp được khống chế chỉ trong phạm vi cho phép 10%, phải chăng vì lãi suất của việc xây dựng nhà ở xã hội thấp, nên nhiều doanh nghiệp không mặn mà? Doanh nghiệp ngoài chưa nói, nhưng doanh nghiệp nhà nước liệu có động lòng trước một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước giàu tính nhân văn như vậy?


Dành một lượng thời gian rất lớn cho báo chí tại Hội nghị doanh nghiệp xây dựng, mới đây Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Trịnh Đình Dũng cho rằng, để phát triển nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp không chỉ là quyết tâm của Đảng, Nhà nước, mà cần phải trở thành pháp lệnh.


Cũng theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đây là một chương trình an sinh xã hội lớn, cần sự chung tay của Nhà nước, cũng như người dân. Nhà nước, mà cụ thể ở đây là các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp của ngành xây dựng phải đi tiên phong. Tuy nhiên, nhìn lại hơn 2 năm triển khai, trong số các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp còn rất hạn chế. Đếm đi đếm lại, các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nhà cho người thu nhập thấp đến thời điểm này vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay...


Phải chăng vì lãi suất khi tham gia vào lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp được quy định chỉ nằm trong khung 10%, mà các doanh nghiệp lớn khác của ngành xây dựng không tham gia? Một ví dụ mà được chính Bộ trưởng Bộ Xây dựng thừa nhận, đó là Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD), mặc dù đây là một trong những doanh nghiệp khai sinh ra văn hóa nhà chung cư tại Việt Nam, đồng thời cũng là một trong những doanh nghiệp đi đầu về phát triển loại hình nhà ở chung cư thời gian qua, với rất nhiều dự án.


Cụ thể như khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm, mà HUD là chủ đầu tư. Là một trong số ít các doanh nghiệp mũi nhọn của Bộ Xây dựng, nhưng đến thời điểm hiện tại HUD vẫn chưa có bất kỳ một sản phẩm nào trong phân khúc nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp, chưa có bất kỳ một dự án nào của phân khúc này của HUD được nhắc, từ thời điểm bắt đầu triển khai chương trình nhà ở xã hội năm 2009 đến nay. Một ví dụ điển hình cũng được nhắc đến như Vinaconex.


Tham gia thị trường, lỗ lãi là việc doanh nghiệp quan tâm hàng đầu, không ai phủ nhận việc đó, tuy nhiên với những doanh nghiệp nhà nước, ngoài việc giải bài toán kinh tế, cũng rất cần chung tay để giải quyết các vấn đề xã hội, mà bài toán nhà ở cho người nghèo cũng là một phần rất quan trọng.


Lần đầu tiên Việt Nam có chiến lược phát triển nhà ở vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong chiến lược đó, nhà ở cho người nghèo được nhắc đến rất nhiều. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với người dân, đặc biệt là người lao động, dân nghèo. Và ý kiến của đồng chí Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng rằng, nhà ở xã hội phải trở thành pháp lệnh, có lẽ là điều cần thiết trong bối cảnh hiện tại

Theo Phan Hoạt (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.